Dịch Covid-19: Giá thanh long rớt xuống còn 2 ngàn đồng/kg vẫn không có người mua
Dịch Covid-19: Xót xa giá thanh long còn 2.000 đồng/kg vẫn ít người mua, trái chín rục trên cây
Duy Hậu
Thứ năm, ngày 13/08/2020 13:04 PM (GMT+7)
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, hàng trăm ha thanh long của nông dân tại Đắk Lắk đang cho trái chín nhưng lại có nguy cơ phải đổ bỏ vì giá cả thấp kỷ lục và không có người mua.
Từ 20.000 đồng/kg, giá thanh long giảm còn 2.000 đồng/kg mà vẫn ế
Gần một tháng nay, người trồng thanh long tại xã Cư Ê Bur, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) như ngồi trên đống lửa. Nếu những năm trước, mỗi ký thanh long có thể bán được dao động từ 12-20 ngàn đồng, thì nay có lúc mức giá này rớt xuống còn 2 ngàn đồng. Thế nhưng, điều đáng lo ngại hơn đó là không có người thu mua.
Anh Đoàn Ái Hòa (thôn 2, xã Cư Ê Bur) nói với chúng tôi, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 mà giá thanh long đã giảm còn một nửa. Thậm chí có ngày, thanh long chỉ được mua với giá 2 ngàn đồng/kg. Mặc dù vậy, mỗi ngày thương lái chỉ mua nhỏ giọt. Thanh long chín đỏ cây nhưng gia đình anh chỉ lựa được một ít quả tốt nhất để bán, số còn lại không biết bán cho ai.
Nhà anh Phạm Quốc Thiết (cùng thôn) cũng có 800 trụ thanh long. Ở thời điểm giá cả ổn định, với vườn thanh long này, mỗi năm anh Thiết có thu được khoảng 150 triệu đồng. Đây là mức thu nhập khá và có thể nói cao hơn nhiều so với việc trồng cà phê. Thế nhưng hiện nay, gia đình anh phải bù lỗ do không bán được thanh long.
"Mỗi ngày vợ mang vài chục ký thanh long đẹp nhất ra chợ bán lẻ. Hàng tấn thanh long còn lại trong vườn không ai mua đành phải bỏ hết để dưỡng cây làm vụ mới"- anh Thiết nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu trước đây, mỗi lứa thanh long người dân chỉ bán trong vòng 1-2 tuần là xong. Tuy nhiên hiện nay, do không có người mua nên gần một tháng qua, các vườn thanh long ở xã Cư Ê Bur vẫn để chín rục trên cây.
Xã có gần 150ha thanh long, với sản lượng trung bình 20-25 tấn/ha/năm. Thế nhưng từ đầu mùa đến nay, nông dân trồng thanh long ở xã này chỉ bán được chừng 1/3 sản lượng.
Không có hướng "giải cứu"
Theo người dân, giá thanh long giảm mạnh là do thị trường tiêu thụ chính là Đà Nẵng đang bùng phát dịch Covid-19. Hàng ngày, thương lái chỉ mua cầm chừng để xuất đi một số tỉnh như Khánh Hòa, Phú Yên, Huế,…
Đại lý thu mua thanh long của chị Trần Thị Thu Thảo (thôn 2, xã Cư Ê Bur) trước đây mỗi ngày nhập từ 4-5 tấn thanh long thì nay con số mua vào chỉ còn 4-5 tạ.
"Tôi chỉ mua cầm chừng để giữ chân khách hàng chứ mua nhiều không thể xuất đi được"- chị Thảo nói.
Theo ông Trần Trọng Khánh - Tổ trưởng tổ hợp tác thanh long Cư Ê Bur, toàn xã có khoảng 200 nông dân trồng thanh long. Sản lượng thanh long toàn xã mỗi năm lên đến 3.000 tấn. Nếu giá ổn định, nông dân trồng thanh long vừa nhàn vừa có thu nhập cao hơn so với cà phê và cả cây tiêu. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay chắc chắn nông dân phải bù lỗ rất lớn.
"Chúng tôi đã tìm kiếm các cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm và kết nối với các doanh nghiệp để tiêu thụ thanh long cho nông dân. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy việc này thành công"- ông Khánh nói.
"Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, phòng sẽ phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan xây dựng vùng nguyên liệu. Đồng thời vận động nông sản xuất theo hướng VietGAP, tham gia liên kết chuỗi, xây dựng chỉ dẫn địa lý để vấn đề sản xuất thanh long mang tính bền vững, hiệu quả, đảm bảo thu nhập ổn định cho nông dân"-ông Trương Thái Bình - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng TP.Buôn Ma Thuột cho hay.
Còn theo ông Trương Thái Bình - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng TP.Buôn Ma Thuột, cây thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều cây trồng khác. Tuy nhiên, người dân xã Cư Ê Bur trồng thanh long chủ yếu theo hướng tự phát, phương thức truyền thống, tính liên kết chưa cao. Do đó, hiện nay với tình hình diễn biến của dịch bệnh, thương lái không thu mua dẫn đến tình trạng ứ đọng.
Một số cá nhân, đơn vị đã nhập, mua thanh long để hỗ trợ cho "tâm dịch" Đà Nẵng nhưng số lượng không nhiều. Việc tìm hướng tiêu thụ thanh long vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Bình nói thêm, để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, phòng sẽ phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan xây dựng vùng nguyên liệu. Đồng thời vận động nông sản xuất theo hướng VietGAP, tham gia liên kết chuỗi, xây dựng chỉ dẫn địa lý để vấn đề sản xuất thanh long mang tính bền vững, hiệu quả, đảm bảo thu nhập ổn định cho nông dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.