Đi tìm những làng quê đáng sống: Lạc vào miền quê của những loài hoa, một xã đón 120.000 khách du lịch/năm (Bài 2)

Thu Hà - Trần Quang Thứ ba, ngày 30/07/2024 06:00 AM (GMT+7)
Điều khiến nhiều người thích thú khi về xã Hồng Vân (Thường Tín - Hà Nội) là mỗi con đường mang tên một loài hoa, 21 con đường là 21 loài hoa khác nhau. Đi dạo qua đường Hoa Ban, Hoa Cau, đường Hoàng Yến... chúng tôi có cảm giác đang lạc vào thế giới ngập tràn hương sắc chứ không phải một làng quê thuần nông vài năm trước.
Bình luận 0

"Miền quê đáng sống" ở Hồng Vân, huyện Thường Tín (Hà Nội).

Từ một xã thuần nông, không ai có thể ngờ, Hồng Vân lại trở thành điểm đến của những du khách. Thay vì chỉ "trồng cây gì, nuôi con gì", quanh năm chân lấm tay bùn, những người nông dân nơi đây đã chuyển dịch bằng cách làm nông nghiệp để... phục vụ du lịch. Mùa nào thức ấy, mùa nào hoa đấy, từ đầu xã đến cuối xã đâu đâu cũng rợp sắc của các loài hoa, nào hồng, cúc, trúc, mai đến đào, sen, giấy, lan, rồi hoa cau... Nhờ thế, mỗi năm cả xã đón tới 120.000 lượt du khách đến tham quan, checkin và tất nhiên phục vụ cả mục đích "selfie". Nghề nông gắn với du lịch mang lại doanh thu tới 70 tỷ đồng mỗi năm cho xã.

Biến làng quê thuần nông thành điểm checkin, selfie, nông dân trở thành... hướng dẫn viên du lịch

Sáng nào, ông Ngô Tiến Dũng ở xã Hồng Vân (Thường Tín, Hà Nội) cũng dậy sớm hơn mọi người. Một ngày của ông được bắt đầu từ việc quét rác, thu dọn khu vườn và sau đó là... đón khách du lịch. Hôm chúng tôi đến, ông đã pha sẵn một ấm trà thật ngon, chuẩn bị cả kẹo lạc để đón đoàn du khách 70 người đến từ Vĩnh Phúc tới tham quan.

Trong lúc chờ khách đến, ông Dũng đi một vòng quanh vườn để chắc rằng mọi khâu chuẩn bị đã kỹ càng, rồi ông lại chắp tay lững thững ra cổng, dõi mắt về phía con đường bê tông phẳng lì, thẳng tắp trước nhà. Người không biết tưởng ông ngóng đón con cháu, còn với ông những vị khách từ phương xa cũng chính như những người thân, luôn được ông rộng cửa đón chào một cách chân tình và cởi mở.

Vốn là người nông dân chuyên trồng cây cảnh nghệ thuật với thâm niên gần 30 năm gắn bó với nghề, chẳng ai nghĩ có một ngày, ông Dũng lại trở thành "hướng dẫn viên du lịch" làm vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi.

Cũng chính nhờ gắn bó với nghề lâu nên mọi đặc tính của từng loại cây ông thuộc làu làu, chẳng thế mà mỗi lần hướng dẫn hay trao đổi với du khách, ông đều nhận được lời khen vì "nói hay, hát giỏi". Chỉ cần những câu động viên thế thôi là ông vui lắm, và nhận thấy việc mình chuyển từ kinh doanh cây cảnh đơn thuần sang kết hợp làm du lịch là quyết định vô cùng đúng đắn.

Ông còn nhớ lần đón đoàn khách đầu tiên vào tháng 12/2018, ông lúng túng ngượng nghịu "như gà mắc tóc", thế mà sau vài khóa tham gia các lớp tập huấn làm du lịch làng quê, ông trở thành hướng dẫn viên chuyên nghiệp lúc nào không hay. Giờ thì không chỉ sở hữu vườn cây cảnh nghệ thuật rộng hơn 5.000m2, đẹp nhất nhì xã Hồng Vân, ông còn nổi tiếng là nghệ nhân hút khách nhất khi trung bình mỗi tuần nhà ông đón 200 – 300 lượt khách, "cao điểm có tuần tôi đón 1.200 – 1.300 lượt khách tới vườn" - ông Dũng tiết lộ.

Đi tìm những làng quê đáng sống: Lạc vào miền quê của những loài hoa, một xã đón 120.000 khách du lịch/năm (Bài 2)- Ảnh 2.

Các đường liên xã, thôn, ngõ xóm ở Hồng Vân đều tràn ngập sắc hoa. Trong ảnh là một con đường hoa giấy rực rỡ Ảnh: N.V

Không chỉ đơn thuần dẫn khách tham quan, giới thiệu các loại cây đẹp, quý, ông Dũng cũng như nhiều hộ dân khác ở đây còn giúp khách trải nghiệm dịch vụ "một giờ làm nghệ nhân" ngay tại vườn nhà mình. Du khách sẽ được trực tiếp được cắt tỉa, tạo tán cây cảnh cùng các nghệ nhân tại vườn, được thỏa thích tạo dáng cây theo sở thích và tất nhiên hoàn toàn có thể mang về nhà tiếp tục chăm sóc nếu có nhu cầu.

Tuy nhiên, điều khiến ông Dũng thu hút được đông khách nhất lại nằm ở bí kíp: hoàn toàn free (miễn phí) mọi dịch vụ. "Khách tới tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh check in thoải mái, chúng tôi đều tiếp đón chu đáo, nhiệt tình. Chúng tôi không thu một đồng tiền nào gọi là phí tham quan, trải nghiệm cả. Cái được của chúng tôi là du khách đến Hồng Vân nhiều hơn, chúng tôi có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch làng nghề cây cảnh rộng rãi hơn" - ông Dũng chia sẻ.

Chứng kiến sự chất phác, nhiệt tình, mến khách của người nông dân cũng như mến mộ tài năng của các nghệ nhân cây cảnh xã Hồng Vân, rất nhiều du khách đã đặt hàng ông Dũng cũng như các nghệ nhân nơi đây chế tác, sửa chữa cây cảnh.

Đi tìm những làng quê đáng sống: Lạc vào miền quê của những loài hoa, một xã đón 120.000 khách du lịch/năm (Bài 2)- Ảnh 3.

Ông Ngô Tiến Dũng xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội dẫn khách du lịch thăm khu vườn cây cảnh của mình.Ảnh: N.V

"Hơn 90% khách hàng của tôi là đến từ các du khách và được giới thiệu trên các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok. Vừa rồi sau khi tham quan, một du khách ở Đông Triều (Quảng Ninh) đã đặt hợp đồng chăm sóc cây cảnh trị giá hơn 30 triệu đồng với tôi. Bình quân mỗi tháng, tôi có thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng từ làm ngành dịch vụ cây cảnh như nhận chăm sóc, chế tác, sửa chữa cây cảnh"- ông Dũng phấn khởi nói.

Một năm đón 120.000 lượt du khách, thu 70 tỷ đồng từ du lịch nông thôn

Câu chuyện của ông Dũng cũng là câu chuyện của nhiều nông dân trong xã Hồng Vân. Khởi đầu từ sản xuất nông nghiệp và nghề trồng hoa, cây cảnh, từ hơn 10 năm trước, Hồng Vân đã định hướng địa phương chuyển sang phát triển du lịch, xây dựng làng quê đáng sống. Nhận thấy trend "sống ảo", nhu cầu thích checkin, chụp ảnh, quay video-clip "tự sướng" để đăng trên Facebook, TikTok, nhiều nông dân ở Hồng Vân đã tạo đủ thứ cảnh quan độc đáo để phục vụ các thượng đế.

Ông Hùng, một "hướng dẫn viên nghiệp dư" cho biết: "Thường Tín có lợi thế giáp Hà Nội, nên cuối tuần mọi người thường tranh thủ lái xe hoặc thuê xe về chơi, xong quay lại thành phố ngay trong ngày. Ở thành phố ngột ngạt, nên nhiều người muốn về đây để chụp các bức ảnh phong cảnh trữ tình, vừa trải nghiệm, vừa cũng là để khoe trên Facebook, TikTok". Cũng vì thế, nhiều người dân ở Hồng Vân đã rất nhanh nhạy lập các "page" trên Facebook hay lập kênh TikTok để "review" về cảnh đẹp quê mình với những bộ ảnh, clip ngắn đầy cuốn hút. Du khách biết đến Hồng Vân cũng phần lớn thông qua hai kênh mạng xã hội này.

Đi tìm những làng quê đáng sống: Lạc vào miền quê của những loài hoa, một xã đón 120.000 khách du lịch/năm (Bài 2)- Ảnh 4.

Vườn cây cảnh, ao cá non bộ của gia đình ông Dũng luôn thu hút nhiều khách tới thăm quan.Ảnh: N.V

Trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Văn Phượng – Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân cho biết: "Để có thể phát triển được mô hình du lịch nông nghiệp, Hồng Vân đã triển khai sớm chương trình dồn điền đổi thửa. Sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa, Hồng Vân định hướng để các hộ sản xuất chuyên canh hoa, cây cảnh, tạo vùng sinh thái. Đến nay, Hồng Vân đã tạo ấn tượng tốt với du khách về vẻ đẹp của ngôi làng xanh mướt rau màu, cây trái, hoa, cây cảnh".

Đi dọc miền quê Hồng Vân, chúng tôi thấy con đường nào cũng được gắn biển tên, không khác gì những phố phường ở nội đô. Cứ cách một đoạn đường lại có một thùng rác được bố trí ngay ngắn. Rác thải được vận chuyển trong ngày nên đường làng, ngõ xóm lúc nào cũng sạch sẽ, phong quang. Hai bên đường, các hộ dân trồng hoa, cây cảnh, xen lẫn là những luống rau xanh mướt, đều tăm tắp.

"Hồng Vân có 21 tuyến đường, đặt tên 21 loài hoa để du khách tham quan, trải nghiệm. Các mùa hoa cũng sẽ trải đều trong năm để lúc nào Hồng Vân cũng ngập sắc hoa và hấp dẫn khách tham quan như: Đường hoa ban, hoa hoàng yến, hoa phượng, hoa giấy, hoa chuông vàng, hoa cau…" - Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân nói.

Đi tìm những làng quê đáng sống: Lạc vào miền quê của những loài hoa, một xã đón 120.000 khách du lịch/năm (Bài 2)- Ảnh 5.

Du khách tới Hồng Vân được đưa đón bằng xe điện đưa đi thăm quan, trải nghiệm không gian văn hóa - lịch sử ở địa phương.Ảnh: N.V

Năm 2018, xã Hồng Vân được UBND TP Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề. Năm 2022, mô hình du lịch nông thôn của xã Hồng Vân cũng được UBND TP Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

"Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, nhiều người đã biết đến điểm dịch vụ du lịch tại đây nhiều hơn, lượng khách ngày càng tăng cao hơn, đồng thời doanh thu cũng tăng theo. Lực lượng lao động tham gia hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch tăng cao đáng kể.

Năm 2023, xã Hồng Vân đã đón khoảng 120.000 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, doanh thu mang lại đạt khoảng 70 tỷ đồng, qua đó giúp tạo việc làm, mang lại nguồn thu, cải thiện đời sống cho người dân. Đến nay, toàn xã đã không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt khoảng 85 triệu đồng/người/năm" - Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Nguyễn Văn Phượng cho biết.

Chia sẻ kinh nghiệm của địa phương, ông Nguyễn Văn Phượng cho biết: Để thúc đẩy phát triển du lịch, xã Hồng Vân đã phát động hai phong trào "Xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp" và "Xây dựng người Hồng Vân thân thiện, mến khách". Hai phong trào được nhân dân địa phương hưởng ứng nhiệt tình, mang lại những nét đổi thay tích cực cho miền quê ven sông Hồng Hồng Vân.

Bên cạnh đó, xã đã tập trung chỉ đạo, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban quản lý điều hành du lịch xã, Tổ hướng dẫn viên., nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trong ban quản lý điều hành du lịch xã.

Đi tìm những làng quê đáng sống: Lạc vào miền quê của những loài hoa, một xã đón 120.000 khách du lịch/năm (Bài 2)- Ảnh 6.

Du khách thích thú với đảo Hoa Tiên xứ mây hồng ở Hồng Vân.Ảnh: N.V

"Bản thân tôi cũng phải đi học, tham gia các lớp tập huấn, đào tạo về phát triển du lịch và được cấp chứng chỉ hướng dẫn viên. Tính đến tháng 5/2024 xã Hồng Vân đã có hơn 1.500 lượt cán bộ tham gia các lớp tập huấn này" - ông Phượng cho biết.

Cùng với nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, Hồng Vân đã đầu tư xã hội hóa trung tâm điều hành, đón trả khách, các điểm dừng chân, ẩm thực, trải nghiệm; tổ chức tập huấn, liên kết giữa các hộ xã viên tạo ra những chuỗi sản phẩm hàng hóa, dịch vụ hấp dẫn, thu hút du khách.

Đi tìm những làng quê đáng sống: Lạc vào miền quê của những loài hoa, một xã đón 120.000 khách du lịch/năm (Bài 2)- Ảnh 7.

Du khách thăm quan khu chế biến, trưng bày rượu đặc sản của Hồng Vân.Ảnh: N.V

Phát triển nhanh, đẹp như phố thị nhưng người dân Hồng Vân vẫn giữ "hồn cốt" với nhiều hoạt động đặc trưng của văn hóa làng xã như trước đây, và đặc biệt người dân luôn có ý thức giữ gìn các lễ hội, thiết chế văn hóa truyền thống của cha ông.

Là hướng dẫn viên tâm huyết, thông thạo lịch sử quê hương, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Nguyễn Văn Phượng phấn khởi giới thiệu với chúng tôi: "Hồng Vân còn là nơi in đậm dấu ấn Truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung và tín ngưỡng thờ Mẫu (là hai trong Tứ bất tử của dân tộc Việt). Xã có 1 di tích lịch sử cấp Quốc gia; 2 là di tích lịch sử cấp thành phố.

Hồng Vân được biết đến là vùng đất cổ gắn liền với sự tích chợ Mới Ông Già, nơi cha Chử Đồng Tử là Chử Cù Vân từng ngồi bán cá dưới gốc cây đa hơn 4.000 năm về trước. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, quê hương Hồng Vân đã sản sinh ra nhiều danh nhân như Quận công Đỗ Bá Phẩm, TS Nguyễn Ý...".

Ngoài ra, hàng năm xã còn tổ chức các sự kiện lễ hội hoa xuân, lễ hội tình yêu, đêm hội hoa đăng và đặc biệt là Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung thu hút hàng nghìn du khách.

Lãnh đạo xã Hồng Vân khẳng định: Là địa phương phát triển du lịch cộng đồng nên Hồng Vân đã và đang xây dựng, phát triển trở thành miền quê đáng sống, giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cũng như phục vụ khách du lịch. Xã xác định mục tiêu đến năm 2025, đưa Hồng Vân trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch của du khách; đưa thương mại - du lịch - dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chủ lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động sang tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ.

Đi tìm những làng quê đáng sống: Lạc vào miền quê của những loài hoa, một xã đón 120.000 khách du lịch/năm (Bài 2)- Ảnh 8.

Khách quốc tế cũng tìm về Hồng Vân để trải nghiệm không gian du lịch nông nghiệp độc đáo.Ảnh: N.V

"Để thực hiện mục tiêu đề ra, xã Hồng Vân xác định 3 khâu đột phá. Đó là xây dựng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là phát triển kinh tế cho giai đoạn trước mắt và lâu dài của xã; tiến tới xây dựng người Hồng Vân văn minh, thanh lịch, mến khách.

Đẩy nhanh việc đầu tư, kết nối và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng du lịch, đưa du lịch – dịch vụ - thương mại và làng nghề trở thành kinh tế mũi nhọn của xã.

Và mục tiêu quan trọng nhất, đó là "khơi dậy tiềm năng, lợi thế truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung kết hợp với phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bản địa, từng bước đưa văn hóa, nhất là văn hóa phi vật thể thành lợi thế trong phát triển kinh tế xanh, bền vững của xã"- ông Nguyễn Văn Phượng – Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân nhấn mạnh.

Đi tìm những làng quê đáng sống: Lạc vào miền quê của những loài hoa, một xã đón 120.000 khách du lịch/năm (Bài 2)- Ảnh 9.

Một sản phẩm OCOP của Hồng Vân được du khách đặt mua nhiều.Ảnh: N.V

(còn nữa)

Đi tìm những làng quê đáng sống: Lạc vào miền quê của những loài hoa, một xã đón 120.000 khách du lịch/năm (Bài 2)- Ảnh 10.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem