Đi tìm hồn Tết

Thứ ba, ngày 12/02/2013 07:56 AM (GMT+7)
BẠN ĐỌC LÀM BÁO - Tết được người Việt tự nguyện “giữ lửa” qua ngàn đời. Văn hóa Tết tự thân như mà thuần thục trong tâm thức mỗi người.
Bình luận 0

Thế nhưng, hồn Tết vẫn như mưa xuân bảng lảng, như gió xuân quanh quất đâu đó trong bờ tre, gốc lúa mà chưa được gọi ra thành tầm vóc. Để rồi mỗi độ Tết đến, xuân ta lại băn khoăn về có một cái nhìn với thú thưởng Tết của người Việt hôm nay.

Tết là tết cả, cái mốc lớn nhất trong cảm quan về thời gian của cư dân nông nghiệp. Trước xu thế Âu hóa rồi công nghiệp hóa, Tết lại càng trở thành điểm dồn tụ của bộ mặt tâm linh người Việt. Hồn Tết suy cho cùng nằm ở ba mặt: Nghi lễ, thú chơi và ẩm thực.

Sau một vòng quay với hơn 360 ngày sáng - tối, cây cỏ đã đổi thay, thân gỗ thêm 2 vòng thâm, sáng, người người thêm một tuổi đời. Nếu có một thước phim quay đủ hành trình đó và được tăng tốc độ sẽ thấy nhịp sáng - tối như màn kịch liên hoàn chuyển cảnh tạo ra sự chuyển mình của vạn vật. Tết là sự trở về điểm khởi đầu của tất cả vũ trụ (trừ con người).

img

Bởi thế, mọi ước nguyện, cầu mong đều gửi vào Tết kia cũng là kì vọng, là sự trấn an vào một “ván” thời vận mới. Họa hồ cũng có người không tin nhưng vẫn nghiêm cẩn thực hành. Sự tín vọng đó vì thế mà thành một nét văn hóa thành kính, hiếu đễ với cội nguồn của người Việt. Không phóng sinh cá chép, không cúng gà trống đêm giao thừa, không mừng tuổi, hái lộc…thì đâu còn là tết. Những phần nghi lễ ấy tuy dần mất đi niềm tin vào sức mạnh siêu nhiên những vẫn không kém phần thú vị.

Tết của người Việt cũng lắm thú chơi. Các lễ hội đều nhằm vào ý tứ phồn thực, hòa vào nhịp sinh sôi của vạn vật. Chơi Tết để khuây khỏa những ngày bận rộn, cặm cụi, chơi để quen, để yêu để khơi niềm cảm hứng hướng đến cuộc sống gia đình. Khi Tết thưa dần cây nêu, chơi đu, thi vật, thi chèo thuyền… thì bỗng dưng làm ta thấy nguội lạnh niềm hứng khởi ấy. Suốt 12 tháng sống với sự nghiêm cẩn, điều độ của công việc, giờ lại bó mình trong sự tĩnh tại chợt thấy như mình đang già đi theo từng cái Tết.

Sau cùng nói về Tết không thể thiếu chuyện ăn uống. Giờ đây thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng đã bão hòa trong thường nhật nhưng Tết thì vẫn phải cần, vẫn thèm và vẫn mong sắm đủ. Bát canh măng, củ hành muối vẫn được lên mâm mời khách quý bởi đó là thông điệp từ ông bà truyền lại. Trước sự thiêng liêng trong nết ăn uống ngàn năm không ai nỡ từ chối, nỡ bỏ qua vì sợ mất vị Tết, lỡ miếng Tết.

Có khi miếng ăn chẳng còn đem lại vị gì từ đầu lưỡi ngầy ngà với ẩm thực nhưng những câu chuyện về chọn gà, luộc măng, giã giò cứ rôm rả quanh mâm cơm đầm ấm. Người Việt giờ đây ăn để tạo ra không khí Tết chứ không phải vị Tết đến từ miếng ăn như ngày trước nữa. Một sự thay đổi, sự chuyển mình ư? Không hẳn, có thể đó mới là thâm ý lớn nhất mà ông bà ta đã gửi gắm trong từng miếng ăn, thức uống.

Hồn Tết sẽ chỉ toát lên từ sự thanh tao và ý nhị. Có thể ở từng thời điểm người ta cầu lợi ở Tết mà quá xa xỉ trong lễ lạp hay xuồng xã với Tết mà “Tây hóa” nó đi nhưng vẫn còn đó mẫu số chung bất biến ấy lưu lại hồn vía Tết cả ngàn đời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem