Điện sáng trên đỉnh Cô Tô

Thứ năm, ngày 10/11/2011 10:53 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nằm ở độ cao hơn 610m so với mặt nước biển, Cô Tô là một trong hai ngọn núi đẹp nhất vùng Bảy Núi (An Giang). Lợi dụng con suối Cây Dong, từ đỉnh cao nhất đổ xuống hồ Soài So, cư dân đã tạo ra dòng điện sinh hoạt thắp sáng chốn non cao.
Bình luận 0

Việc phát minh ra "thủy điện" trên đỉnh Cô Tô đã cách đây hơn 15 năm. Người dân và cơ sở thờ tự ở xã Núi Tô, huyện Thoại Sơn đã xây dựng hơn chục công trình thủy điện.

img
Thủy điện nhỏ trên đỉnh Cô Tô.

Tốn một lần, xài nhiều năm

"Mắc được 4-5 bóng chữ U, vừa mở truyền hình coi vừa hát karaoke nữa. Thoải mái hà" - ông Trần Văn Út, chủ quán giải khát và nhà trọ xã Núi Tô, khoe với chúng tôi.

Ông Út là bộ đội từng tham gia chiến đấu ở Battambang (Campuchia). Phục viên, ông cưới vợ và lên núi lập nghiệp gần về Sân Tiên. Gia đình ông thu nhập từ trồng trọt dưới tán rừng là chính, còn mở dịch vụ chỉ là nguồn thu phụ. Song, cuối tuần, ngày lễ, ngày rằm có khách lên viếng núi mà đêm hôm xài đèn dầu, đèn bình ắc quy hoài cũng phiền phức. "Có người mần thủy điện rồi, thấy xài hay quá, tui mới bắt chước" - ông cười khi kể lại.

Cách đây 7-8 năm, ông Út mua cụm dynamo và lấy nước con suối Cây Dong để chạy máy phát điện. Nhà ông từ đó ban đêm sáng rực một góc sườn núi, sinh hoạt trở nên sung túc và làm ăn khấm khá hẳn lên. Ông được UBND huyện Tri Tôn tặng giấy khen "Cựu chiến binh gương mẫu" giai đoạn 2005-2009.

"Hồi đó hổng biết, nghe nói cũng lạ. Ai dè, ngoài thị trường có bán nguyên cái máy phát, cứ việc đem về đấu ống cho nước chảy là phát ra điện" - anh Trần Quang Trung, cư dân dưới chân chùa Bồng Lai nói. Nhờ có thủy điện, các con anh học hành đàng hoàng, tốt nghiệp cao đẳng và đại học. "Ở xứ núi, 5 giờ chiều trời đã tối; hổng có thủy điện, tiền dầu chịu sao nổi" - anh Trung lý giải.

Sinh sống trên núi, cư dân thường hùn tiền mua đường ống vài trăm thước, đôi khi cả ngàn thước; rồi cắm trong các hộc đá, đường ô trên cao để xả nước sinh hoạt. Bà Trần Thị Luận, thương binh, ở dưới chân vồ Sân Tiên cho hay: “Ở đỉnh Cô Tô này có con suối Cây Dong chảy quanh năm và gần như chưa bao giờ cạn nước. Nhờ vậy, bà con trên đỉnh núi mới mần thủy điện được và có điện xài quanh năm".

Anh Trần Văn Qưới ở dọc đường lên chùa Bồng Lai đã sắm "thủy điện" được hơn 5 năm, khoe rằng máy chạy rất êm, bỏ ngoài mưa ngoài nắng vẫn hoạt động tốt. "Nhà sắm được cái tivi, hễ đi vườn, mần rẫy thì thôi, còn ở nhà là xả nước phát điện để coi phim cho đỡ buồn" - Qưới cười.

Anh dẫn chúng tôi đi xem "công trình" thiết kế khá bài bản, từ khâu dẫn ống xả nước đến độ dốc đặt máy thích hợp, van khóa nước khi không sử dụng và đường dây dẫn điện vào nhà. Nhà Qưới có cả một bể tích nước dự phòng để đảm bảo "nhà máy" hoạt động liên tục.

img Có thủy điện, nhiều đoàn khách đến viếng và nghỉ lại qua đêm đông vui, bà con trên này thấy thuận lợi nhiều hơn. img

Theo nhiều cư dân trên đỉnh Cô Tô, một bộ "thủy điện" loại nhỏ, giá khoảng 1-1,5 triệu đồng, nếu cần lắp đặt sẽ có người mang máy từ Tây Nguyên đến tận nơi.

Tận dụng nguồn nước từ các đường ô, con suối, hiện nay ở vồ Hội, điện Nam Hải, chùa Liên Trì, điện Kín… đều có "thủy điện" để thắp sáng. Ngôi chùa Bồng Lai bề thế và nổi tiếng trên đỉnh Cô Tô được lắp đặt "nhà máy" loại cả ký lô; còn hàng quán dọc đường lên, xuống núi cũng có "thủy điện" loại nhỏ.

Chị Nguyễn Thị Mai - chủ hàng quán giải khát, bảo rằng có thủy điện rất tiện ích, không chỉ thắp đèn hay xem tivi, hát đầu đĩa; còn sạc bình ắc-quy, đèn pin cầm tay, pin điện thoại… mà khỏi phải lội xuống, lội lên núi như trước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem