Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), hiện nay dịch cúm gia cầm đang xảy ra trên địa bàn 3 tỉnh là Điện Biên, Khánh Hòa và Kiên Giang. Điều đáng nói là dịch đã xảy ra ở cả 3 miền với tốc độ lây lan nhanh chóng, song người dân vẫn tái đàn..
Hưởng lợi… theo dịch
Từ đầu tháng 2, dịch cúm gia cầm lại bùng phát. Ổ dịch đầu tiên dương tính với H5N1 được phát hiện tại xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa với 45 con gà dưới 1kg bị tiêu hủy. Sau đó, các ổ dịch khác lần lượt được phát hiện tại Ninh Thọ, Ninh An, Ninh Xuân… thuộc thị xã Ninh Hòa. Tại xã Ninh An, dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh mẽ nhất đã phải tiêu hủy gần 5.000 con gia cầm. Theo báo cáo của Chi cục Thú y Khánh Hòa, từ ngày 5 đến 28.2, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 10 hộ chăn nuôi ở 9 thôn của 7 xã thuộc thị xã Ninh Hòa làm chết và buộc tiêu hủy hơn 11.300 con gia cầm.
|
Việc tái đàn ồ ạt làm tăng nguy cơ có nguy cơ dịch cúm lan rộng. |
Theo nhận định của Chi cục Thú y tỉnh Khánh Hòa, qua 3 đợt lấy mẫu giám sát lưu hành virus cúm theo định kỳ hàng tháng (từ tháng 1 đến tháng 3), đều phát hiện có mẫu dương tính với virus cúm với tỷ lệ tương đối cao. Cũng theo Chi cục Thú y Khánh Hòa, trên địa bàn đang bùng nổ dịch cúm gia cầm là thị xã Ninh Hòa, hiện đang có nhiều hộ tái đàn chăn nuôi gia cầm mới làm mật độ đàn gia cầm tăng cao và làm tăng nguy cơ bùng phát dịch.
Ông Trần Văn Dũng - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết, từ cuối năm 2012 đến nay, dịch cúm gia cầm đã diễn tại 14 xã, 22 thôn, 32 hộ chăn nuôi, số tiêu hủy gần 47.000 con, trong đó xấp xỉ 42.000 con vịt. Sau khi tỉnh công bố dịch, thị xã chỉ đạo lập các chốt kiểm dịch tại các thôn, ngăn chặn việc phát tán dịch ra địa bàn xung quanh; cấm mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm trong vùng có dịch; không cho tái lập đàn khi dịch đang tái phát…
Tuy nhiên, rất nhiều hộ nuôi vẫn cố tình tài đàn liên tục bất chấp dịch bệnh. Theo ông Dũng, do mỗi con vịt dưới 1kg bị tiêu hủy sẽ được hỗ trợ 30.000 đồng, trong khi đó, con giống chỉ 15.000 đồng/con. Các hộ đã tái đàn liên tục, nếu bị dịch, bị tiêu hủy sẽ vẫn có lời gấp đôi với mức hỗ trợ như trên.
Dịch lan rộng
Tại tỉnh Điện Biên, dịch cúm gia cầm được phát hiện từ ngày 19.2 tại 2 gia đình là cơ sở chăn nuôi gia cầm ở đội 10, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. Ngay sau khi nhận được thông tin gà ốm chết từ gia đình ông Nguyễn Văn Đại ở đội 10, Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên đã nhanh chóng cử người tới nắm tình hình, lấy mẫu bệnh phẩm đưa đi xét nghiệm và tổ chức các biện pháp phòng, chống bệnh cho đàn gia cầm. Ông Đại cho biết: “Sau khi Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương cho biết gà đã mắc dịch H5N1 typ A, tôi được các cán bộ thú y tới hướng dẫn cách điều trị, tiêu huỷ, xử lý môi trường và đàn gia cầm”.
Tuy vậy, dịch đã lan ra một số hộ khác trong xã Thanh Xương và đã có gần 1.000 con gia cầm phải tiêu huỷ. Ông Nguyễn Văn Sy - chủ hộ chăn nuôi ở đội 10, xã Thanh Xương, tâm sự: “Chả hiểu sao đợt dịch này lại toàn chết gà mái đang đẻ, nhìn đàn gà mang đi tiêu huỷ mà xót như ai cầm dao cắt ruột mình. Mà tôi cũng chăm chút đàn gà hàng ngày chứ có bỏ bê, lơ là gì đâu”.
Theo bà Cao Thị Tuyết Lan- Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên, việc xuất hiện dịch cúm H5N1 typ A trên đàn gia cầm ở xã Thanh Xương là do mầm bệnh gặp thời điểm thời tiết chuyển mùa thuận lợi cho virus sinh sôi, nảy nở trong khi ý thức về việc phòng-chống dịch bệnh và chăn nuôi an toàn sinh học ở một số hộ chưa cao. Việc nuôi gà với quy mô nhỏ lẻ, thả vườn và giao thương hàng ngày đã dẫn tới phát tán bệnh trước khi phát hiện dịch.
Thành lập 6 đoàn kiểm tra dịch
Trao đổi với NTNN, ông Phạm Văn Đông- Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, mặc dù trước Tết Nguyên đán, dịch cúm gia cầm đã được khống chế nhưng thời gian qua, thời tiết tiếp tục rét và diễn biến phức tạp làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm, hoạt động chăn nuôi tái đàn tăng cao, vận chuyển gia cầm lậu vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt nên việc bùng phát dịch khó tránh khỏi, đặc biệt là các ổ dịch cũ, địa bàn có mật độ thủy cầm cao như đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các tỉnh Bắc Trung Bộ…
Cũng theo ông Đông, trước những diễn biến mới của dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, Cục Thú y tiếp tục thành lập 6 đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương đang có dịch và các tỉnh có nguy cơ cao.
Hữu Thông
Kiên Giang: Dịch xảy ra ở cả trang trại của Phòng Nông nghiệp
Thông tin từ Chi cục Thú y tỉnh Kiên Giang cho biết, các cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn gà gần 600 con khoảng 3 tháng tuổi đang nuôi trong 1 trang trại thuộc Phòng Nông nghiệp của UBND huyện Hòn Đất quản lý. Trước đó, các cơ quan chức năng đã phát hiện đàn gà này có triệu chứng bất thường nên cho lấy mẫu huyết thanh đi xét nghiệm và kết quả cho thấy đàn gà này bị nhiễm cúm A/H5N1. Được biết, toàn bộ đàn gà trên chưa được tiêm phòng theo quy định…
Cũng theo Chi cục Thú y tỉnh Kiên Giang, trong 2 ngày vừa qua, lực lượng chuyên môn và chính quyền địa phương đã tiến hành phun xịt hóa chất, tiêu độc sát trùng khu vực xảy ra dịch bệnh. Đặc biệt, là cử cán bộ chuyên môn giám sát thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến với những đàn gia cầm xung quanh một cách chặt chẽ… Được biết, trước đó đã có 1 người ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang tử vong do nhiễm cúm A/H5N1.
HD-QV
Mai Khuê - Minh Ngọc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.