Đến Thung Nai để quên đèn xanh, đèn đỏ

Theo H.V.Hằng/ TGTT Thứ tư, ngày 23/03/2016 19:08 PM (GMT+7)
Thung Nai như cánh cổng phên giậu của Tây Bắc, có đủ vị mặn của núi và vị ngọt của sông hồ. Đến đây bạn sẽ gặp đủ loại thuyền lướt sóng, đi cầu tre vào động, cầu tre không lắt lẻo mà rung rinh để lên động Thác Bờ, nơi có Phật ngự trên núi cao.
Bình luận 0

img

Thuyền như chiếc lá lênh đênh trên hồ Thác Bờ.

Mưa bụi, gió ấm tràn vào mi mắt ướt thấm đẫm cỏ xanh, mạ xanh, nhà sàn san sát bên phía núi không cao lắm, đó là khi những dấu giày được giữ lại ở Thung Nai.

Một dải sông hồ như chiếc khăn lụa xanh choàng quanh chân núi. Cao Phong, nơi những vườn cam vàng rải thảm cả lối đi khi rộ chín, bây giờ cam cuối vụ vẫn còn quả rám nắng. Đâu đó hoa muộn vẫn nở hắt trắng phía cuối vườn, lúc mặt trời vừa lên thơm ngào ngạt.

Nhưng huyện lỵ Cao Phong không chỉ có đặc sản cam, có hương rừng, có hoa thơm, mà còn có suối Trạch, có hồ thác Bờ nuôi cá và tôm nước ngọt; trải rộng khắp gương hồ là thuyền tung lưới trên hồ.

Ở Thung Nai, không ai còn nuôi đàn nai nữa, thay vào đó là nghề chài lưới và trồng cam. Không gian thanh bình của một miền quê có đủ cả suối, sông hồ và vườn cam. Thung Nai như một "Hạ Long" của Tây Bắc.

img

Vào động thác bờ.

"Hạ Long" của Tây Bắc

Thung Nai như cánh cổng phên giậu của Tây Bắc, có đủ vị mặn của núi và vị ngọt của sông hồ. Đến đây gặp sẽ gặp đủ loại thuyền lướt sóng, đi cầu tre vào động, cầu tre không lắt lẻo mà rung rinh để lên động thác Bờ, nơi có Phật ngự trên núi cao.

Ngày xưa động hoang vu lắm, núi để lại trên nhũ đá xám như điêu khắc. Đá xám lại bao nông nỗi phận người dù vui sướng hay khổ đau khi chọn sống ở miền bán sông nước này. Có năm bao đứa trẻ qua sông trong ngày nước dâng, và nước mắt của các người mẹ miền cận núi mất con vì lũ vẫn còn đọng trên nhũ đá.

Phật ở trên núi cao vẫn giơ tay cứu độ để mùa màng đón những thuyền cá lăng, cá thiểu, cá thầu dầu bé tí vẫn xâu bán trên mạn hồ.

Chợ Bờ của bến Thác Bờ có những những đặc sản hương rừng của đó của nơm để bắt cá, và màu nõn chuối của lá làm nên những món ăn đặc trưng của Thác Bờ.

Đi qua những cây cầu tre rộng rung rinh để lên động Thác Bờ phía trong hang núi; khi xuống núi là gặp hồ Thác Bờ. Đó là nét riêng nhất của động. Phía bến thuyền, những bè nứa đã lợp nên một nhà hàng, cho bữa cơm với đủ món cá sông nướng và chuối om ếch, trâu om lá lổm, canh cá nấu lá rừng. Món ăn được bày trên mâm lá, trên chõng tre và trên nhà sàn. Sau lễ hội, người đi lễ Phật trên núi thường là dân tộc Mường, thi thoảng có những người dân tộc H’mông phía huyện Đà Bắc tới đây.

Hang động này như nghiêng về phía của người Mường, họ đi thăm thú hang động giống như người Kinh đi chơi công viên, đi thăm Bảo tàng dân tộc.

Bảo tàng của người Mường là hang động và nghe âm vang dội núi của cồng chiêng. Nơi đây vẫn là "lãnh địa" của người Mường, xứ sở của Mường Bi, mường Vang, trong câu ca nằm lòng, nhất Bi nhì Vang tam Thàng tứ Động.

img

Em bé người dân tộc H’mông theo bà đi lễ Phật.

Hang và động ở phía Vầy Nưa

Động thác Bờ và đền thờ Bà chúa thác Bờ là hai điểm đến bằng thuyền bè trên sông nước. Đi lễ Phật trên núi cao, xuống thuyền lướt sóng sang đền thác Bờ.

Bà chúa thác nằm trong cung cấm, huyền ảo, linh thiêng trong cõi tâm linh. Đến đền Bờ nhìn những bè nứa lướt đi như trong cảnh sắc của tranh dân gian xưa với nơm, đó, vẫn gác trên nóc thuyền. Có những khúc sông chỉ gặp thuyền nan, thuyền tá túc vào vệ bờ khi sóng lớn, đêm về.

Lại có những ngày êm ả thì nhìn thuyền trôi như giấc mơ như chiếc lá. Có người khó ngủ đã từng chữa trị chứng mất ngủ bằng cách ngủ trên thuyền một ngày trên hồ.

Khi đi thuyền nan cập đền thờ Bà chúa Thác Bờ, bà chúa của rừng xanh, tên Đinh Thị Vân. Ngôi đền còn thờ một bà mà dân gian không ai nhớ tên, cũng được phong thánh, bà vốn là một người dân tộc Dao nhưng ở xã Vầy Nưa.

Huyền thoại kể lại rằng, năm xưa hai bà đã chung lo giúp Lê Lợi vận chuyển quân lương lo dẹp giặc giã ở mãi phía Sơn La. Nhân dân quanh vùng vẫn đến đây cầu mong ngàn đời ấm no, yên lành ở vùng sơn khấu này.

Hang động Thác Bờ và đền Thác Bờ đều là điểm hẹn để níu chân du khách, vì núi và hồ, rừng xanh tĩnh lặng; đủ giúp người thành phố tránh đèn đỏ đèn vàng. Chỉ cần lướt thuyền trên hồ khoảng 20 phút có thể đi tắm ở suối Trạch, lên thuyền mua sắm và đặt món ăn mình thích ở đảo Dừa.

img

Cá nướng bán bên sông.

Bạn muốn đi chợ Bờ phải chọn ngày chủ nhật mua măng và nấm, cá lăng và cá thiểu nướng với mắc khén thơm. Đi siêu thị trên thuyền cũng phải leo cầu mua sắm, có khác chăng nơi đây có thể mua ở trên bờ và mua sắm dưới thuyền. Món cá nướng nước ngọt là đặc sản nơi này.

Riêng món ăn lợn cắp nách cũng vậy, thịt nướng om chuối đậu; thịt trâu om lá lổm, và xôi nén là vị ở đảo Dừa. Với những người thích đi lẻ bạn nên thuê thuyền nan đi dạo trên hồ, có một điều bạn không nên quên đi chơi hồ là cần xem hàn thử biểu, và đem theo áo phao. Gương nước ở hồ xanh trong bạn nên cẩn trọng vì có khúc hồ rộng thuyền vắng vẫn đề phòng sóng ngầm.

Cũng có thể vào bản làng người Mường đặt món ngon gà nướng hay ngan nướng ở quán nhỏ bên đường, vì người dân ở đây rất thân thiện và mến khách.

Với những người thích tìm nơi vắng vẻ thì bạn nên đến Thung Nai nhất là ngày thường vắng lắm. Chỉ cần đi sông hồ và rừng núi bạn nên chọn giày và quần áo gọn gàng, nhớ mang theo kem chống côn trùng và bông nhét vào tai nếu đi leo núi, xuyên rừng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem