Ông Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, dù Quốc hội đã dừng việc làm điện hạt nhân, nhưng hiện nay, các nguồn năng lượng truyền thống đã cạn kiệt, khai thác than khó khăn, nhiệt điện bị nhiều nơi phản đối vì cho rằng gây ô nhiễm, thủy điện đã hết nguồn công suất vừa và lớn.
Điện hạt nhân ẩn chứa nhiều nguy cơ, giá thành cao. Ảnh: I.T
Trước tình trạng trên, để đảm bảo nguồn năng lượng, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng cần nghĩ đến một loại hình năng lượng nhằm thay thế là điện hạt nhân.
“Điện tái tạo rất giàu có nhưng hiệu quả thấp và không ổn định. Dù ta có nhiều điện mặt trời, điện gió thì phụ tải nền không thể trông cậy vào năng lượng tái tạo được Vì một số lý do, trước mắt chúng ta phải dừng, nhưng về lâu dài tôi lo một ngày nào đó chúng ta phải quay trở lại với điện hạt nhân”-ông Quân đánh giá.
Tuy nhiên, cũng theo ông Quân, hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có cơ sở làm “điện hạt nhân an toàn và bền vững”. Do đó, Bộ Công Thương cần phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ủng hộ Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng nhanh chóng trung tâm kỹ thuật hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu do Nga giúp đỡ.
Ngoài ra, ông Nguyễn Quân cũng cho biết thêm, đối với việc phát triển điện hạt nhân, có thể mời nhà đầu tư nước ngoài nhưng để đảm bảo an toàn, an ninh, Việt Nam phải tự vận hành, không được làm theo phương thức “khoán gọn”, “chìa khóa trao tay”.
“Điều này cực kỳ nguy hiểm, vì không chỉ liên quan an ninh năng lượng mà còn là an ninh quốc gia. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 bây giờ, người ta có thể điều khiển một nhà máy điện hạt nhân từ cách xa hàng trăm ngàn cây số, thậm chí từ không gian”- ông Quân cảnh báo.
Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, trong bối cảnh thiếu điện, việc nghiên cứu, phát triển điện hạt nhân là cần thiết. Tuy việc này tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá điện có thể đẩy lên cao nhưng theo TS Thiên đánh giá, “không đủ điện mới chết, giá cao chưa chết” mà chết ở đây là “chết thẳng cẳng chứ không phải chết đi sống lại”.
“Có người trách tôi vì đã nói chỉ có giá điện cao mới phát triển được, ý nói phải để giá điện thấp thôi, nhưng tôi cười bảo các anh đòi ngược. Các anh phải đòi lương cao chứ không phải đòi giá điện thấp. Các anh, lương tăng một chút đã vội thỏa mãn, giá điện hơi cao đã la làng lên rồi. Rất nguy hiểm vì đó là sự lệch lạc trong quan niệm về phát triển”- TS Thiên nói.
Ngoài ra, TS Trần Đình Thiên cho biết thêm, trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung leo thang, các chuỗi sản xuất sẽ rời khỏi Trung Quốc và đổ vào Việt Nam. Nếu không thay đổi cách tiếp cận năng lượng sẽ không đón nhận được luồng đầu tư này.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hiến - nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng thông tin thêm, Việt Nam không nên bỏ hẳn việc phát triển nguồn điện này, mà cần tiếp tục nghiên cứu đầu tư vào năm 2030.
"Việt Nam dừng lại điện hạt nhân nhưng không nên bỏ hẳn. Sau năm 2030, Việt Nam thiếu năng lượng nghiêm trọng. Trong khi đó, than đã hết phải nhập khẩu. Thủy điện cũng khai thác hết, chúng ta cũng sắp sửa phải nhập khẩu khí hóa lỏng. Cho nên nếu tiếp tục không phát triển điện nguyên tử thì phải nhập khẩu rất nhiều khí hóa lỏng và than. An ninh năng lượng bị hạn chế rất nhiều"- TS Hiến cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.