Điện ảnh Việt có thể hy vọng ở Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô?
Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô có “cứu” được những bản phim đang hỏng ở Hãng phim truyện?
Vân Thảo
Chủ nhật, ngày 17/12/2023 09:02 AM (GMT+7)
Những ngày gần đây, câu chuyện buồn về số phận Hãng phim truyện Việt Nam lại tiếp tục "bùng" lên với thông tin Hãng phim sẽ bị xóa sổ vĩnh viễn cùng với công văn thu hồi đất tại số 4, Thụy Khuê của UBND TP. Hà Nội.
Trên thực tế, đã hơn 60 tháng qua, các nghệ sĩ, người lao động của Hãng không được nhận lương và không được đóng bảo hiểm… Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nêu phương án giải quyết quyền lợi lao động tại Hãng phim truyện Việt Nam. Tuy nhiên, do đã quá mệt mỏi vì chờ đợi và nghe những lời hứa hẹn, rất nhiều nghệ sĩ đón nhận tin trên với thái độ dè dặt.
Là một trong những nghệ sĩ công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam, đạo diễn - NSƯT Bùi Trung Hải đã chia sẻ với Dân Việt những tâm tư của mình.
Câu chuyện tình hình kho phim của Hãng phim truyện Việt Nam với khoảng 300 phim truyện Việt Nam bị hỏng, mốc, trong đó có rất nhiều bộ phim kinh điển từ thời kỳ đầu của điện ảnh Việt Nam, đã được phản ánh từ nhiều tháng trước. Anh có thể chia sẻ thêm suy nghĩ của mình trước chuyện này?
- Cũng như tình hình chung của Hãng phim: phòng Giám đốc đồng thời là phòng truyền thống, nơi để rất nhiều giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế của Hãng phim bị mốc, hỏng phải vứt bỏ đồ đạc, vật dụng ra ngoài. Tình hình kho phim của Hãng phim truyện Việt Nam là một câu chuyện buồn.
Cho tới thời điểm này, mọi thứ vẫn hoàn toàn chưa có hướng giải quyết rõ ràng, cũng như chưa có ai phải chịu trách nhiệm về sự việc này. Đã có rất nhiều các cơ quan báo chí và rất nhiều người làm phim lên tiếng rất rõ ràng về vấn đề này, gần đây nhất là NSND Trà Giang, biên kịch Trịnh Thanh Nhã, NSƯT Vũ Đình Thân, NSND Nguyễn Thanh Vân, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp và rất nhiều các văn nghệ sĩ khác...
Nhưng không hiểu tại sao tình hình vẫn không có gì biến chuyển, 300 bộ phim bản gốc positive vẫn nằm trong kho, bị mốc và không có biện pháp xử lý. Về nguyên tắc thì không bao giờ các bản phim sẽ bị hỏng như nhau, cần phải có xử lý chuyên nghiệp về mặt kỹ thuật, tẩy mốc, làm sạch bằng hóa chất v.v… thì còn có thể cứu được một phần.
Hiện nay, cũng đã có nhiều ý kiến cho rằng Điện ảnh Việt Nam ra đời năm 1953, nhưng Viện phim Việt Nam chỉ mới được thành lập năm 1979, suốt thời gian khoảng 25 năm đó các bộ phim được bảo quản trong những điều kiện khó khăn do chiến tranh, do cơ sở vật chất không đảm bảo, vậy thì rất khó có thể đảm bảo rằng tất cả các bản phim duy nhất còn lại ở Viện phim Việt Nam là hoàn toàn đầy đủ, không mất mát, không hỏng hóc…
Nếu bản của Hãng phim truyện Việt Nam được bảo quản tốt thì hoàn toàn có thể bổ sung, thay thế nếu bản của Viện phim Việt Nam có vấn đề. Kho phim đó, ngoài việc lưu trữ một trong hai bản phim còn lại của các thế hệ nghệ sĩ đi trước, thế hệ khởi nguồn của điện ảnh Việt Nam, còn chứa phim của chính thế hệ làm phim chúng tôi, cho nên việc xảy ra như vậy làm ai cũng buồn nản.
Về tình trạng xử lý hậu cổ phần hóa của Hãng phim truyện Việt Nam thì đến hôm nay cũng chưa có tin tức gì mới, mặc dù sự việc đã khá rõ ràng, đã rất nhiều báo chí, công luận đã nói rất rõ về việc phải cấp thiết tìm ra hướng giải quyết. Anh em nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam thì mệt mỏi, thất vọng. Cô Trà Giang đã nói đúng khi cho rằng, việc đầu tiên là phải làm cho nghệ sĩ có lại được lòng tin…
Quỹ bảo tồn di sản và phát triển Văn hóa của Thủ đô có thể đầu tư sản xuất những bộ phim điện ảnh được quay bằng phim nhựa?
Dự thảo Luật Thủ đô đang được góp ý mới đây cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô. Đây có thể là tín hiệu vui cho ngành điện ảnh, bởi có Quỹ với nguồn thu ổn định sẽ giúp phát triển và bảo tồn những giá trị điện ảnh đặc sắc, trong đó có kho phim quý của Hãng phim truyện Việt Nam. Cá nhân anh muốn Quỹ sẽ và nên làm những việc gì cần thiết đầu tiên, cho điện ảnh, theo thứ tự ưu tiên?
- Tôi nghĩ rằng trước hết Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô ra đời thể hiện sự quan tâm của các cấp lãnh đạo của Thủ đô Hà Nội dành cho lĩnh vực Văn hóa. Ngoài ra, Quỹ đã tìm được nguồn kinh phí hợp lý lấy từ nguồn ngân sách của thành phố Hà Nội và từ việc khai thác các di sản văn hóa, và các nguồn tài chính khác của các tổ chức, tư nhân, v.v…
Tất nhiên, tôi cũng như các nhà làm phim khác muốn rằng Quỹ sẽ tham gia vào công việc lưu trữ bảo tồn các tác phẩm điện ảnh Việt Nam từ thời kỳ mới ra đời cho tới ngày hôm nay, cũng như tham gia hình thành những tác phẩm điện ảnh mới đóng góp cho sự phát triển chung của văn hóa Việt Nam.
Việc phục chế các tác phẩm điện ảnh cũ là một quá trình phức tạp và rất đắt tiền, đòi hỏi cả kinh phí, phương tiện kỹ thuật và tay nghề rất chuyên nghiệp, trên thế giới cũng không có nhiều các cơ sở phục chế các tác phẩm điện ảnh ở tiêu chuẩn quốc tế. Theo tôi đó cũng có thể là một mục tiêu nên được ưu tiên nếu Quỹ bảo tồn di sản và phát triển Văn hóa Thủ đô được trở thành hiện thực.
Ngoài ra, việc sử dụng và phát hành, trình chiếu phim nhựa cũng đang được thế giới sử dụng và tồn tại song song với phim kỹ thuật số, ở Việt Nam do một số hạn chế nên đã xóa bỏ hoàn toàn việc trình chiếu phim nhựa, đó là điều đáng tiếc. Vì lý do đó Hà Nội có lẽ cũng nên có phòng chiếu phim nhựa tiêu chuẩn cao, điều đó cũng có thể được hình thành với sự giúp đỡ của Quỹ bảo tồn di sản và phát triển Văn hóa của Thủ đô.
Thậm chí Quỹ bảo tồn di sản và phát triển Văn hóa của Thủ đô có thể đầu tư sản xuất những bộ phim nhựa như trước đây để bảo toàn những giá trị riêng, đặc biệt của điện ảnh?
- Đúng vậy. Tôi được biết, trong chương trình của Giải thưởng Quả cầu Vàng sắp tới, ngoài bộ phim "bom tấn" Oppenheimer của đạo diễn Mỹ Christopher Nolan sử dụng phim nhựa khổ lớn 70mm và phát hành bằng phim nhựa 70mm IMAX, 70mm và 35mm cùng với phát hành kỹ thuật số, được đề cử cho giải Quả cầu Vàng ở các hạng mục Phim điện ảnh xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Kịch bản xuất sắc và Diễn viên chính/phụ xuất sắc.
Còn có tới 4 phim khác được quay bằng phim nhựa 35mm (chính là dạng phim giống như 300 bộ phim nhựa của Hãng phim Truyện Việt Nam đã bị làm hỏng). Đó là các phim: Past Lives (được đề cử Phim, Đạo diễn, Kịch bản xuất sắc), phim Killers of the flower moon (được đề cử Phim, Đạo diễn, Kịch bản xuất sắc cùng nhiều đề cử cho diễn viên chính/ phụ xuất sắc), phim Maestro (đề cử Phim, Đạo diễn xuất sắc) và phim Poor things (đề cử Đạo diễn, Biên kịch xuất sắc). Đây rõ ràng là một "bài học" lớn cho Việt Nam về cách đối xử với phim điện ảnh nhựa.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, phương pháp lưu trữ, phổ biến trên nền tảng internet, khán giả hôm nay đã được tiếp cập rộng rãi với các bộ phim "cũ", thậm chí được làm ở thời kỳ đầu Điện ảnh Việt mới khai sinh và có không ít người đánh giá phim Việt bây giờ thậm chí không hay như các bộ phim ngày xưa. Có lẽ vì con người đã khác, bối cảnh, thời cuộc cũng đã khác, đam mê nghề nghiệp của các nhà làm phim cũng mỗi thời mỗi khác. Bản thân anh, có cha là nhà làm phim kỳ cựu, người đã cho ra đời những bộ phim gây được tiếng vang lớn, anh nghĩ sao về thực tế này?
- Giá trị nghệ thuật của một tác phẩm thường không phụ thuộc vào thời gian mà nó được tạo ra, mà phụ thuộc vào tác động của tác phẩm tới tình cảm, tâm trí của người xem, phụ thuộc vào sự kết nối, đồng cảm của người đọc với câu chuyện, nhân vật. Điện ảnh Việt Nam giai đoạn đầu có rất nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, điều đó là chắc chắn. Đó là nền móng rất tốt để điện ảnh Việt Nam tiếp tục phát triển trong thời gian hiện nay. Có rất nhiều điều chúng ta có thể học hỏi, phát triển tiếp những ý tưởng nghệ thuật cũng như phong cách làm phim của thế hệ đi trước.
Tôi nghĩ rằng, đó là một thế hệ những nhà làm phim đầy nhiệt huyết, niềm tin, và họ rất toàn tâm toàn ý, tập trung cống hiến hết mình cho các tác phẩm. Một điểm cần lưu ý ở thế hệ những nhà làm phim này là phong cách của từng nhà làm phim được thể hiện rất rõ, và nhìn chung họ đều có một phương pháp làm phim hướng đến khán giả rất mạnh.
Điện ảnh Việt Nam hiện nay có lẽ đang là giai đoạn tìm tòi, chuyển mình để tìm hướng đi thích hợp với thị trường. Đôi khi có thể sự hướng tới một cách thái quá về mục đích lợi nhuận mang tới những điểm tiêu cực trong chất lượng nghệ thuật của các bộ phim.
Sau thời kỳ nở rộ của những bộ phim thành công về doanh thu, trong những năm gần đây đã có những biểu hiện của sự bất cập, không chắc chắn… Tôi nghĩ, những nhà quản lý và các nhà làm phim hiện nay có lẽ cũng đang nhìn ra những vấn đề và đang học hỏi kinh nghiệm cần thiết để có thể tiếp tục phát triển tốt hơn nữa.
Xin cảm ơn NSƯT Bùi Trung Hải đã chia sẻ thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.