Đến năm 2030, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh sẽ tư vấn, thành lập mới ít nhất 42 hợp tác xã
Đến năm 2030, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh sẽ tư vấn, thành lập mới ít nhất 42 hợp tác xã
Khương Lực
Thứ sáu, ngày 28/06/2024 15:23 PM (GMT+7)
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Mục tiêu từ nay đến năm 2030 các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh sẽ tư vấn, thành lập mới ít nhất 42 hợp tác xã.
Triển khai thực hiện Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 20/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án: "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030", ngày 25/6, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Bà Nguyễn Thị Lệ Tuyết - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh cùng lãnh đạo Huyện ủy Tiên Du và một số thành viên Câu lạc bộ "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu huyện Tiên Du" thăm mô hình sản xuất của Hợp tác xã sản xuất rau củ quả nông sản an toàn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Khương Lực
Theo đó, từ nay đến năm 2030, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh sẽ tư vấn, hỗ trợ thành lập mới ít nhất 42 hợp tác xã (HTX), 49 tổ hợp tác (THT) nông nghiệp; củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 20 HTX nông nghiệp do các cấp Hội Nông dân vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập; thu hút thêm 675 hộ hội viên nông dân tham gia các tổ chức kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
Cùng với đó, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng sẽ hỗ trợ ít nhất 16 chi Hội Nông dân nghề nghiệp, 135 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp phát triển thành HTX, THT nông nghiệp; Có ít nhất 45% số HTX nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập tham gia liên kết sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác; 30% số HTX nông nghiệp được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.
100% cán bộ Hội Nông dân các cấp làm công tác hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế tập thể; ít nhất 90% số cán bộ chủ chốt HTX nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ.
Để triển khai thực hiện các chỉ tiêu chính trên, UBND tỉnh Bắc Ninh đã đưa ra 6 nội dung và giải pháp, trong đó giải pháp đầu tiên là thông tin, tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, vận động, thu hút hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
Cùng với đó, UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của THT, HTX nông nghiệp do Hội Nông dân vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập; Tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân thành lập, phát triển các THT, HTX nông nghiệp, mở rộng đối tượng tham gia; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tổ chức kinh tế tập thể trong nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ; Tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp của Hội Nông dân.
UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, kinh phí thực hiện sẽ lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm cho các cơ quan thực hiện Kế hoạch; lồng ghép với các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch khác có liên quan để triển khai thực hiện các nội dung của kế hoạch được phê duyệt theo quy định về phân cấp ngân sách của Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định hiện hành khác.
Nguồn vốn ngân sách tỉnh đã được ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội; các nguồn vốn tín dụng; vốn của các doanh nghiệp, HTX, THT, hộ hội viên nông dân tự huy động; các nguồn vốn huy động hợp tác khác.
Hàng năm, căn cứ chế độ, chính sách hiện hành và nhiệm vụ được giao thực hiện Kế hoạch, Hội Nông dân (Cơ quan chủ trì) và các cơ quan (cấp tỉnh) lập dự toán kinh phí hoạt động gửi Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Việc lập dự toán chi tiết kinh phí, thực hiện và quyết toán hàng năm theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
UBND cấp huyện, cấp xã cân đối, bố trí nguồn kinh phí của địa phương theo quy định phân cấp ngân sách nhà nước để thực hiện Kế hoạch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.