Diễn đàn quy tụ các đại biểu đến từ 11 tỉnh, thành phố- nơi đang triển khai các dự án do IPAD tài trợ.
Nông dân là chủ thể
Với sự tài trợ của IPAD, từ năm 2009, tỉnh Bắc Kạn thí điểm giao đất lâm nghiệp tại các huyện Pác Nặm, Na Rì và Ba Bể. Khác với các chương trình đã thực hiện trước đó, việc giao đất lần này có sự tham gia của ND. Hộ nghèo được nhận nhiều đất hơn; giải quyết được mâu thuẫn nội bộ; việc thẩm định đơn giản, kết quả bản đồ thực địa khớp nhau; hiệu quả sử dụng đất tăng lên rõ rệt...
|
Nhiều vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách trong sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân được phản ánh tại diễn đàn. |
“Việc giao đất theo 7 bước vừa đúng luật lại vừa sát với thực tế. Thông qua 3 cuộc họp thôn, hộ được giao nhiều diện tích đất trước kia nay nhường lại một phần cho hộ nghèo thiếu đất” - ông Đoàn Tiến Nguyên-Phó phòng Quản lý đất đai, Sở TNMT Bắc Kạn tâm đắc. Các đại biểu kiến nghị Nhà nước cần tham khảo kinh nghiệm, phương pháp giao đất lâm nghiệp có sự tham gia của ND tại Bắc Kạn để mở rộng ra các địa phương khác.
Tại tỉnh Trà Vinh và Bến Tre, dự án đang nỗ lực hỗ trợ để ND tham gia thị trường nông sản. Ông Thái Văn Thìn - Chủ tịch Hội ND tỉnh Trà Vinh cho rằng, hoạt động của dự án bước đầu đã giúp ND chủ động hơn trong sản xuất. Nhưng về lâu dài, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành T.Ư, các địa phương xây dựng quy hoạch vùng sản xuất dựa trên thế mạnh riêng.
“Nhiều tỉnh phía Bắc cùng trồng vải thiều; nhiều tỉnh phía Nam cùng trồng thanh long, nuôi cá tra. ND dù có kiến thức thị trường, tham gia được vào chuỗi giá trị hàng hoá, nhưng quy hoạch sản xuất không có, hoặc quản lý không tốt, bị phá vỡ thì cuối cùng nông sản cũng không biết “đổ” đi đâu...”- ông Thìn chia sẻ.
Đưa ý nguyện của ND vào chính sách
Tại diễn đàn, các đại biểu đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong kinh tế tập thể ở nông thôn. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Anh- Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Tĩnh, gọi là HTX kiểu mới, nhưng thực chất đa số các HTX dịch vụ nông nghiệp hiện nay ở nông thôn vẫn nặng về hành chính và thiếu đủ thứ.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN Hà Phúc Mịch cho biết, sắp tới T.Ư Hội NDVN và IPAD sẽ tổ chức diễn đàn đối thoại chính sách quốc gia liên quan đến những vấn đề nông nghiệp, ND và nông thôn. Những ý kiến, đề xuất tại diễn đàn sẽ được các cơ quan xây dựng chính sách lắng nghe, ghi nhận...
“Quan trọng nhất là khuyến khích ND tự nguyện hợp tác, liên kết với nhau cùng làm 1 sản phẩm, hàng hoá. Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ phát triển các hình thức hợp tác này. Hội ND Hà Tĩnh đang tổ chức khá hiệu quả mô hình liên kết nuôi lợn hàng hoá, làm hàng mây tre xuất khẩu và trồng rau, lúa an toàn...” - bà Tuyết Anh nói.
Một chủ đề khác được nhiều đại biểu thảo luận là liên kết “4 nhà”. Các đại biểu đã chỉ ra những nội dung không còn sát với thực tế, những “mắt xích” yếu trong liên kết “4 nhà”. Ông Trần Xuân Hồng - Chủ tịch Hội ND tỉnh Đăk Nông cho rằng: “Vai trò của Nhà nước trong liên kết “4 nhà” rất mờ nhạt.
Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ ra đời năm 2002, nhưng tới nay hầu như chưa có chính quyền địa phương nào tiến hành sơ, tổng kết chỉ ra mặt được, mặt còn hạn chế, biện pháp khắc phục. Trách nhiệm của “các nhà” hết sức lỏng lẻo”.
Theo nhiều đại biểu, nếu tạo được “kênh” chuyển tải những ý kiến, ý nguyện của ND đến cấp, ngành xây dựng và quyết định ban hành chính sách là tốt nhất.
Nguyễn Công
Vui lòng nhập nội dung bình luận.