Dịch tả lợn châu Phi ở Sơn La: Thịt lợn ế ẩm, tiểu thương bán cầm cự

P.V Tây Bắc Thứ hai, ngày 25/03/2019 06:00 AM (GMT+7)
Sức mua thịt lợn giảm; nhiều tiểu thương than ế ẩm, từ bỏ sạp hàng; người tiêu dùng chuyển sang tiêu thụ thực phẩm khác thay thế thịt lợn… là những gì mà phóng viên Dân Việt ghi nhận được sau khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Bình luận 0

Theo khảo sát của phóng viên Dân Việt, tại một số chợ trên địa bàn thành phố Sơn La như: Chợ Trung tâm, chợ 7.11, chợ Noong Đúc, chợ Quyết Tâm..., các tiểu thương đều than phiền sức mua thịt lợn của người tiêu dùng giảm đáng kể so với trước khi chưa có dịch tả lợn châu Phi.

img

Cô Nguyễn Thị Dung, tổ 8, phường Chiềng Sinh - tiểu thương ở chợ Noong Đúc buồn rầu nói: Trước khi chưa có dịch, một ngày tôi bán được một con lợn. Bây giờ một ngày chỉ bán được 5 - 10kg, mặc dù lợn do gia đình nuôi, trực tiếp mổ và luôn được thú y kiểm dịch.

Có mặt tại chợ 7-11, chị Nguyễn Thị Thúy – tiểu thương ở tổ 8, phường Quyết Thắng, chia sẻ: Từ khi có tin dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện, lượng tiêu thụ thịt tại chợ giảm khoảng 50%. Trước đây, mỗi ngày tôi bán được từ 15 – 20 kg. Nhưng bây giờ mặc dù giá giảm xuống từ 10.000 – 20.000 đồng/kg, song cả ngày chỉ bán được 3 – 5kg. Chợ này có khoảng 30 sạp bán thịt lợn thì hiện tại chỉ còn 10 sạp cầm cự, còn 20 sạp còn lại đều nghỉ hết.

Cách sạp của chị Thúy không xa, chúng tôi tìm đến sạp thịt của chị Lò Thị Phiên, phường Chiềng Cơi. Theo chị Phin, do lượng khách hàng tiêu thịt lợn giảm nhiều nên một tuần chỉ đến chợ bán thịt 2 lần. 

img

Nhiều sạp thịt lợn tại chợ 7.11, đường Nguyễn Lương Bằng, phường Quyết Thắng không một bóng tiểu thương.

“Trước đây, tôi vẫn nhập lợn từ người quen trong bản rồi giết mổ mang ra chợ bán với giá từ 70.000 – 80.000 đồng/kg, hàng bán chạy vèo vèo. Nhưng từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, giá thịt giảm xuống hơn 10.000 đồng/kg. Trong khi đó, buổi sáng nào cán bộ thú ý cũng ra kiểm tra, thịt lợn chúng tôi phải tuyệt đối an toàn mới được phép bán ở đây nhưng mỗi ngày cũng chỉ bán được 7 – 8 kg”, chị Phin buồn rầu nói.

Đang mua thịt lợn tại chợ 7.11, sau khi được phóng viên hỏi chuyện, chị Điêu Thị Hồng Vân, tổ 8, phường Quyết Thắng cho hay: So với trước khi chưa có dịch tả lợn thì lượng thịt gia đình tôi sử dụng giảm khoảng 30%. 

img

Do sức mua thịt lợn giảm, chị Dương Thị Huế - tiểu thương chợ Noong Đúc phải mang cả đậu phụ đi bán kèm.

Theo chị Hồng Vân, ban đầu do chưa nhận biết thông tin đầy đủ về dịch tả lợn nên gia đình cũng có tâm lý lo sợ việc sử dụng thịt lợn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người. “Mấy ngày gần đây, theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết bệnh dịch tả lợn này không lây sang người nên gia đình cũng đã quay lại ăn thịt lợn bình thường” – chị Hồng Vân tâm sự.

Trái ngược với sức mua thịt lợn giảm thì ở chợ 7.11, tình hình tiêu thụ thịt bò lại tăng gấp đôi.

Đang tất bật cắt thịt bò cho khách hàng, chị Đặng Thị Oanh – tiểu thương bán thịt bò tại đây cho biết: Sau khi có dịch tả lợn Châu Phi, lượng khách hàng tiêu thụ thịt bò tăng lên gấp đôi.

“Nếu như trước đây, quầy thịt bò của tôi chỉ bán được 2,5 tạ/ngày thì gần một tuần nay, ngày nào cũng bán được 5 tạ thịt bò. Một số đơn vị như công sở, khách sạn, bộ đội cũng ra đây mua thịt bò” – chị Oanh thông tin.

img

Tại chợ 7.11, nhiều người dân quay lưng với thịt lợn và lựa chọn thịt bò cho gia đình.

Sau khi ghi nhận thông tin ở chợ 7.11, phóng viên Dân Việt tiếp tục di chuyển lên chợ Trung tâm thành phố Sơn La nằm trên đường Chu Văn Thịnh, phường Chiềng Lề.

Cô Nguyễn Thị Xuân, tổ 12, phường Chiềng Lề - một tiểu thương bán thịt lợn được hơn 30 năm tại chợ này ngậm ngùi nói: “Bao nhiêu năm bán thịt lợn ở đây, chưa khi nào thịt lợn lại khó bán như bây giờ. Từ khi dịch tả lợn xuất hiện, bà con đồng bào người Thái ở trong bản có tâm lý lo sợ nên đi qua đây không ai để ý đến thịt lợn nữa. Họ sợ mua phải thịt lợn bị dịch tả sẽ lây bệnh cho đàn lợn nhà”.

img

Mặc dù thịt lợn được bày bán tại các chợ này đều tươi ngon và được thú y kiểm dịch nhưng nhiều người vẫn ưu tiên sử dụng thịt gà, tôm, cá...

Theo cô Xuân, thời gian trước ngày nào cô cũng đổ buôn được 5 con lợn, nhưng giờ chỉ bán được từ 2 – 3 con. Giá thịt lợn trước bán được 80.000/kg thịt thì hiện tại giảm chỉ còn 60.000 đồng/kg thịt.

Cô Xuân cho rằng, lý do người dân trong bản không ra chợ mua thịt lợn một phần bà con có trình độ dân trí còn thấp, không có điều kiện tiếp cận các phương tiện truyền thông nên cứ nghe thấy dịch là có tâm lý lo sợ. Ngoài ra, một số trang mạng xã hội xuất hiện thông tin sai sự thật về dịch tả lợn; lợn nhiễm sán… 

“Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm việc một số trang mạng xã hội đăng thông tin thất thiệt gây ảnh hưởng đến người chăn nuôi, tiểu thương. Đồng thời các cơ quan thông tấn báo chí phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, định hướng cho bà con là thịt lợn trong chợ được kiểm soát rất chặt chẽ, rất an toàn. Người dân nên chung tay, đồng hành cùng chúng tôi chứ đừng quay lưng lại với thịt lợn” – cô Xuân đề nghị.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho biết: Khi vùng nào công bố có dịch thì địa phương đều quản lý rất chặt chẽ và có các trạm chốt chặt kiểm dịch nên số lợn đang lưu hành trên thị trường là lợn không có bệnh, không có lí do gì để chúng ta không sử dụng. Một lần nữa, chúng ta kêu gọi người tiêu dùng không quay lưng lại với chăn nuôi, cùng nhau hành động để duy trì ngành chăn nuôi bằng cách sử dụng thịt lợn và chung tay cùng cơ quan nhà nước chống dịch.

Khi có dịch, ngoài việc người chăn nuôi bị thiệt hại thì chi phí tiêu huỷ, vệ sinh tiêu độc khử trùng và các chi phí liên quan rất lớn. Do đó, nếu chúng ta quay lưng lại thì ngành chăn nuôi sẽ vô cùng khó khăn. Một cử chỉ của người tiêu dùng lúc này, ăn thịt lợn sạch là một cách chúng ta chung tay cùng nhà nước và người chăn nuôi chống dịch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem