Dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở 41 tỉnh, thành phố, kiến nghị tiêm vaccine bắt buộc trên đàn lợn

Minh Ngọc Thứ ba, ngày 18/06/2024 10:36 AM (GMT+7)
Từ đầu năm, cả nước xảy ra 468 ổ Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại 41 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 22.011 con lợn. Dịch bệnh trầm trọng và dai dẳng nhất tại một số tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Nam, Quảng Ninh, do đó, bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn kiến nghị tiêm vaccine bắt buộc trên đàn lợn.
Bình luận 0

Kiến nghị được bà Thu đưa ra tại Hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2024 do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức, ngày 17/6.

Theo Cục Thú y, từ đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra 468 ổ DTLCP tại 41 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 22.011 con lợn. Dịch bệnh trầm trọng và dai dẳng nhất tại một số tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Nam, Quảng Ninh. Hiện nay, cả nước có 247 ổ dịch thuộc 68 huyện của 21 tỉnh chưa qua 21 ngày. So với cùng kỳ năm 2023, số ổ dịch tăng 2,4 lần, số lợn phải tiêu hủy tại các ổ dịch tăng 93,7%.

Ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Thú y nhận định, nguy cơ bệnh DTLCP tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao vì giá lợn tăng cao nên người chăn nuôi có xu hướng tái đàn ồ ạt, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các hộ trước đây đã bị dịch.

Bên cạnh đó, việc quan tâm, sử dụng vaccine còn hạn chế. Một số địa phương cấp huyện, cấp xã nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP; việc tổ chức chống dịch theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT còn chưa đồng bộ, chưa bố trí đầy đủ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch.

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở 41 tỉnh, thành phố, kiến nghị tiêm vaccine bắt buộc trên đàn lợn- Ảnh 2.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Hà kiểm tra khu vực có lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Hải Hà.

Việc kiểm soát buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn, kiểm soát giết mổ lợn ở các địa phương còn chưa được chặt chẽ; thời tiết diễn biến phức tạp gây bất lợi cho sức khỏe vật nuôi, là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh (đang tồn tại trong môi trường và trên một số đàn vật nuôi) có thể gây bùng phát dịch.      

Về cung ứng vaccine phòng bệnh DTLCP, theo ông Minh, Công ty Navetco đã cung ứng 600.000 liều vaccine phòng bệnh DTLCP do Công ty sản xuất. Hiện nay, còn trong kho hơn 1 triệu liều và Công ty Avac từ tháng 7/2023 đến nay đã cung ứng tổng số 770.000 liều do Công ty sản xuất.

Trước tình hình DTLCP vẫn bùng phát "nóng" và chưa được kiểm soát, bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn kiến nghị, Bộ NNPTNT, Cục Thú y cần đưa bệnh DTLCP vào diện tiêm phòng bắt buộc. Bởi nếu tiêm phòng mà lợn chết vẫn được hỗ trợ, như vậy sẽ giảm bớt thiệt hại cho người dân nếu dịch bệnh xảy ra.

Theo bà Thu, Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố cũng cần quyết liệt hơn về công tác phòng chống dịch cũng như quản lý tốt con giống, góp phần ngăn chặn tình trạng nhập lậu con giống.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y yêu cầu các địa phương đang có DTLCP cần công bố dịch, tránh để lây lan ra những địa phương lân cận. Trong đó, đề nghị Lạng Sơn công bố dịch ở cấp huyện và cấp tỉnh tương tự như các tỉnh khác.

Về tiêm phòng vaccine bắt buộc đối với DTLCP, ông Long cho biết, hiện đã có Luật Thú y và các thông tư hướng dẫn quy định rất rõ. Bộ NNPTNT đã có văn bản, Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo các địa phương cần thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ này.

Cũng theo ông Long, các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh là 3 tỉnh DTLCP đang diễn biến phức tạp, cần tập trung quyết liệt để ngăn chặn dịch và tổ chức tiêm phòng vaccine phòng dịch.

Bắc Kạn là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của DTLCP, ông Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã có chỉ đạo chung toàn tỉnh, tập trung với toàn ngành để đưa ra những giải pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch.

Tỉnh Bắc Kạn ghi nhận 90% số xã xuất hiện DTLCP, các giải pháp dù có quyết liệt nhưng chưa thực sự hiệu quả do người dân không khai báo khi có lợn mắc bệnh, địa bàn tỉnh rộng, nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ nhưng lực lượng chức năng còn mỏng.

Ông Nhất cho rằng, để kiểm soát dịch trong thời gian tới, cần sự quan tâm đúng mức và sát sao hơn của cơ quan sở, ngành chức năng và kết hợp với các lực khác như Công an, Quản lý thị trường và đặc biệt là người đứng đầu chính quyền địa phương cấp xã.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem