"Đi giữa trời rực rỡ" để lại bài học gì khi làm phim về đề tài dân tộc thiểu số?

Hà Thúy Phương Thứ sáu, ngày 09/08/2024 07:19 AM (GMT+7)
"Đi giữa trời rực rỡ" dự kiến có hơn 100 tập, phát trên VTV3 từ ngày 31/7. Bộ phim về người Dao khiến các chuyên gia dân tộc học phản ứng dữ dội, đồng thời rút ra bài học về việc làm phim đề tài dân tộc thiểu số.
Bình luận 0

Đi giữa trời rực rỡ khi phát sóng đã gây ấn tượng với khán giả bởi cảnh sắc Cao Bằng hùng vĩ. Nhân vật chính là sơn nữ tên Pu do nữ diễn viên trẻ Thu Hà Ceri đóng. Vì sinh ra trong gia đình nghèo khó nên khi Pu đỗ Đại học ở thành phố, bố của Pu không muốn con gái đi học mà định gả cô vào làm dâu trong gia đình ông Chiểu giàu có nhất vùng để trả nợ. Vì ông Xuồn - bố của Pu vay một số tiền lớn từ ông Chiểu. Chải - con trai ông Chiểu yêu Pu nên tìm mọi cách ngăn cản cô xuống thành phố học và muốn bố "bắt cưới" Pu cho bằng được.

"Đi giữa trời rực rỡ" để lại bài học gì khi làm phim về đề tài dân tộc thiểu số?- Ảnh 1.

Phim Đi giữa trời rực rỡ đang được khán giả quan tâm theo dõi. Ảnh: NSX

Bộ phim nhận được sự khen ngợi của khán giả cho các cảnh quay núi non hùng vĩ của Cao Bằng. Diễn xuất tự nhiên, trong trẻo của 2 diễn viên trẻ Long Vũ (vai Chải) và Thu Hà Ceri (vai Pu) cũng được khán giả yêu thích. Tuy nhiên, ngoài những lời khen, bộ phim đang vấp phải tranh cãi dữ dội của những chuyên gia dân tộc học và người dân tộc Dao đỏ.

Vì sao Đi giữa trời rực rỡ khiến các chuyên gia dân tộc học phản ứng dữ dội?

Bà Triệu Mùi Say - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc - Uỷ Ban Dân Tộc, người dân tộc Dao cho rằng, bộ phim Đi giữa trời rực rỡ có nhiều điểm không đúng với đời sống thật của người dân tộc Dao như: tục thờ cúng, tục cưới hỏi, việc mổ trâu ăn mừng, trang phục nữ, trang phục nam, ngôn ngữ người Dao, nghề thuốc của người Dao. 

"Đi giữa trời rực rỡ" để lại bài học gì khi làm phim về đề tài dân tộc thiểu số?- Ảnh 2.

Nhân vật chính của phim là Pu - cô gái trẻ người Dao do Thu Hà Ceri đóng. Ảnh: NSX

Trong đó, bà đưa ra những dẫn chứng cụ thể như: không ai được ngồi chỗ cửa chính quay lưng vào bàn thờ, không ai được đứng trước bàn thờ của người Dao. Người Dao quý trâu nên không mổ trâu để ăn mừng. Về lễ cưới hỏi, phải có thầy xem mệnh khắc hợp của đôi nam nữ, có người làm mối, lễ ăn hỏi, cưới xin đàng hoàng, không phải chỉ ra chợ mua cái đầu lợn phủ vải đỏ bê đến như trong phim...

TS. Trần Hữu Sơn - Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng chia sẻ với PV Dân Việt: "Xem phim tôi rất phẫn nộ. Tôi ở miền núi gần 40 năm, không thấy đồng bào miền núi nói với nhau kiểu ngôn ngữ như trong phim. Đã làm phim phải nghiên cứu rất kỹ.

"Đi giữa trời rực rỡ" để lại bài học gì khi làm phim về đề tài dân tộc thiểu số?- Ảnh 3.

NSƯT Hoàng Hải đóng vai ông Chiểu - bố của Chải (Long Vũ đóng). Ảnh: NSX

Tôi thấy người làm phim đang có sự áp đặt theo chủ quan của họ. Trang phục trong phim cũng sai. Sáng tạo nhưng đã làm về miền núi thì phải tuân thủ trang phục của miền núi. Nếu là phim chuyên về trang phục thì sự sáng tạo kiểu đó mới được chấp nhận. Tại sao lại bắt dân tộc miền núi ăn mặc theo ý người làm phim.

Đoàn phim cho biết đã có sự tư vấn. Nhưng tư vấn phải là ý kiến của cộng đồng chứ không phải của một vài người. Tôi từng ở vùng người Dao, rất nhiều bạn trẻ tặng cho tôi các trang phục cải tiến. Nhưng khi sinh hoạt cộng đồng, họ lại không mặc trang phục đó. Trang phục là mẫu mực rồi mới đưa vào phim ảnh.

TS. Trần Hữu Sơn cho rằng, điểm yếu của các nhà làm phim là tư tưởng coi thường người miền núi. Điều đó thể hiện ở ngôn ngữ, trang phục. Họ vẫn có ấn tượng người miền núi là lạc hậu, người miền núi phải nói ngọng.

"Đi giữa trời rực rỡ" để lại bài học gì khi làm phim về đề tài dân tộc thiểu số?- Ảnh 4.

Trang phục của phim đang gây ra phản ứng trái chiều từ phía các chuyên gia dân tộc học và người dân tộc Dao. Ảnh: NSX

TS. Bàn Tuấn Năng, Ủy viên Ban thường vụ Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam, Trưởng Ban đại diện nhóm "Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc" chia sẻ với PV Dân Việt lý do dẫn đến những phản ứng của các chuyên gia dân tộc học và cộng đồng người Dao với bộ phim: "Những điều gọi bị sai trong phim vừa qua là do đạo diễn không đủ khả năng nhập thân vào trong đời sống. Tôi chưa nói về trang phục, ở tình tiết tập 6, ông bố của Chải cho bố Pu vay tiền để ký nhận và muốn bố Pu phải gán con gái cho.

Tất nhiên, đạo diễn phim đã tiến một bước dài hơn câu chuyện Mị và A Phủ của ngày trước là không đến nỗi để bố Pu vì tiền gán con mà cũng phải lựa ý con (Pu - PV).

Người Dao nói riêng họ sống ở miền núi theo một phong thái đủng đỉnh. Tất cả mọi người đối xử với nhau hòa nhã. Nhưng trong làng lại có người láu cá theo kiểu cho tiền để "cọc" con người khác làm dâu. Những kiểu người đó không tồn tại được ở làng, đó là điều phi lý trong nhận thức của đạo diễn.

Khi tiếp cận vấn đề, ngay xuất phát điểm về mặt nhận thức, nhà làm phim đã đặt văn hóa của nơi khác vào người miền núi. Điều này khiến phim không có được cách cảm, cách nghĩ của đồng bào dân tộc thiểu số.

"Đi giữa trời rực rỡ" để lại bài học gì khi làm phim về đề tài dân tộc thiểu số?- Ảnh 5.

Lời thoại của phim được cho là không phù hợp với văn hóa người Dao đỏ. Ảnh: FBNV

Người thiểu số có sự văn minh, có tri thức về thuốc nam hàng nghìn năm nay đã có để giúp cho việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tại sao bảo người thiểu số lạc hậu trong khi nói trang phục của họ đẹp, lấy ra check-in ở các điểm du lịch? Tại sao sử dụng thành tựu trong nền văn hóa lạc hậu của chúng tôi và coi đó là sản phẩm đỉnh cao?

Không loại bỏ được tư duy và cách tiếp cận ban đầu kiểu như vậy thì không bao giờ làm tốt được đề tài dân tộc thiểu số".

Bài học cho việc làm phim về người dân tộc thiểu số

Trước việc phim có nhiều phản ứng trái chiều, TS. Trần Hữu Sơn bày tỏ quan điểm: "Đây là một bài học cho các nhà làm phim. Vì các nhà làm phim và các nhà sản xuất phim rất coi thường các nhà nghiên cứu dân tộc học. Người am hiểu về dân tộc Dao hiện có khoảng 5-7 Tiến sĩ. Phải có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, không thể đại khái".

TS. Bàn Tuấn Năng cho biết: "Với phim về đề tài dân tộc thiểu số, nên đưa vào quy trình bắt buộc phải có một hội đồng tư vấn về dân tộc học. Điều này tôi thấy chưa có tiền lệ. Làm phim về dân tộc thiểu số phải có chuyên gia về dân tộc học và phải có ngôn ngữ của dân tộc. Cần bổ sung quy trình duyệt kịch bản từ khâu đầu tiên, xây dựng câu chuyện đã cần phải có chuyên gia tư vấn.

"Đi giữa trời rực rỡ" để lại bài học gì khi làm phim về đề tài dân tộc thiểu số?- Ảnh 6.

Pu và Chải - hai nhân vật chính của phim Đi giữa trời rực rỡ. Ảnh: FBNV

Cái đã qua rồi giờ không nói nhưng muốn sửa để phim có một cái kết thật mỹ mãn, tôi cho rằng cũng cần phải có tư vấn của chuyên gia dân tộc học. Các nhân vật chính trong phim ở các tập tiếp theo tôi hiểu là sẽ lên thành phố và có cuộc sống, công việc ở đó. Nhưng hoàn toàn cuối phim, các bạn vẫn có thể quay về quê, thấy quê hương có những điểm văn hóa đặc sắc. Đó có thể là điểm nhấn để sửa đổi những sai sót cho bộ phim".

Chảo Thị Yến là cô gái trẻ người Dao được biết đến khi nhận được học bổng Thạc sĩ toàn phần ngành Quản lý tài nguyên rừng bền vững của Liên minh châu Âu - ERASMUS MUNDUS, du học tại Đại học Goettingen (Đức) và Đại học Padova (Italia) trong 2 năm với trị giá gần 1,2 tỷ đồng. Chia sẻ với PV Dân Việt về bộ phim nói đến dân tộc mình, cô nói: "Nếu như phim không làm về người Dao mà nói về cuộc sống miền núi thì sẽ không bị phản ứng của người Dao chúng tôi như vừa rồi.

"Đi giữa trời rực rỡ" để lại bài học gì khi làm phim về đề tài dân tộc thiểu số?- Ảnh 7.

Cảnh Chải cầu hôn Pu trong phim Đi giữa trời rực rỡ. Ảnh: NSX

Phim đang nói chung về người miền núi mà không có sự đi sâu vào tìm hiểu từng tộc người, giữa người Dao với người Mông và người Thái khác nhau như thế nào. Phim chưa có được sự nhạy cảm văn hóa mà chỉ mới nhìn từ phía bên ngoài vào.

Chúng tôi là những người trẻ, thật ra cũng có sáng tạo vượt qua văn hóa gốc của mình. Nhưng một khi đã lên phim truyền hình quốc gia, nghệ thuật phải được sáng tạo từ chính đời sống thực tiễn".

Người Dao mong muốn được thấy gì trên phim về dân tộc mình?

Chảo Thị Yến cho biết, cô rất vui mừng khi có một bộ phim nói về dân tộc mình: "Tôi thấy Đi giữa trời rực rỡ có những cảnh sắc đẹp của Cao Bằng, dù không phải quê tôi nhưng ít nhất qua những thước phim cũng thấy được Việt Nam rất đẹp. Phim cũng giới thiệu được về người Dao. 

Tôi cũng tự hào khi người Dao và các nhóm dân tộc thiểu số được các đoàn làm phim quan tâm và đưa hình ảnh của mình lên phim. Nhưng nếu như các đoàn làm phim chịu khó tìm hiểu hơn và đưa hình ảnh đúng đắn hơn là điều chúng tôi thực sự mong muốn".

"Đi giữa trời rực rỡ" để lại bài học gì khi làm phim về đề tài dân tộc thiểu số?- Ảnh 8.
"Đi giữa trời rực rỡ" để lại bài học gì khi làm phim về đề tài dân tộc thiểu số?- Ảnh 9.

Chảo Thị Yến - cô gái trẻ người dân tộc Dao. Ảnh: FBNV

Khi được hỏi Chảo Thị Yến mong muốn thấy hình ảnh nào về người Dao trên phim, cô cho rằng đó là về các bạn trẻ ham học: "Ở thời điểm hiện tại, các bạn người Dao xuống thành phố làm công nhân rất nhiều. Tiếp nữa là chuyện khởi nghiệp của những người phụ nữ Dao. Ở Lai Châu, Cao Bằng đều có những người phụ nữ không biết chữ nhưng khởi nghiệp có doanh thu tiền tỷ. Những hình ảnh đó cho thấy người Dao mong muốn vươn lên như thế nào ở thời điểm hiện nay.

Bộ phim Đi giữa trời rực rỡ hiện vẫn nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả. TS Trần. Hữu Sơn cho rằng, mặc dù khán giả người Dao có phản ứng trái chiều về bộ phim nhưng khán giả người Kinh lại yêu thích phim. Lý giải điều đó, ông cho biết là vì yếu tố lạ, đề tài miền núi lâu nay ít được làm phim. TS. Trần Hữu Sơn cũng cho rằng, ở khía cạnh là một khán giả, ông nhận thấy câu chuyện phim Đi giữa trời rực rỡ có sự hấp dẫn với một kịch bản thu hút.

Mặc dù đang gây ra tranh cãi dữ dội nhưng theo thông tin từ nhà sản xuất, bộ phim Đi giữa trời rực rỡ hiện đã có 200 triệu lượt xem trên các nền tảng số sau 5 tập đầu tiên.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem