Xác định nguyên nhân bùng phát dịch tả lợn châu Phi ở Quảng Ninh

Thanh Tuyền Thứ ba, ngày 11/06/2024 22:47 PM (GMT+7)
Dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đã có hơn 1000 con lợn mắc bệnh, bị chết và tiêu hủy.
Bình luận 0

Nguyên nhân phát sinh dịch tả lợn châu Phi

Theo thông tin Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh, lũy kế từ ngày 14/5 - 9/6, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 182 hộ/48 thôn, khu/19 xã, phường/6 huyện, thị xã, thành phố (Móng Cái, Quảng Yên, Hải Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ, Uông Bí).

Xác định nguyên nhân bùng phát dịch tả lợn châu Phi ở Quảng Ninh- Ảnh 1.

Người dân TP.Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) chủ động tự tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: DDCI Móng Cái

Ngay sau khi dịch bệnh xuất hiện, các địa phương đã nhanh chóng tiêu hủy 1.132 con lợn ốm, chết, có nguy cơ mắc bệnh theo đúng quy định với tổng trọng lượng 55.817,9kg. Trong đó, huyện Hải hà có nhiều hộ bị dịch tả lợn châu Phi nhất với 82 hộ, buộc tiêu hủy 445 con lợn, tiếp theo là TP.Móng Cái có 60 hộ phát sinh dịch tả lợn châu Phi, buộc tiêu hủy 439 con lợn; TX.Quảng Yên có 36 hộ phát hiện dịch tả lợn châu Phi, buộc tiêu hủy 224 con lợn…

Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đức cho hay, nguyên nhân phát sinh dịch bệnh phần lớn do chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỉ lệ lớn, không bảo đảm các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học. Cùng với đó, thời tiết diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho virus dịch tả lợn châu Phi sinh sôi và gây bệnh. Ngoài ra, dịch tả lợn châu Phi vẫn lưu hành ngoài môi trường và trên lợn nhập từ các tỉnh về.

Xác định nguyên nhân bùng phát dịch tả lợn châu Phi ở Quảng Ninh- Ảnh 2.

Kiểm tra công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại xã Quảng Minh, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: DDCI Hải Hà

Trước diễn biến của dịch, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương trong tỉnh tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh, Sở NNPTNT đã chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế dịch bệnh lây lan. Đồng thời, phân công cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn, hỗ trợ địa phương trong lấy mẫu xét nghiệm và xử lý ổ dịch; tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn.

Sở NNPTNT cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong việc kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ, vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn không đúng quy định; hướng dẫn các địa phương khẩn trương xử lý ổ dịch ngay từ khi mới phát sinh. Đơn vị cũng xuất cấp 2.000 lít hóa chất từ nguồn dự phòng tỉnh hỗ trợ 2 địa phương Hải Hà, Quảng Yên để khử trùng tiêu độc chuồng trại tại các vùng dịch.

Các địa phương có dịch đã khẩn trương vào cuộc, triển khai đồng bộ, kịp thời các biện pháp chống dịch: Thành lập chốt kiểm soát tạm thời kiểm soát dịch bệnh; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất để thực hiện công tác khử trùng tiêu độc, vệ sinh môi trường.

Đến nay, các địa phương đã cấp phát và sử dụng 4.770 lít hóa chất, 29 tấn vôi bột thực hiện khử trùng, vệ sinh môi trường hạn chế mầm bệnh phát sinh, lây lan tại các hộ chăn nuôi, chợ kinh doanh, khu giết mổ gia súc, gia cầm, xử lý ổ dịch…

Tại các chốt kiểm dịch động vật tạm thời (cấp xã) lập Barie, biển báo, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại các chốt kiểm soát chặt chẽ lợn, sản phẩm lợn ra, vào vùng dịch.

Xác định nguyên nhân bùng phát dịch tả lợn châu Phi ở Quảng Ninh- Ảnh 3.

Lập chốt tạm thời kiểm soát dịch tả lợn châu Phi tại TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: QMG

Nỗ lực khống chế ổ dịch tả lợn châu Phi

Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh nhận định, thời gian tới, nguy cơ dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh, lây lan diện rộng đến các địa bàn chưa bị bệnh. Dịch bệnh có thể xâm nhiễm vào cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô của địa phương, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi như: Công ty Thiên Thuận Tường, hiện đang có trên 40.000 con lợn các loại; Công ty TNHH Minh Châu hiện đang có trên 1.200 con lợn nái và một số HTX chăn nuôi lợn Móng Cái.

Để kiểm soát, khống chế ổ dịch, trong thời gian tới, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh đề nghị các hộ, trang trại "đóng kín" chuồng nuôi, kiểm soát các nguồn đầu vào có nguy cơ lây nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi, tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.

Đồng thời, thường xuyên thực hiện vệ sinh, sát trùng tiêu độc bằng vôi bột, hóa chất từ hộ, trang trại chăn nuôi lợn ra các khu vực xung quanh, nơi có nguy cơ cao; vệ sinh, sát trùng người và phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi; không nhập con giống từ các địa phương đang có dịch; không nuôi mới, tái đàn khi chưa công bố hết dịch.

Đặc biệt, không đến tham quan trang trại, không tổ chức họp trực tiếp với chủ cơ sở, người chăn nuôi để hạn chế nguy cơ mầm bệnh xâm nhiễm vào trang trại, khu chăn nuôi.

Xác định nguyên nhân bùng phát dịch tả lợn châu Phi ở Quảng Ninh- Ảnh 4.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đức thông tin về tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh. Ảnh: CTV

Trước đó, ngày 4/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nghiêm Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến để quán triệt, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Theo đó Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp xã đã xuất hiện dịch trực tiếp chỉ đạo phòng chống dịch, thành lập ngay các chốt kiểm dịch động vật tạm thời; thành lập các tổ, đội công tác của xã, thôn, khu thực hiện việc giám sát chặt chẽ ổ dịch; chuẩn bị địa điểm chôn hủy và bố trí nhân lực, vật lực thực hiện tiêu hủy triệt để lợn bệnh; thông tin tuyên truyền thường xuyên đến người dân về bệnh dịch.

Đối với các địa phương chưa có dịch bệnh xảy ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu quản lý chặt chẽ hoạt động vận chuyển, kinh doanh, giết mổ, sơ chế, chế biến lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn; yêu cầu các chủ cơ sở ký cam kết nghiêm túc thực hiện "5 không" (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, sản phẩm lợn bệnh, lợn chết; không vứt xác lợn bệnh, lợn chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem