Đó là một người phụ nữ mà người dân quen gọi “O Cùi sảy gạo”, tên thật là Nguyễn Thị Hành (50 tuổi, trú tổ 4, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Sở dĩ có cái tên "O Cùi sảy gạo" là vì từ nhỏ bà Hành đã không có hai tay, lớn lên bà có biệt tài sảy gạo bằng hai chân nên bạn bè, hàng xóm đặt cho cái tên: "O Cùi sảy gạo". Chúng tôi cũng xin phép được gọi bà Hành bằng cái tên thân thương O Cùi như mọi người thường gọi.
Hàng ngày, bà Hành vẫn làm công việc sảy gạo cho hàng xóm.
Tuổi thơ nhiều nỗi đauTrong căn nhà cấp bốn cũ kỹ đã bạc màu thời gian, một người phụ nữ tóc bạc nữa mái đầu đang cặm cụi dùng hai chân sảy sạch ba bao gạo to đùng. Những giọt mồ hôi mặn mòi như nước biển cứ lăn đều trên gương mặt già nua của người phụ nữ có cái tên kì lạ: o Cùi.
Thấy khách vào chơi, o Cùi bỏ dở công việc chạy đi lấy nước mời rồi cùng chia sẻ chuyện vui buồn với chúng tôi.
O Cùi sinh ra trong gia đình nghèo có ba anh em ở vùng quê Hương Vân. O Cùi có hai anh chị đều lành lặn, chỉ riêng O không may mắn khi vừa lọt lòng mẹ đã không có hai cánh tay.
Bà Nguyễn Thị Màng (57 tuổi) – chị gái o Cùi nhớ lại: “Ngày em gái tui ra đời, nhìn con còi cọc, suy dinh dưỡng, lại không có hai tay, mẹ tui sốc lắm, nằm ôm nó khóc mãi trên giường bệnh. Đi hỏi bác sĩ thì nghe bảo nó bị nhiễm chất độc màu da cam từ những lần đi đốt than ở vùng biên giới Việt – Lào của cha tui. Nhiều người khi mới thấy em tui cũng khiếp sợ, bảo là quái thai, bảo mẹ tui bỏ con đi nhưng bà quyết không bỏ”.
Bà Hành thường luyện chữ viết bằng đôi chân của mình nên chữ viết khá đẹp.
“Khi lớn lên, nhiều lần tui hỏi mẹ rằng tại sao mình lại không có tay để chơi đùa với chúng bạn, mẹ tôi chỉ biết im lặng quay mặt đi xa. Đến bây giờ tôi mới hiểu, mẹ tui phải kìm nén những giọt nước mắt khổ sở đến thế nào. Mẹ thường động viên tôi phải sống thế nào cho tốt, vượt qua khó khăn, dù không có tay cũng phải làm được nhiều việc tốt” – O Cùi ứa nước mắt, tâm sự.
Từ nhỏ, tất cả công việc bình thường nhất như uống nước, ăn cơm, mặc quần áo… O Cùi đều phải nhờ cha mẹ và anh chị giúp đỡ. Lên 5 tuổi, O bắt đầu tập đi. “Không có tay nên tui không thể tự chống đỡ để đứng lên. Khi tập đi cũng khó giữ được thăng bằng nên chuyện bị té ngã bầm dập mặt mũi thường xuyên như cơm bữa”.
Sau một năm trời kiên trì tập luyện, O Cùi vui đến chảy nước mắt vì đã tự đi trên chính đôi chân của mình. Vậy nhưng, niềm vui chưa được bao lâu thì năm lên 7 tuổi, cha của O Cùi qua đời vì tai nạn giao thông. Vài năm sau, người mẹ cũng lâm bệnh nặng mà nhắm mắt xuôi tay. Từ đó, cuộc sống của ba anh chị em O Cùi hết sức khó khăn.
Việc ăn uống bằng đôi chân bây giờ đối với bà Hành là điều khá đơn giản.
Cha mẹ mất sớm, thương em, bà Màng cũng đành gác lại hạnh phúc đời mình để lo cho em dù có nhiều người đến dặm hỏi.
“Từ nhỏ thấy em tật nguyền tui thương lắm nhưng cũng chỉ biết nuốt nước mắt cố gắng nuôi em thôi chứ làm được gì. Đến tuổi lấy chồng, có nhiều đám trai làng tới hỏi cưới. Nghĩ mình phận nữ nhi, có gia đình, chồng con, được làm mẹ là điều thiêng liêng lắm nhưng nếu tui lấy chồng rồi thì ai lo cho em được. Nghĩ lui nghĩ tới tui quyết ở vậy, hai chị em nuôi nhau, thương nhau mà sống” – ứa nước mắt, bà Màng tâm sự.
“Mỗi ngày, anh chị phải làm lụng vất vả, chắt bóp từng đồng để nuôi tui, đi làm về mệt nhọc lại phải phục vụ chuyện sinh hoạt từ việc nhỏ nhất cho tui. Tui thương, tui muốn làm việc giúp anh chị nhưng không thể, tủi thân lắm. Nhưng nghĩ lại, tủi thân chẳng được gì, phải cố gắng tập luyện làm việc để đỡ đần anh chị, không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội” – O Cùi chia sẻ. Ý thức và quyết tâm tự lập của O Cùi được bắt đầu từ đó.
Làm nên điều kỳ diệuNăm lên 10 tuổi, O Cùi bắt đầu tập sảy gạo. Người có đôi tay bình thường sảy gạo, làm sao cho sạch, giữ được hạt nguyên đã khó, đằng này với O Cùi chỉ sảy gạo bằng chân thì thực là chuyện khó như lên trời. “Lúc mới tập, gạo văng tứ tung, chân và lưng thì đau nhức không tả nỗi, nhiều lần bị chuột rút nằm ngã ngửa giữa nền nhà làm anh chị khiếp vía. Nhưng rồi sau một năm kiên trì, chân tui đã dẻo như tay. Giờ mỗi ngày tôi có thể sảy được ba đến năm bao gạo to”.
Nhà cửa được bà Hành quét dọn sạch tinh tươm.
Thời đó máy móc thô sơ, hạt gạo xay ra không sạch sẽ như bây giờ nên nhờ sảy gạo giỏi nên O Cùi được bà con xóm giềng tin tưởng, đưa gạo tới nhờ sảy rồi trả vài nghìn tiền công để O phụ giúp chị gái nuôi thân. “Ngày trước người tới nhờ sảy gạo đông lắm, giờ thì ít hơn nhưng mỗi ngày tôi cũng kiếm được năm bảy ngàn đồng từ đôi chân của mình” – O Cùi chia sẻ.
Sảy gạo được rồi, O Cùi lại tập may vá quần áo. O không nhớ nổi đôi chân mình đã bị kim đâm nát bao nhiêu lần.
Bà Màng còn nhớ như in lần đầu tiên O Cùi luồn chỉ khâu áo cho mình. “Trưa đó tôi đi làm đồng về thì thấy em gái đang hí háy xâu kim. Nó xâu mãi, xâu mãi nhưng lỗ kim quá nhỏ, chân nó cứ run run nên không xâu được. Tui bảo để tui làm, tui khâu thì nó nhất quyết không cho. Loay hoay hơn ba tiếng đồng hồ nó mới xâu được lỗ kim. Chân kẹp áo, chân kia khâu, đường chỉ cong như rắn bò. Nó cứ tháo ra khâu vào không biết bao nhiêu lần, mỗi lần khâu là mỗi lần chân nó tứa máu vì bị kim đâm. Vậy mà nó vẫn quyết làm cho bằng được mới thôi” – bà Màng nhớ lại.
Ròng rã 5 năm kiên trì tập luyện, O Cùi đã sử dụng đôi chân mình khéo léo như đôi tay, đường chỉ ngay ngắn, thẳng hàng.
Lên 12 tuổi, nhìn bạn bè cắp sách đến trường, đọc chữ ê a, O Cùi ước mình được đi học. Thương em, bà Màng xin cho em đi học nhưng nhà trường không chấp nhận vì sợ O Cùi tật nguyền, không viết được chữ. O Cùi buồn khóc mấy ngày liền, nhưng ước mơ con chữ đã thúc dục O hàng ngày đến trường đứng ngoài cửa sổ học lóm, lấy mặt đất làm giấy, cây tre làm bút tập viết những nét chữ đầu tiên. Thấy cô bé nghèo hiếu học, cô thầy trong trường đã quyết định buổi tối đến tận nhà dạy chữ cho O.
Có đôi chân dẻo dai nên quá trình học chữ của O Cùi không còn quá khó khăn, nhưng cũng gặp lắm đoạn trường. Hàng ngày, làm việc nhà xong, O Cùi vùi đầu vào tập viết chữ. Nhà nghèo, không có giấy để viết, O phải tập viết chữ trên nền đất cát, xóa đi, viết lại rồi xóa đi… . Nét chữ là nết người, chữ O Cùi đẹp đến nỗi nhiều bạn bè đi học trên lớp, về nhà nhờ O chép bài giúp.
Ngoài sảy gạo, may vá, viết chữ, O Cùi còn biết quét dọn nhà cửa. Macken, một du khách nước ngoài cùng đến thăm O Cùi với chúng tôi đã phải thốt lên khi nhìn O Cùi không tay, dùng chân quét nhà, giặt giũ quần áo: “Bà ấy quả là một hình tượng về nghị lực sống, vượt qua tật nguyền làm nên điều kỳ diệu”.
Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch phường Hương Vân tấm tắc khen: “Bà Hành tuy tật nguyền, gia đình thuộc diện khó khăn nhất phường nhưng đã biết vươn lên, làm được nhiều công việc, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội là điều không phải ai cũng làm được, thật đáng khâm phục”.
Gần 40 năm nay, trong căn nhà nhỏ của hai chị em O Cùi luôn rộn rã tiếng cười. Bà con hàng xóm cũng thường động viên để O có thêm nghị lực sống, làm việc tốt hơn.
O Cùi chính là một huyền thoại về niềm tin vào cuộc sống, về nghị lực vượt lên tật nguyền, thắp sáng ước mơ.
Ngọc Như (Dòng Đời) (Ngọc Như (Dòng Đời))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.