Chị Lan là một trong hàng trăm "công nhân làm chổi chít" của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Mai Bình. Công ty đã mở hàng chục lớp dạy nghề làm chổi chít cho nông dân. Từ ngày đi học làm chổi chít và làm cho Công ty Mai Bình, gia đình chị Lan đã có thêm tiền mua sắm sách vở cho con, có tiền sửa sang chuồng trại, phát triển chăn nuôi.
|
Nghề làm chổi chít đang phổ biến tại các tỉnh Tây Bắc. |
Nghề làm chổi chít cũng giúp em Hà Thị Ngọc, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Du tìm được tương lai mới. Hè năm em học lớp 8, bố bị bệnh nặng, gia đình phải bán gần hết nhà cửa, em cũng tính bỏ học. Rất may sau đó em tham gia lớp học nghề làm chổi chít, rồi nửa ngày đi học, nửa ngày đi làm. Em nói: "May mà có nghề này, em vừa có tiền phụ giúp gia đình, vừa được tiếp tục đi học".
Bà Trương Thị Bình - Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Mai Bình cho biết: "Từ năm 2004 đến nay, để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, công ty đã liên tục mở các lớp dạy nghề làm chổi cho rất nhiều lao động trong tỉnh và ngoài tỉnh". Tuy nhiên, theo bà Bình, để có sản phẩm tốt, đảm bảo chất lượng, làm chổi cũng cần bài bản.
Bên cạnh đó, theo bà Bình thì chương trình dạy nghề 3 tháng chưa thể đáp ứng được yêu cầu của công việc, bởi: "Nếu học 3 tháng thì chỉ có thể làm đẹp được một mẫu sản phẩm chứ chưa thể làm tốt. Chúng tôi làm chổi chít xuất khẩu, mỗi nước lại có yêu cầu khác nhau, việc thiết kế, tạo mẫu, cách đan sáng tạo cũng rất cần thiết, tuy nhiên LĐ của mình mới chỉ học theo kiểu truyền nghề ngắn hạn, bảo gì làm đó. Để đảm bảo đầu ra thì cần những khóa học dài hơi hơn, 6 tháng chẳng hạn...”.
Hiện, tỉnh Hoà Bình và nhiều tỉnh miền núi phía Bắc như Lai Châu, Sơn La... đang xúc tiến mở các lớp dạy nghề làm chổi chít theo Quyết định 1956/QĐ-TTg. Theo bà Bình, các lớp này cần có định hướng trước hết về nguyên liệu, thị trường, rồi mới đến làm nghề để "nông dân thực sự chủ động".
Dương Giang
Vui lòng nhập nội dung bình luận.