Đến Đông Phi, nhìn và ngẫm về cây cà phê... xóa đói

Chủ nhật, ngày 22/06/2014 08:25 AM (GMT+7)
Hớp một ngụm cà phê, bác Simon kể cho tôi nghe câu chuyện hơn 20 năm về trước khi cây cà phê được đưa đến đây như là loại cây trồng để xóa đói, bởi người Tanzania quanh năm suốt tháng chỉ biết canh tác cây bắp và cây khoai tây.
Bình luận 0

Những ngày tháng 2, người Moshi - Tanzania lại hối hả vào mùa thu hoạch cà phê. Những vùng đất đỏ bazan được tạo thành từ ngọn núi lửa Kilimanjaro đã giúp cây cà phê trở thành cây công nghiệp "cốt lõi" của vùng đất Đông Phi. Tuy nhiên, dù được chính phủ quan tâm nhưng với những gì đang diễn ra, việc phát triển cây cà phê ở Tanzania vẫn còn quá khó khăn.

Moshi là một thị trấn nhỏ với hình ảnh những người phụ nữ chân trần đội những chiếc thúng trên đầu mang những sản phẩm cây nhà lá vườn đến chợ vào sáng tinh mơ, hay những đứa trẻ lem luốc theo chân mẹ đến trường trên những con đường đất đỏ bazan.

Nơi đây còn có bạt ngàn vườn cây ăn trái và cà phê cùng những cung đường dốc quanh co, thỉnh thoảng đâu đó xuất hiện những cây baobap trên những đồi núi, tạo nên hình ảnh rất đặc trưng của châu Phi.

Kilimanjaro như một vị Thần núi bảo vệ cho cả thị trấn yên bình. Đứng bất cứ nơi đâu trong lòng phố tôi cũng đều thấy hình ảnh đỉnh núi được phủ lớp tuyết trắng xóa, để khi bình minh lên hay hoàng hôn đến, chúng phản chiếu ánh Mặt trời tạo thành sắc hồng tuyệt đẹp.

Buổi trưa, núi thoắt ẩn thoắt hiện trong những màn mây và đôi khi không còn nhận ra nơi phía đó có một ngọn núi hùng vĩ mà phải mất 6 ngày mới leo lên tới đỉnh.

Tôi theo chân anh Akida, người hướng dẫn tôi leo núi ngày mai, rảo bước đến ngôi làng cách trung tâm Moshi 2km để tìm hiểu thêm về văn hóa của người địa phương. Hình ảnh dòng suối nhỏ chảy qua làng với những đứa trẻ trần truồng nô đùa, tắm suối trông giống ở một làng quê nào đó ở các tỉnh cao nguyên Việt Nam.

Bên dưới những cây chuối to lá là những cây cà phê trĩu nặng những chùm trái đỏ rực. Anh Akida cho biết: "Đất đai ở Tanzania rộng lắm, mỗi một hộ dân trung bình có khoảng 1ha đất canh tác, nhưng cây cà phê ở đây không canh tác tập trung dù chính phủ xác định đó là cây công nghiệp cốt lõi làm thay đổi cuộc sống của người bản địa".

img
Thu hoạch cà phê ở Tanzania - Ảnh minh họa

Cây cà phê có nguồn gốc từ Ethiopia, được đưa đến Tanzania vào thế kỷ XVI. Hồi đó, không ai chú ý nhiều đến cây cà phê bởi người bản địa chỉ tập trung canh tác bắp và khoai tây, hai loại cây lương thực chủ yếu của vùng đất Đông Phi.

Chỉ có tộc người Haya trồng cây cà phê với mục đích sử dụng nội bộ. Khi Tanzania còn là thuộc địa của nước Đức, cây cà phê được khuyến khích canh tác rộng rãi và là cây hái ra tiền.

Tuy nhiên, người Đức cũng vẫn chưa mặn mà đưa ra những chương trình đầu tư lớn vào các bộ lạc để canh tác cà phê theo dạng đồn điền hay nông trại. Cây cà phê của Tanzania chỉ được thế giới biết đến khi người Đức bắt đầu xuất khẩu từ 1905 - 1912.

Người Anh tập trung đầu tư canh tác cây cà phê khi Tanzania là thuộc địa của họ. Những trang trại được mở rộng và mở mới trên những vùng đất có thể trồng cây cà phê, đặc biệt quanh hai ngọn núi lửa Kilimanjaro và Meru.

Năm 1925, người Anh xuất khẩu 6.000 tấn cà phê từ Tanzania. Thập niên 80, cà phê được xem là cây công nghiệp tiềm năng có thể thay đổi cuộc sống cho các nông hộ.

Hiện nay, Tanzania nằm trong top 20 quốc gia xuất khẩu cà phê nhiều nhất thế giới với sản lượng hằng năm khoảng 55.000 tấn và thu về hơn 60 triệu USD.

Tôi ghé qua nhà bác Simon, một trong những người làm cà phê lâu năm tại Moshi. Bác cho biết: "Ở Tanzania, 70% cây cà phê giống Arabica và 30% còn lại giống Robusta. Diện tích canh tác cà phê khoảng 256.000ha, trong đó giống Arabica được trồng chủ yếu dọc theo sườn núi Kilimanjaro và Meru, trong khi giống Robusta được trồng dọc theo hồ Victoria ở vùng Kager".

Bác Simon mời tôi thử qua hương vị của hai giống cà phê Arabica và Robusta được trồng ở hai vùng đất khác nhau. Arabica trái to hơn và có vị chua khi vừa đưa vào đầu lưỡi, nhưng sẽ ngọt hơn khi nuốt vào, trong khi Robusta trái nhỏ hơn và không chua, thơm mùi trái cây.

Bác Simon giải thích: "Hương vị một phần do đặc tính của giống, nhưng chính khoáng chất trong đất đỏ bazan được tạo thành từ núi lửa tạo nên sự khác biệt".

Có khoảng 450.000 hộ canh tác cà phê và đóng góp 90% sản lượng xuất khẩu hằng năm, 10% sản lượng còn lại đến từ các doanh nghiệp, nông trường thuộc nhà nước. Việc canh tác cây cà phê giúp chính phủ giải quyết công ăn việc làm cho 2,4 triệu người trong khoảng 40 triệu người Tanzania.

Hớp một ngụm cà phê, bác Simon kể cho tôi nghe câu chuyện hơn 20 năm về trước khi cây cà phê được đưa đến đây như là loại cây trồng để xóa đói, bởi người Tanzania quanh năm suốt tháng chỉ biết canh tác cây bắp và cây khoai tây.

Ngày đó, người Moshi rất mơ hồ về loại cây giúp họ xóa đói và không hề biết các kỹ năng canh tác loại cây này, không biết liệu dịch bệnh có tấn công gây thiệt hại nặng nề cho cây cà phê giống như cây bắp, cây khoai tây khiến họ từng khốn đốn trước đây.

Thị trường để bán hạt cà phê vẫn còn quá xa lạ bởi nó không giống đội thúng khoai hay bắp ra chợ hằng ngày, đặc biệt họ không định được giá cà phê giống như các loại nông sản khác bởi nó biến động theo giá cà phê thế giới. Rồi cà phê là cây lâu năm nên họ không thể xoay xở đốn bỏ nếu canh tác không hiệu quả.

Những cuộc chuyển giao hay tập huấn kỹ thuật về cây cà phê của chính phủ cho người dân quá ít, cùng với trình độ dân trí khá thấp và một chút bảo thủ nên việc triển khai kỹ thuật của nhà nước cũng gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, thu nhập hằng năm của nông dân quá thấp (200 USD/năm, bình quân cho cả Tanzania là 599 USD/năm), nên họ rất ngại đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, công lao động vào cây cà phê.

Do canh tác nhỏ lẻ nên cà phê được chế biến bằng phương pháp khô trước khi bán cho thương lái. Tuy nhiên, trong công nghệ chế biến cà phê hiện nay, người ta đã thay dần phương pháp khô bằng phương pháp ướt với máy móc hiện đại, giúp hàm lượng cafein trong hạt đạt sự ổn định cao. Lý do này đưa đến tình trạng cà phê Tanzania không đạt chất lượng như mong muốn khi xuất khẩu, khá ít thị trường chấp nhận.

Anh Akido cho biết, ở Tanzania có ba kênh giúp các nông hộ cà phê tiêu thụ sản phẩm làm ra: bán cho những lái buôn nhỏ lẻ thu mua lại, bán cho các thương lái thông qua những phiên chợ đấu giá được tổ chức thứ Năm hằng tuần khi mùa cà phê đến (kéo dài 9 tháng liền/năm) và bán cho những công ty chuyên về cà phê để xuất khẩu.

Đứng trước tình trạng sản lượng cũng như chất lượng của hạt cà phê không đạt, chính phủ Tanzania đưa ra chương trình dài hạn 10 năm (2011 - 2021) cho cây cà phê. Tầm nhìn của chương trình là "Xây dựng ngành công nghiệp cà phê Tanzania phát triển lâu dài và mang lại lợi nhuận cho hộ canh tác. Sản xuất cà phê với chất lượng quốc tế trên nền kinh tế vĩ mô bền vững, giảm bớt sự đói nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người Tanzania".

Mục tiêu được chính phủ đặt ra để thực hiện tầm nhìn: Tăng sản lượng từ 50.000 tấn như hiện nay lên ít nhất 80.000 tấn vào năm 2016 và 100.000 tấn vào năm 2021.

Cải tiến chất lượng hạt cà phê qua việc gia tăng giá bán trên thị trường xuất khẩu, từ 35% hiện nay lên 70% vào năm 2021. Nâng cao năng suất hạt cà phê thấp nhất là 450 kg/ha vào năm 2021 (tăng 100%).

Có thêm 10.000ha cà phê được trồng mới. 70% cà phê sản xuất tại Tanzania đạt mức độ từ 1 - 7 và 75% cà phê nhóm Arabica xuất khẩu đến thị trường châu Âu vào năm 2021. 75% kim ngạch xuất khẩu từ cây cà phê được đầu tư lại cho 400.000 hộ trồng cà phê.
(Theo Doanh nhân Sài Gòn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem