Điện Bàn (Quảng Nam): Đô thị mới năng động, có bản sắc riêng

Thứ sáu, ngày 28/03/2014 10:24 AM (GMT+7)
Điện Bàn (Quảng Nam) đang đặt ra nhiều giải pháp để đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ cho một đô thị mới trong tương lai. Phóng viên NTNN có cuộc trao đổi với ông Trần Úc (ảnh) - Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn về vấn đề trên.
Bình luận 0
Ông có thể đánh giá một số kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội và công tác đầu tư - phát triển đô thị Điện Bàn trong trong thời gian qua?

img


- Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2015 tầm nhìn đến 2020, quy hoạch chung xây dựng Điện Bàn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Thời gian qua, Điện Bàn đã phát huy được các lợi thế so sánh về tiềm năng, thế mạnh của mình để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng đô thị, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Điện Bàn đang hướng tới một đô thị hiện đại và mang bản sắc riêng.
Điện Bàn đang hướng tới một đô thị hiện đại và mang bản sắc riêng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước (bình quân gần 19%/năm), trong đó công nghiệp tăng 19,58%, thương mại dịch vụ tăng 21,11% và nông nghiệp tăng 3,10%... Đặc biệt, trong những năm qua, vấn đề đầu tư, phát triển đô thị luôn được huyện quan tâm và coi đây là nhiệm vụ hàng đầu. Chính vì thế, trong 5 năm gần đây, Điện Bàn đã dành trên 3.600 tỷ đồng để đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng.

Hiện nay, đô thị mới Điện Nam- Điện Ngọc đã có 50 dự án đăng ký đầu tư thuộc các lĩnh vực- dân cư đô thị, biệt thự cao cấp, giáo dục đào tạo, bệnh viện, dịch vụ thương mại, thể thao, du lịch… Trong đó, đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều dự án. Đặc biệt, hạ tầng thị trấn Vĩnh Điện từng bước đầu tư với các dự án lớn: Khu dân cư khối 3, Khu phố chợ Vĩnh Điện, Khu trung tâm hành chính…

Mục tiêu đến 2015, Điện Bàn trở thành thị xã. Vậy, đến thời điểm này địa phương đã đạt được những tiêu chí nào? Theo ông, trong quá trình phát triển đi lên, địa phương gặp các khó khăn, thách thức gì, thưa ông?

- Bộ Xây dựng vừa có quyết định công nhận thị trấn Vĩnh Điện mở rộng đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV và đây là cơ sở để chúng tôi tin tưởng rằng, Điện Bàn sẽ hoàn thành mục tiêu trở thành thị xã vào năm 2015.

Tuy nhiên, hiện nay hạ tầng đô thị của thị trấn Vĩnh Điện vẫn chưa được đầu tư hoàn chỉnh, một số tiêu chí đạt điểm thấp, như tỷ lệ tăng dân số, mật độ đường trong khu vực nội thị, tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt, tỷ lệ dân số khu vực nội thị dùng nước sạch, số nhà tang lễ khu vực nội thị... Vì vậy, trong năm 2014 này, Điện Bàn sẽ tập trung các nguồn lực và đề ra các giải pháp để nâng điểm các tiêu chí còn lại.

"Theo quy hoạch thì vùng đô thị Điện Nam - Điện Ngọc trở thành đô thị loại III, vì vậy chúng tôi tin tưởng rằng, trong tương lai xa, Điện Bàn sẽ trở thành thành phố năng động, mang bản sắc riêng”

Ông Trần ÚC

Đặc biệt, ưu tiên đầu tư hệ thống công trình hạ tầng đô thị, nhất là các tuyến đường ĐH 9, ĐH8, đường Trung tâm hành chính nối dài, các trục đường trong Khu dân cư khối 3 Sơn Xuyên...

Riêng đối với nhóm các chỉ tiêu về tiêu chuẩn nước, huyện đang phối hợp với Công ty Cấp thoát nước Quảng Nam tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng nhà máy nước sinh hoạt tại Cụm CN Trảng Nhật 1 và đầu tư nâng cấp Nhà máy Vĩnh Điện... Bên cạnh đó, huyện có các giải pháp để nâng điểm các chỉ tiêu chưa đạt điểm tối đa, xây dựng và tạo môi trường đầu tư có sức hấp dẫn để thu hút đầu tư và thu hút nguồn lực.

Theo ông, đô thị Điện Bàn sẽ phát triển ra sao, theo hướng nào?

- Điện Bàn nằm giữa 2 đô thị lớn là Đà Nẵng và Hội An, sự vươn lên mạnh mẽ của hai đô thị này đã tạo điều kiện thuận lợi cho huyện phát triển đô thị, du lịch, công nghiệp...

Theo quy hoạch chung, đô thị Điện Bàn đến năm 2030 được phê duyệt, vùng phát triển đô thị bao gồm toàn bộ khu vực phía đông của hành lang đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi ra đến biển, bắc sông Thu Bồn. Trong đó khu vực phía đông đường sắt các xã Điện Hòa, Điện Phước, Điện Thọ là khu vực dự trữ mở rộng của đô thị.

Vùng phát triển nông nghiệp gồm khu vực phía Tây của trục đường cao tốc và toàn bộ phía nam của sông Thu Bồn. Đây cũng là khu vực ngoại thị và không gian phát triển hệ thống trung tâm cụm xã, trung tâm xã, thị tứ, điểm dân cư nông thôn, vùng sản xuất và chế biến nông sản, lương thực...

Trong đó, trọng tâm phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ - du lịch; CN và NN. Đặc biệt, theo quy hoạch thì vùng đô thị Điện Nam – Điện Ngọc trở thành đô thị loại III, vì vậy chúng tôi tin tưởng rằng, trong tương lai xa, Điện Bàn sẽ trở thành thành phố năng động, mang bản sắc riêng.

Xin cảm ơn ông!
Đại Nghĩa (thực hiện) (Đại Nghĩa (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem