Điện Biên: Cả làng nuôi dế làm thịt để ăn, ăn không hết thì bán, có hộ thu 20 triệu/tháng

Thứ năm, ngày 02/07/2020 13:16 PM (GMT+7)
Những năm gần đây, khi đời sống ngày càng được nâng cao, hầu hết các loại thực phẩm đều trở nên quen thuộc trong các bữa ăn gia đình, thì dế lại được coi là đặc sản. Vì dế sinh sống trong môi trường tự nhiên không đủ để đáp ứng như cầu của thực khách, nhất là các nhà hàng, khách sạn.
Bình luận 0

Trên các mâm cỗ được gọi là “đặc sản Tây Bắc” cũng dần quen thuộc với món dế chiên giòn hoặc dế xào với nước măng chua...Nắm bắt được nhu cầu đó, ông Lường Văn Chiêng, bản Xôm (xã Thanh An, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã ấp ủ ý tưởng nuôi dế thương phẩm và bàn bạc với cả gia đình tìm cách thực hiện. 

Điện Biên: Cả làng cùng nuôi dế làm thịt để ăn, ăn không hết thì bán, có hộ thu 20 triệu/tháng - Ảnh 1.

Ông Lường Văn Chiêng, bản Xôm, xã Thanh An, huyện Điện Biên (Điện Biên) cho dế ăn. Ảnh: Văn Thành Chương

Cuối năm 2019, gia đình ông Chiêng mua 2kg giống (trứng dế kèm mùn cưa). Sau hơn một tuần ấp theo đúng quy trình, gia đình ông đã có một lồng dế hàng nghìn con. 

Sau gần 2 tháng, khi dế trưởng thành và sinh sản, gia đình ông lại lấy trứng và nhân thêm nhiều lồng khác.

Cứ như vậy, vừa nuôi dế sinh sản vừa bán dế thịt thương phẩm đến nay gia đình ông đã nhân giống và duy trì được 18 lồng dế, mỗi lồng rộng khoảng 3m2.

Mỗi tháng ông Chiêng xuất được từ 100 - 150kg dế thịt thương phẩm với giá từ 200 - 250 nghìn đồng/kg tùy thời điểm. Với mô hình nuôi dế như vậy đã đem lại thu nhập cho gia đình ông Chiêng mỗi tháng trên 20 triệu đồng.

Ông Chiêng cho biết: Nuôi dế không khó và không đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc phức tạp như các loài vật nuôi khác. Thức ăn cho dế là các loại lá cây có sẵn trong vườn nhà và đi hái về.

Đối với dế mới sinh sản thì trộn thêm một chút bột ngũ cốc như ngô, cám hay bột sắn...Như vậy nói là nuôi dế công nghiệp nhưng thực tế thức ăn của dế lại hoàn toàn từ là nguồn tự nhiên như môi trường sống vốn có của dế. 

Tổ cho dế là những chiếc khay đựng trứng gà, trứng vịt được làm từ giấy ép, mùn cưa để tạo độ thông thoáng và có nhiều không gian cho dế trú ngụ. Những chiếc lồng nuôi dế cũng được gia công rất đơn giản từ khung thép hoặc khung tre rồi căng nilon xung quanh cao khoảng 80cm để dế không nhảy ra. 

Hiện nay gia đình ông Chiêng đang nuôi 2 loại dế là “dế tuốt đỏ” và “dế tuốt đen”, dế tuốt đen thì chỉ ăn lá cây còn dế tuốt đỏ thì ăn cả lá và cành cây. 

Cả 2 loại dế tuốt đỏ và dế tuốt đen này đều cho thịt thơm ngon và có giá bán như nhau.

0
Advanced issue found

Từ khi triển khai thành công mô hình nuôi dế, gia đình ông Lường Văn Chiêng cũng đã hướng dẫn cho nhiều người dân trong bản cách nuôi, cách chăm sóc và cung cấp giống với giá phù hợp để mọi người cùng nuôi dế.

Do vậy mà cả bản Xôm có trên 170 hộ thì đến nay hầu như nhà nào cũng có 1 - 2 lồng dế để lấy dế thịt phục vụ nhu cầu của gia đình và bán ra thị trường cải thiện đời sống, tăng thu nhập.

Văn Thành Chương (Báo Điện Biên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem