Điểm tên loạt "sếp lớn" của doanh nghiệp xăng dầu, địa ốc, vận tải từng bị tạm hoãn xuất cảnh

Vũ Khoa Thứ tư, ngày 18/09/2024 17:25 PM (GMT+7)
Danh sách doanh nghiệp có người đại diện bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế từ đầu năm 2024 có sự góp mặt của hầu hết mọi ngành nghề, từ xăng dầu, địa ốc, vận tải.
Bình luận 0

Nhiều ông lớn nằm trong danh sách nợ thuế

Trước đó Dân Việt đã thông tin về việc Cục thuế tỉnh Bình Định đã gửi thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an).

Lý do tạm hoãn xuất cảnh là do ông Lương Hoài Nam đang là người đại diện theo pháp luật của hãng hàng không Bamboo Airways. Hãng hàng không này đang bị cưỡng chế thi hành nộp thuế do số tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định. Số tiền bị cưỡng chế là 102,5 tỷ đồng.

Trước Bamboo Airways, thời gian vừa qua không ít "sếp lớn" tại các doanh nghiệp cũng bị tạm hoãn xuất cảnh, do chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Điểm tên loạt "sếp lớn" của doanh nghiệp xăng dầu, địa ốc, vận tải từng bị tạm hoãn xuất cảnh- Ảnh 1.

Công ty CP Hàng không Tre Việt là 1 trong 101 trường hợp được liệt kê trong danh sách của Cục thuế tỉnh Bình Định. Ảnh chụp màn hình.

Tại Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định, người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế là một trong những trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh.

Tại Dự thảo sửa đổi, bổ sung 7 Luật mới đây của Bộ Tài chính, việc tạm hoãn xuất cảnh trong trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế cũng được đề cập. Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 66, đưa đối tượng cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tại khoản 7 Điều 124 Luật Quản lý thuế vào khoản 1 Điều 66 Luật Quản lý thuế cho thống nhất, đồng thời bổ sung thêm đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh gồm: cá nhân là đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cá nhân là chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Ví dụ như hồi tháng 5/2024, Cục Hải quan Khánh Hòa có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh đề nghị, tạm hoãn xuất cảnh với ông Nguyễn Tâm Thịnh từ ngày 6/5. Ông Thịnh là Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam. Việc tạm hoãn xuất cảnh này do ông Nguyễn Tâm Thịnh là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị cưỡng chế thuế, nợ thuế hơn 21 tỷ đồng.

Trung Nam Group được biết đến là doanh nghiệp hoạt động trong 5 ngành Năng lượng; Hạ tầng – xây dựng; Bất động sản; Công nghiệp điện tử. Nhà máy điện gió Trung Nam, các Nhà máy thủy điện Krong Nô 2 và Krong Nô 3 hay Dự án Cầu Bạch Đằng.

Tới ngày 1/6, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) về việc hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh nêu trên.

Một trong những cái tên lớn trong ngành bất động sản khác có người đại diện từng bị hoãn xuất cảnh là Công ty CP Đầu tư địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ (Địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ).

Theo đó, Địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, công ty này đã nợ với số tiền hơn 6,2 tỷ đồng đến 31/5. 

Cục Thuế thành phố Cần Thơ đã có thông báo số 2920/TBXC-CTCTH về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Trương Anh Tuấn, là người đại diện theo pháp luật, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty.

Giữa tháng 7/2024, Địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ đã có thông báo về việc công ty đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế với số tiền 6,2 tỷ đồng. Ngay sau đó, Cục Thuế Cần Thơ đã có thông báo về việc hủy bỏ lệnh tạm hoãn xuất cảnh đối với Chủ tịch HĐQT Trương Anh Tuấn.

Tại trang chủ, Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ được giới thiệu thành lập từ năm 2008, là một trong những công ty thành viên của hệ thống Hoàng Quân Group. 

Theo định hướng chung của hệ thống, Công ty Hoàng Quân Cần Thơ hoạt động sản xuất kinh doanh theo mô hình khép kín bao gồm địa ốc, thiết kế, xây dựng, pháp lý.

Mới đây, ngày 10/9, Cục thuế tỉnh Quảng Ninh thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện là Giám đốc Nguyễn Thu Huyền của Công ty cổ phần Phát triển và đầu tư Greenland. Doanh nghiệp chuyên về kinh doanh bất động sản này có địa chỉ tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Người đại diện bị tạm hoãn xuất cảnh vì lý do doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Tương tự, Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh cũng thông báo tạm hoãn xuất cảnh với ông Đinh Đức Thành, Giám đốc là người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Hợp tác kinh doanh đầu tư Logistic Expert (doanh nghiệp kinh doanh ngành vận tải đường bộ). Đây là 2 trong tổng số 6 doanh nghiệp có người đại diện thuộc trường hợp tạm hoãn xuất cảnh do Cục thuế tỉnh Quảng Ninh nhắc tên trong công bố mới nhất.

Nợ khó thu tăng mạnh 

Tại thành phố Hồ Chí Minh, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, đã có 2.766 cá nhân, đại diện doanh nghiệp nợ thuế nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh. Theo Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh, số tiền nợ thuế trên địa bàn tăng mạnh so với cùng kỳ, và tăng 11.099 tỉ đồng so với thời điểm cuối năm 2023. 

Đáng chú ý, nợ khó thu tăng hơn 35% so với cùng kỳ, tương ứng 17.220 tỉ đồng. Nợ đang xử lý là 13.440 tỉ đồng, tăng 11,37% so với cùng kỳ. Nợ chờ điều chỉnh là 950 tỉ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ.

Cũng theo đơn vị này, nợ thuế tăng bắt nguồn từ một số nguyên nhân chủ yếu như khoản nợ đã hết thời gian gia hạn nhưng người nộp thuế chưa kịp thời nộp vào ngân sách nhà nước. Ngoài ra còn do các khó khăn, vướng mắc về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất lớn chưa được tháo gỡ. Mặt khác, do doanh nghiệp chưa tháo gỡ được những khó khăn về tài chính và những khó khăn trong tín dụng ngân hàng dẫn đến tiền thuế nợ tăng cao.

Có thể thấy, danh sách người bị tạm hoãn xuất cảnh đang ngày càng dài, trải đều ở các địa phương và không chỉ tập trung ở các doanh nghiệp có khoản nợ thuế lớn. Đơn cử như danh sách của Cục thuế tỉnh Bình Định còn có sự xuất hiện 22 cá nhân là chủ hộ kinh doanh.

Trước đó tại Hội nghị trực tuyến công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, trên cơ sở đánh giá tình hình nợ thuế, để tăng cường công tác quản lý và thu hồi nợ thuế đạt hiệu quả, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh yêu cầu Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế các địa phương, kiên quyết áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với người nộp thuế thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế phải tiếp tục rà soát, phát hiện các khoản nợ sai, nợ ảo, đặc biệt là các khoản mới phát sinh sau khi hệ thống chốt sổ để xử lý kịp thời, đồng thời tăng cường áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với những trường hợp cố tình trây ì nợ thuế sau khi đã được cơ quan thuế áp dụng các biện pháp nhắc nhở, cảnh báo.

Đối với công tác thu nợ của ngành thuế, Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) cho biết ước thu nợ lũy kế đến hết tháng 8/2024 của toàn ngành Thuế tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem