Chuyên gia Nguyễn Minh Tuấn: Sau niêm yết thành công, đến lúc Vinfast chứng minh thực lực thật sự của mình

Ngọc Diệp Thứ năm, ngày 17/08/2023 08:35 AM (GMT+7)
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, cổ phiếu VinFast niêm yết Nasdaq nhìn từ góc độ nào đó rất đáng lạc quan trong bối cảnh hiện nay bởi nguồn vốn từ Mỹ qua kênh này kênh khác sẽ có thể vào Việt Nam. Tuy nhiên, bước tiếp theo, Vinfast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cần chứng minh thực lực của mình.
Bình luận 0

Lễ chào sàn Nasdaq của cổ phiếu VinFast diễn ra tại Mỹ lúc 20h30 tối 15/8 (giờ Việt Nam). Tính đến hiện tại, cổ phiếu đã trải qua hai phiên giao dịch đầu tiên. Đóng cửa phiên giao dịch gần nhất trên sàn Nasdaq, cổ phiếu VFS chốt ở mức 30,11USD/cổ phiếu, giảm khoảng 20% so với mức 37,06USD/cổ phiếu của phiên giao dịch đầu tiên. Tuy nhiên, việc cổ phiếu tăng giảm là bình thường của thị trường chứng khoán và chuyên gia đều đánh giá hoạt động niêm yết này là tích cực. 

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Điều hành kiêm đồng sáng lập của Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) và CEO của AFA Capital, đã có những phân tích về diễn biến cổ phiếu VinFast, cũng như ảnh hưởng của việc niêm yết này lên thị trường chứng khoán Việt Nam

Theo ông, vì sao cổ phiếu VFS tăng mạnh như vậy ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, thực tế đó phản ánh cho điều gì?

Trong tài chính có thuật ngữ “đánh giá theo giá thị trường – mark to market” là sự điều chỉnh hàng ngày một tài khoản hoặc một khoản đầu tư để phản ánh giá thị trường thực sự, trái với giá kế toán lịch sử hoặc giá trị ghi sổ.

Ví dụ tổng khối lượng cổ phiếu khoảng 100 cổ phiếu, thì chỉ cần giao dịch 1 cổ phiếu mà cổ phiếu đó được giao dịch ở mức khoảng 100 nghìn đồng thì 99 cổ phiếu còn lại cũng được định giá 100 nghìn đồng.

Ông Nguyễn Minh Tuấn: Việc niêm yết cổ phiếu VinFast mang đến tín hiệu tích cực - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc Điều hành kiêm đồng sáng lập của Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA)

Nhiều người không khỏi đặt câu hỏi tại sao giá trị của VinFast được đẩy lên nhanh thế thì phải hiểu rằng giá trị được đánh giá theo giá cổ phiếu giao dịch với khối lượng tương đối nhỏ. Con số 85 tỷ USD là định giá theo giá trị giao dịch của cổ phiếu. Diễn biến cổ phiếu của VinFast ra sao thì vẫn còn cần phải chờ thêm nhiều phiên tiếp theo chứ một phiên chưa thể khẳng định cho điều gì.

Thế nhưng cần phải nói rằng cổ phiếu VinFast nằm trong nhóm Global Select Market. Sàn Nasdaq có ba cấp: cấp đầu tiên là chọn lọc trên thị trường toàn cầu (Nasdaq Global Select Market”, thứ hai đến sàn Nasdaq Global Market và cuối cùng đến thị trường vốn của Nasdaq (Nasdaq Capital Market).

Tiêu chuẩn để niêm yết trên các sàn này là cao nhất. Doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về tài chính, thanh khoản và quản trị doanh nghiệp để được niêm yết trên bất kỳ cấp độ thị trường nào. Các yêu cầu về tài chính trên sàn Nasdaq Global Market nghiêm ngặt hơn so với các yêu cầu trên sàn Nasdaq Global Market và Nasdaq Capital Market.

Thông tin cổ phiếu VinFast niêm yết Nasdaq nhìn từ góc độ nào đó rất đáng lạc quan trong bối cảnh hiện nay bởi nguồn vốn từ Mỹ qua kênh này kênh khác sẽ có thể vào Việt Nam.

Cũng phải nhấn mạnh đây là việc niêm yết thông qua một công ty SPAC (công ty mua lại với mục đích đặc biệt). Các nhà tài trợ đổ tiền vào công ty SPAC ở đây là Black Spade Acquisition, công ty này được IPO vào tháng 7/2021, sau đó họ tìm kiếm công ty để mua lại trong vòng 2 năm. Hai bên đã đồng ý sáp nhập với nhau và công ty được niêm yết lại trên sàn giao dịch theo một cái tên khác.

Theo cấu trúc sở hữu hiện tại được công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Mỹ, cổ phiếu của SPAC chỉ sở hữu 0,1% cổ phiếu còn cổ phiếu của VinFast sở hữu đến 99% cổ phiếu.

Theo ông, điều này liệu có bền vững không bởi trên thực tế đã có một số doanh nghiệp niêm yết theo hình thức này và sau đó diễn biến không mấy tích cực?

Cổ phiếu VinFast mới chỉ trải qua những phiên giao dịch đầu tiên và cần thêm thời gian để theo dõi. Tuy nhiên vẫn cần khẳng định rằng đây là kênh dẫn vốn và diễn biến cổ phiếu trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào việc doanh nghiệp chứng minh được thực lực thật sự của mình.

Ông Nguyễn Minh Tuấn: Việc niêm yết cổ phiếu VinFast mang đến tín hiệu tích cực - Ảnh 2.

Đóng cửa phiên giao dịch gần nhất trên sàn Nasdaq, cổ phiếu VFS chốt ở mức 30,11USD/cổ phiếu, giảm khoảng 20% so với mức 37,06USD/cổ phiếu của phiên giao dịch đầu tiên.

Tôi muốn dẫn lại bài báo của Barron’s, một nhà xuất bản rất nổi tiếng. Trong bài báo này, họ đưa ra hai luận điểm. Ở thời điểm kết thúc phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu VinFast chốt phiên ở mức 37USD/cổ phiếu, giá trị vốn hóa thị trường hơn 86 tỷ USD. Con số này nhiều hơn giá trị của tất cả các doanh nghiệp khởi nghiệp EV của Mỹ cộng lại và hơn cả Ford Motors và GM của Mỹ, BMW và Volksagen của Đức.

Tất cả những giao dịch này nhắc người ta nhớ đến mọi thứ từng diễn ra như thế nào khi bùng nổ SPAC. Cổ phiếu Nicola (NKLA) đã tăng gấp đôi vào ngày 8/6/2020, chỉ vài ngày sau khi vụ sáp nhập SPAC kết thúc. Cổ phiếu đạt mức 79,73USD một ngày sau đó nhưng đến phiên ngày thứ Hai vừa rồi, cổ phiếu chốt phiên ở mức 2,5USD. Các công ty xây dựng doanh nghiệp EV khó hơ nhiều so với những gì nhà đầu tư tưởng tượng ban đầu.

Điều này thực ra cũng dễ hiểu, việc có được doanh nghiệp, phát triển được sản phẩm và kinh đoanh được tại một thị trường khó tính như thị trường Mỹ cũng như thị trường toàn cầu thực sự rất khó.

Cũng theo bài báo của Barron’s, VinFast cần phải có năng lực sản xuất ước tính khoảng 300.000 xe điện mỗi năm, hiện tại VinFast đã khởi công nhà máy 2 tỷ USD tại Bắc Carolina với công suất ước tính 150.000 xe/năm. Doanh thu của VinFast năm 2023 ước tính dao động từ 1,8 tỷ USD đến 2 tỷ USD. Doanh thu của Rivian, Lucid và PoleStar dự kiến lần lượt 4,3 tỷ USD, 800 triệu USD và 3,1 tỷ USD. Với mức vốn hóa thị trường cao như hiện tại, VinFast đã thuộc nhóm các nhà sản xuất xe điện có giá trị cao nhất hành tinh.

Câu chuyện niêm yết cổ phiếu là khởi đầu, đã đến lúc VinFast cần tập trung vào những vấn đề rất thực tế, đó là xây dựng nhà máy, phát triển sản phẩm. Doanh số bán xe của VinFast ở Mỹ vẫn còn khiêm tốn và VinFast sẽ thực sự cần phải đối mặt vấn đề này trong thời gian tới.

Diễn biến đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường tài chính và kinh tế Việt Nam nói chung?

Khi nhìn vào cấu trúc của VinFast thì cũng có thể biết một phần là việc niêm yết này có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán hay không. Đối với VinFast Auto (VFS), ông Phạm Nhật Vượng đầu tư 19,8% vào VinGroup và VinGroup đầu tư vào 51,52% của VFS, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) đầu tư vào đây 33,48%, một công ty khác ở Singapore là Asian Star Trading & Investment do ông Phạm Nhật Vượng sáng lập đầu tư 15% vào VFS.

Dựa theo cấu trúc như vậy thì các công ty ở Mỹ cũng có tác động đến thị trường Việt Nam, phiên giao dịch ngày thứ Tư trên thị trường chứng khoán Mỹ, cổ phiếu VIC đã trở thành tâm điểm của thị trường. Như vậy có thể thấy sự liên hệ giữa diễn biến của cổ phiếu trên sàn Nasdaq với thị trường chứng khoán ở Việt Nam.

Với một thị trường chứng khoán có độ minh bạch cao hơn Việt Nam rất nhiều, các cổ phiếu rồi sẽ trở về giá trị thực của nó. Tuy vậy, cũng rất kỳ vọng sẽ có thêm nguồn lực từ bên ngoài để xây dựng thị trường chứng khoán và nền kinh tế một cách mạnh mẽ hơn.

Thị trường Mỹ có một số đặc trưng mà nhà đầu tư cũng cần phải nhớ. Thị trường giao dịch T0, có nghĩa là mua bán trong ngày, khối lượng và cường độ giao dịch sẽ rất lớn. Ngoài ra thị trường cũng cho giao dịch hai chiều cả mua và bán, nếu giá bị đẩy lên cao quá sẽ có một phe sẵn sàng bán, cần phải nhắc đến “short squeeze” hay bán non là hiện tượng giá của một coin/token đột ngột tăng mạnh khiến cho những nhà đầu tư đang trong vị thế bán khống (short) phải đóng vị thế của mình để giảm thiểu thua lỗ. Qua thời gian, thị trường sẽ có câu trả lời của nó.

Xin cám ơn những chia sẻ của ông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem