Diễn biến nặng bất thường
Tại Bệnh viện (BV) Nhiệt đới T.Ư, các bác sĩ đang “điên đảo” vì SXH. PGS-TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc BV cho biết, 2 tuần trở lại đây, số bệnh nhân mắc SXH tăng rất nhanh. Mỗi ngày có hơn 200 bệnh nhân đến khám SXH, với khoảng 20-40 bệnh nhân phải nhập viện mỗi ngày, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Bệnh nhân sốt xuất huyết quá đông nên nhiều người phải nằm ghép (BV Nhiệt đới T.Ư). Ảnh Diệu Linh
Theo PGS Kính, đáng nói, đã xuất hiện nhiều ca diễn biến nặng, bất thường, diễn biến nhanh, bác sĩ cũng bó tay. Mỗi ngày đều có 3-5 bệnh nhân nặng phải chuyển xuống cấp cứu. Có trường hợp sốt ngày thứ 3 vào viện vẫn tươi tỉnh, nhưng chỉ sau 3 tiếng đã tử vong.
Bệnh nhân vừa tử vong tại BV là một bệnh nhân nam, 51 tuổi, trú tại Ba Đình, Hà Nội. Trước đó, bệnh nhân cũng đi khám, được chẩn đoán SXH nhưng sau khi chụp CT não thấy não xuất huyết nên chuyển sang BV Nhiệt đới T.Ư sáng 12.7. Tuy nhiên, do xuất huyết não quá nặng, bệnh nhân tử vong ngày 14.7. Đây là ca tử vong do SXH thứ 15 trên toàn quốc.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - phụ trách khoa Cấp cứu BV Nhiệt đới T.Ư cho biết, hiện trong khoa đang có 2 ca biến chứng nặng do SXH. Một bệnh nhân nữ 43 tuổi bị viêm cơ tim vừa được bỏ máy thở sau 10 ngày điều trị tích cực. Một bệnh nhân khác bị hạ tiểu cầu nặng, bội nhiễm vi khuẩn, tiểu ra máu.
Theo bác sĩ Cấp, mỗi ngày khoa Cấp cứu tiếp nhận 4-5 ca biến chứng nặng do SXH, sau khi điều trị hết nguy hiểm lại phải chuyển về các khoa để đón bệnh nhân khác.
Tại BV Bạch Mai, TS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm, trung bình mỗi ngày khoa Truyền nhiễm tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân SXH đến khám, trong đó khoảng 20 bệnh nhân SXH nặng phải nhập viện điều trị nội trú. Bệnh phòng cũng trong tình trạng quá tải, bệnh nhân phải nằm 2-3 người/giường.
Bác sĩ Đoàn Thu Trà - Phó khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) cho biết, biến chứng của SXH năm nay thường là bệnh nhân có tổn thương thận và gan. Đặc biệt, mọi năm rất ít gặp SXH ở người cao tuổi nhưng năm nay có 1 bệnh nhân 85 tuổi cũng bị SXH. Tuy nhiên, với sự theo dõi chặt chẽ và điều trị khẩn trương ngay từ đầu nên người bệnh đã ổn định và được ra viện.
BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc BV Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ tháng 5 đến nay, số ca SXH đến khám tăng 100 – 150 trường hợp/tuần, số ca nhập viện điều trị nội trú cũng tăng. Đặc biệt trong tuần 26 (từ 26.6 đến 2.7) đã có đến 250 ca, tăng 100 ca so với các tuần trước đó. “Bệnh viện cũng đã cố gắng lọc máu sớm cho các bệnh nhân nặng và đã cứu sống được 6/10 ca nặng” - bác sĩ Châu cho hay.
Theo bác sĩ Châu, tổng cộng 6 tháng đầu năm 2017, bệnh viện đã tiếp nhận 4.328 ca SXH. Trong 250 ca nặng có 101 ca sốc thoát huyết tương, 12 ca xuất huyết nặng, 34 ca suy đa tạng, 1 ca viêm cơ tim và 3 ca sốt xuất huyết thể não. Từ đầu năm đến nay, đã có 4 ca tử vong do SXH.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.Hồ Chí Minh, tính đến ngày 13.7 toàn thành phố đã có 10.157 ca SXH (cùng kỳ năm 2016 có 8.600 ca). Ghi nhận 17/24 quận, huyện có số ca SXH được nhập viện tăng so với cùng kỳ năm 2016, trong đó quận 12 tăng 85%.
Người dân chủ quan
Đánh giá về nguyên nhân gia tăng SXH tập trung ở các thành phố lớn, PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, các địa phương có sự lưu hành của muỗi Aedes trong nhiều năm nay, cộng thêm điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, nắng nóng diện rộng xen kẽ các đợt mưa là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển. Bên cạnh đó, tình hình đô thị hóa, mật độ dân cư tăng cao với biến động di dân lớn, nhiều nhà trọ, công trường xây dựng trong khi điều kiện vệ sinh kém, làm gia tăng các ổ chứa nước đọng tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng.
Trong khi đó, dù đã được tuyên truyền nhiều nhưng người dân chưa chủ động phối hợp trong việc xử lý môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi; một số nơi vẫn từ chối hợp tác với chính quyền và cán bộ y tế...
PGS-TS Nguyễn Văn Kính cho biết, năm nay tử vong SXH do biến chứng xuất huyết nội tạng, xuất huyết não là một vấn đề rất lớn và bất thường. Mọi năm, chỉ 1 – 2 ca tử vong liên quan đến xuất huyết não, thì năm nay đã có 5 bệnh nhân tử vong do biến chứng này.
|
Đánh giá về tình hình SXH gia tăng ở Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong 10 năm trở lại đây, năm SXH cao đỉnh điểm của Hà Nội là năm 2009 với khoảng 16.000 ca, trung bình các năm là 5.000 – 6.000 ca. Như vậy, tính đến nay, Hà Nội ghi nhận trên 4.200 ca, nếu không có các giải pháp quyết liệt thì dịch sẽ bùng phát. “Việc tuyên truyền phòng chống SXH cho người dân cần thật đầy đủ và thiết thực. Ví dụ, muỗi truyền SXH là muỗi vằn, chỉ con muỗi cái mới đốt người lây truyền bệnh, chỉ đốt ban ngày, thích ở trong nhà, thích đẻ trứng ở các vùng nước trong. Do đó, chỉ cần một hộp sữa chua vứt ở góc sân trường chưa dọn, ngày mưa nước đọng lại trong hộp là tạo nên một ổ bọ gậy” – ông Hạnh nói.
Nhiều cán bộ của các quận, huyện TP.Hồ Chí Minh cho biết việc phòng chống dịch, nhất là phun thuốc diệt muỗi, diệt bọ gậy, loăng quăng vẫn chưa thực sự làm tốt. Nhiều nơi khi cán bộ y tế đến phun thuốc diệt muỗi thì nhiều hộ dân đóng cửa không cho xịt, trong khi cán bộ e ngại không dám gõ cửa từng nhà. Ý thức vệ sinh, diệt lăng quăng, bọ gậy trong người dân vẫn chưa cao.
PGS Phu nhận định, dù cơ quan chức năng có tổ chức phun thuốc diệt muỗi mà người dân không vệ sinh môi trường thì muỗi cũng lại phát triển, gây bệnh. “Do đó, quan trọng nhất là làm cho người dân nhận thức rõ biện pháp phòng chống SXH tốt nhất là diệt bọ gậy, loại bỏ hoặc đậy, úp các thùng, chai, lọ… có thể chứa nước quanh nhà, mắc màn, đốt hương hoặc dùng kem xoa chống muỗi để tránh muỗi đốt… Đặc biệt, cần nghiêm túc thi hành xử phạt với cá nhân, đơn vị không thực hiện các biện pháp phòng chống SXH để nâng cao ý thức trách nhiệm của cá nhân, đơn vị, tổ chức đối với cộng đồng” – PGS Phu nhấn mạnh.
Việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân SXH, tùy theo thể trạng và giai đoạn của bệnh mà chúng ta có biện pháp điều trị, chăm sóc phù hợp. Nếu người bệnh đến ở giai đoạn đầu, chúng ta chỉ cần hướng dẫn họ theo dõi, uống oresol. Nếu người bệnh ở ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh, có xuất huyết, tiểu cầu giảm nhiều hoặc tổn thương gan, thận thì phải nhập viện để chăm sóc và điều trị. Đặc biệt không dùng thuốc aspirin để hạ sốt, vì những thuốc này có thể gây xuất huyết, toan máu. Chỉ được dùng thuốc paracetamol để hạ sốt”.
TS Đỗ Duy Cường
Tính từ đầu năm đến nay, số ca SXH chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước (0,3-0,4%). Tuy nhiên, ở nhiều tỉnh, thành phố lớn thì số ca SXH lại tăng mạnh. TP. Hồ Chí Minh hiện là địa phương ghi nhận số mắc cao nhất với hơn 10.200 ca, sau đó là Đà Nẵng, Bình Dương, Hà Nội… Riêng ở Hà Nội, số ca mắc đang tăng mạnh với hơn 4.200 ca tính từ đầu năm đến nay, cao gấp 300% so với cùng kỳ năm 2016, vài tuần gần đây, mỗi tuần tăng 900-1.000 ca”.
PGS Trần Đắc Phu
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.