Di tích lịch sử bị đem bán

Thứ bảy, ngày 01/10/2011 06:46 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một di tích lịch sử cấp tỉnh, một công trình kiến trúc nghệ thuật hơn trăm năm tuổi bỗng dưng được người ta đem ra bán trước sự bất lực của các cơ quan chức năng.
Bình luận 0

Ngôi nhà của dòng họ Lê Đồng (làng Bì, xã Tân Ninh, Triệu Sơn, Thanh Hóa) xây dựng dưới thời Vua Tự Đức thứ 18 (năm 1875) được công nhận là di tích lịch sử “kiến trúc nghệ thuật” nhà cổ, xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2003.

img
Hiện vật của di tích lịch sử chỉ còn lại đống gỗ mục nát.

Bỗng dưng… biến mất

Ngôi nhà cổ trên là của dòng họ Lê Đồng, được giao cho gia đình ông Lê Đồng Xu (đã mất cách đây mấy năm) và vợ là bà Phạm Thị Ái làm nơi sinh hoạt và trông coi, bảo quản.

Theo tài liệu ghi lại thì di tích lịch sử này có cấu trúc 5 gian 2 chái với 46 cột được làm bằng các loại gỗ quý như lim, đinh hương… Nhà có 6 vì kèo gỗ theo kiểu giá chiêng kẻ chuyền và một hệ thống cửa bức bàn (gồm 3 cửa lớn ở giữa, 2 cửa sổ nhỏ 2 bên) được làm bằng gỗ. Mái của ngôi nhà được lợp bằng ngói dày 2cm, có đường xương cá… Ngoài ra, toàn bộ hệ thống đá lân giai ốp thềm đều còn nguyên vẹn, tất cả các mảnh đều dài 3,14m và rộng 62cm…

Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì gia đình bà Ái lại có ý định bán ngôi nhà này cho một người ở huyện Như Thanh từ tháng 5.2011. Chính quyền xã Tân Ninh và huyện Triệu Sơn biết sự việc và đã báo cáo cho các ngành chức năng. Nhưng việc bán di tích trái phép của gia đình bà Ái vẫn diễn ra.

Theo giấy bán nhà đề ngày 7.8.2011, bà Phạm Thị Ái bán ngôi nhà cổ cho bà Quách Thị Tri ở xã Hải Vân, huyện Như Thanh, với giá 680 triệu đồng, được thanh toán làm 3 lần, lần cuối cùng vào ngày 21.9.2011.

Giấy bán viết rõ: “Chậm nhất ngày 21.9.2011 chị Tri phải dỡ, bốc xếp đưa nhà về Như Thanh để gia đình bà Ái có nơi xây dựng mới…”. Sau khi thỏa thuận, bà Tri đã lấy đi quyết định xếp hạng di tích và một số hiện vật của di tích này.

Ngày 16.8, huyện Triệu Sơn đã có biên bản làm việc với gia đình bà Ái, nhưng lúc đó bà Tri đã lấy đi một số hiện vật tại ngôi nhà. Đến ngày 26.8, Sở VHTTDL Thanh Hóa đã có văn bản gửi huyện Triệu Sơn đề nghị Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn chỉ đạo các phòng, ban liên quan khẩn trương có biện pháp xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, ngày 21.9.2011, bất chấp sự ngăn chặn của lực lượng chức năng và văn bản của các cấp, ngành, bà Tri vẫn thuê hàng chục người đến tháo dỡ toàn bộ mái ngói đưa lên xe ô tô chở đi nơi khác.

Vì sao mất di tích?

“Cha chung” không ai khóc?

Chiều 27.9, đại diện Sở VHTTDL, Công an tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Triệu Sơn, Công an huyện Triệu Sơn và chính quyền xã Tân Ninh đã họp bàn tìm hướng xử lý vụ việc. Ông Trần Bình Quân - Chủ tịch huyện Triệu Sơn, cho rằng: “Đó là trách nhiệm chung của các cấp, ngành chứ không của riêng ai”. Còn đại diện Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa, ông Viên Đình Lưu - Trưởng phòng QLDSVH đã đề nghị các ngành trước tiên sẽ tiến hành xử lý theo pháp luật vụ việc trên. Vì theo ông Lưu, việc tiến hành dỡ bỏ di tích cho dù đã có can ngăn của chính quyền địa phương, thì vẫn là vi phạm Luật Di sản. Ông Lưu cũng cho rằng: Sau khi xử lý về mặt pháp luật thì có thể sẽ làm thủ tục hướng dẫn gia đình cùng các cấp địa phương nếu không tha thiết với di tích nữa, thì làm hồ sơ xin rút để huỷ quyết định xếp hạng di tích.

Chiều ngày 27.9, khi chúng tôi đến, di tích chỉ còn một bãi đất trống. Tất cả vật dụng như: Cột nhà, kèo, ngói... đang được xếp đống trong vườn nhà bà Ái.

Qua tìm hiểu của NTNN, trước đó khi biết việc di tích bị xâm hại nghiêm trọng, ngày 15.8.2011, Ban Quản lý di tích danh thắng Thanh Hóa, Phòng Văn hóa huyện Triệu Sơn đã có buổi làm việc với UBND xã Tân Ninh và gia đình bà Ái, nhằm ngăn chặn việc xâm hại công trình này.

Tiếp đó, ngày 9.9.2011, ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh đã ký Kết luận thanh tra số 1466/KL-SVHTTDL nêu rõ: “Việc ký kết giao kèo mua bán di tích của bà Phạm Thị Ái – chủ sở hữu ngôi nhà và bên mua là bà Quách Thị Tri; đồng thời với hành vi tự ý tháo dỡ, mang các hiện vật ra khỏi di tích là hành vi vi phạm nghiêm trọng việc bảo vệ di tích lịch sử - danh thắng theo quy định của Luật Di sản văn hóa…”.

Trong kết luận thanh tra cũng yêu cầu Ban QLDTDT triển khai thực hiện các quy trình nội dung cấp kinh phí chống xuống cấp kiến trúc nhà cổ trên; yêu cầu bà Ái, bà Tri phải dừng việc mua bán, tháo dỡ di tích.

Bà Tri phải hoàn trả các hiện vật, đề nghị Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn UBND xã Tân Ninh có phương án bảo vệ di tích – danh thắng… Thế nhưng, đến ngày 21.9, bà Tri vẫn ngang nhiên thuê hàng chục người đến tháo dỡ ngôi nhà.

Bà Ái cho biết: “Hơn thế kỷ qua, dòng tộc Lê Đồng đã cố gắng gìn giữ ngôi nhà, khi được Nhà nước cấp bằng di tích lịch sử cấp tỉnh, cả họ đều mừng. Tuy nhiên, ngôi nhà không được cơ quan chức năng quan tâm tu bổ. Gia đình bà rất muốn giữ lại ngôi nhà nhưng không có tiền để tu sửa, mà làm đơn đề nghị mãi thì không ai quan tâm, nên quyết định bán (!?)”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem