Điện nông thôn sẽ bứt phá mạnh

Mai Nguyễn Thứ hai, ngày 15/02/2016 07:14 AM (GMT+7)
Với 22 dự án điện nông thôn chính thức được Chính phủ phê duyệt, công tác đưa điện về nông thôn của ngành điện trong những năm tới sẽ có sự bứt phá mạnh.
Bình luận 0

Thêm hàng trăm nghìn hộ dân có điện

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã được Bộ Công Thương phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi 22 dự án cấp điện nông thôn, hải đảo giai đoạn 2015 - 2020 nằm trong chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo theo Quyết định 2081 của Thủ tướng Chính phủ.

EVN được giao là cơ quan điều phối dự án và chủ đầu tư là Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc, Tổng Công ty Điện lực Miền Trung, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam. Trong số 22 dự án có 21 dự án cấp điện nông thôn, hải đảo từ lưới điện quốc gia và 01 dự án cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vĩ (TP. Hải Phòng) từ hệ thống cung cấp nguồn điện hỗn hợp gồm: Nguồn điện lai ghép gió + mặt trời + diesel + lưu trữ năng lượng.

img

Công nhân điện lực kéo điện lưới về vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lai Châu. VNMedia

Ông Đinh Quang Tri-Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, các dự án điện nông thôn tới đây tập trung chủ yếu vào phát triển lưới điện trung, hạ áp để góp phần đảm bảo đến năm 2020 cho hầu hết số hộ dân nông thôn có điện.

Các dự án sẽ cung cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào và lực lượng bộ đội biên phòng, cảnh sát biển tại các thôn, ấp, xã đảo chưa có điện và chưa được cấp điện chính thức, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội và từng bước nâng cao đời sống dân trí cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo; đảm bảo an ninh quốc phòng, ổn định chính trị trên địa bàn các tỉnh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia khu vực biển đảo.

Hiện nay, EVN đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư các dự án và chỉ đạo các tổng công ty điện lực triển khai thực hiện các dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ được phê duyệt. Sau khi các dự án hoàn thành sẽ có trên 7.236km đường dây trung áp, trên 13.640km đường dây hạ áp, trên 8.500 trạm biến áp được đầu tư xây dựng và sẽ có hơn 262.500 hộ dân được cấp điện trực tiếp từ lưới điện quốc gia cũng như được hưởng lợi từ chính sách giá điện của Chính phủ.

Lợi ích giá điện cho nông thôn

Tính đến cuối năm 2015, cả nước có 100% số huyện có điện lưới và điện tại chỗ; 99,8% số xã với 98,76% số hộ dân nông thôn có điện lưới, vượt 0,76% so với chỉ tiêu được giao cuối năm 2015. Tại các vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hầu hết nhân dân ở các khu vực này đã được sử dụng điện.

Đơn cử, khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc đạt 96,62% về số xã và 83,76% số hộ dân nông thôn có điện; khu vực các tỉnh Tây Nguyên là 99,83% và 95,8%; khu vực Tây Nam Bộ là 98,85% và 97,27%. EVN cũng đã cơ bản hoàn thành công tác tiếp nhận và tiến hành cải tạo nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn để bán điện trực tiếp đến các hộ dân với mục đích để người dân nông thôn được hưởng lợi từ chính sách giá điện của Chính phủ.

Giai đoạn 2011-2015 đã tiếp nhận gần 1.370 xã tương ứng với trên 1,97 triệu hộ dân nông thôn. Số khách hàng được EVN cung cấp điện trực tiếp đến nay đạt  23,7  triệu khách hàng, tăng trên 6 triệu khách hàng (tăng 31%) so với năm 2010.

Sau khi các dự án hoàn thành sẽ có trên 7.236km đường dây trung áp, trên 13.640km đường dây hạ áp, trên 8.500 trạm biến áp được đầu tư xây dựng và sẽ có hơn 262.500 hộ dân được cấp điện trực tiếp từ lưới điện quốc gia cũng như được hưởng lợi từ chính sách   giá điện của Chính phủ.

Nhằm đảm bảo cấp điện thường xuyên, liên tục, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển và giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia, đảm bảo an ninh quốc phòng, EVN đã đầu tư cấp điện cho 9/12 huyện đảo gồm: Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi); Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang); Phú Quý (Bình Thuận); Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải, Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu). Mức độ phủ điện đến các hộ dân vùng sâu, vùng xa của Việt Nam là thành tựu mà không nhiều quốc gia trên thế giới đạt được. Theo đánh giá của World Bank, Việt Nam là quốc gia thực hiện thành công và đạt hiệu quả cao về đầu tư điện nông thôn.

Công tác này đã được EVN thực hiện xuyên suốt gần 20 năm qua, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, là điều kiện quan trọng để phát triển sản xuất nông nghiệp và ngành nghề dịch vụ nông nghiệp, đồng thời cải thiện đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của các hộ dân nông thôn.

Chỉ tính riêng trong tháng 12.2015 (tháng tri ân khách hàng của ngành điện vừa qua), các đơn vị điện lực đã tổ chức đóng điện hơn 60 công trình cấp điện, trong đó tập trung vào các công trình cấp điện cho các xã nông thôn chưa có điện tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung - Tây Nguyên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem