Gần 19h tối, Trần Ngọc Tiến (29 tuổi) mới trở về nhà sau ca làm việc. Hơn một tháng qua, anh xin vào làm công nhân ở một công ty sản xuất bánh kẹo tại TP.HCM. 5 tháng sân khấu đóng cửa vì dịch đồng nghĩa với khoảng thời gian đó Ngọc Tiến thất nghiệp.
Để tồn tại lại ở thành phố, anh buộc lòng phải rẽ ngang sang một con đường mới. Ngọc Tiến cho biết thu nhập từ việc đóng gói bánh kẹo giúp anh trang trải tiền nhà, ăn uống trong thời dịch.
Không chỉ Ngọc Tiến, nhiều diễn viên của sân khấu kịch trên địa bàn TP.HCM lao đao trong thời gian qua. Họ mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau như bán hàng online, chạy xe ôm công nghệ…
Diễn viên sân khấu làm đủ nghề để mưu sinh
Trong căn phòng trọ nhỏ mà 5 diễn viên sân khấu thuê chung để giảm bớt áp lực tài chính thời dịch, Trần Ngọc Tiến tranh thủ ăn cơm tối sau ngày làm việc mệt nhọc. Diễn viên 29 tuổi kể bình thường, anh đi làm từ sáng đến 19h. Tuy nhiên, thời gian gần đây, công ty sản xuất bánh kẹo tăng ca nên có khi 3h sáng anh mới trở về nhà.
“Công việc này khá mệt nhưng thu nhập đủ để tôi trang trải cuộc sống. Khi nào sân khấu mở cửa trở lại, tôi sẽ tính tiếp. Hiện tại, công việc ở công ty sản xuất bánh kẹo chỉ là tạm thời”, anh cho biết.
Cùng phòng trọ với Ngọc Tiến là Khánh Đăng (26 tuổi). Cả hai cũng hoạt động chung tại sân khấu kịch 5B của NSƯT Mỹ Uyên. Trước khi dịch bùng phát ở TP.HCM vào hồi tháng 5, nam diễn viên làm thêm nghề tay trái là chạy xe ôm, giao hàng cho nhiều quán ăn, cửa hàng quần áo.
Thu nhập từ nghề diễn viên và shipper giúp anh đủ tiền chi trả phí nhà trọ, ăn uống hàng tháng. Tuy nhiên, cuộc sống của Khánh Đăng đảo lộn khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài vì dịch.
5 tháng liên tiếp thất nghiệp, thu nhập không có, nam diễn viên chia sẻ anh buồn và nhớ sân khấu. Để xua tan cảm giác hụt hẫng, anh tham gia vào bếp ăn thiện nguyện của nghệ sĩ Hữu Quốc. Nam diễn viên được NSƯT Hữu Quốc và NSƯT Mỹ Uyên hỗ trợ lương thực, thực phẩm. Thời gian sau đó, Khánh Đăng phải xin hỗ trợ tiền từ cha mẹ ở quê.
“Trong thời gian dịch bệnh, cha mẹ không gửi đồ ăn lên được nên chuyển tiền để tôi sống qua ngày. Tôi cảm thấy buồn và thương cha mẹ nhiều. Vì ở quê, cha mẹ cũng khó khăn do dịch bệnh, không đi làm được. Tôi cũng không muốn làm phiền cha mẹ nhưng thực sự đuối quá nên cầu cứu phụ huynh một thời gian. Ngày nào, tôi cũng gọi hỏi thăm gia đình, xem mọi người có ổn không, xong mới đỡ lo lắng”, anh kể.
Tuy nhiên, Khánh Đăng nhận ra không chỉ bản thân mà xung quanh anh còn nhiều người gặp hoàn cảnh khó khăn, vất vả do dịch. Vì thế, hàng ngày, anh tự động viên bản thân, lên “dây cót tinh thần” bằng những hoạt động khác như tự nấu ăn, tập thể dục, đọc sách, xem phim, dọn dẹp phòng trọ.
Trong thời gian đợi chờ ngày sân khấu tái hoạt động, diễn viên 26 tuổi dự tính tìm thêm công việc khác để mưu sinh.
“Tôi cũng đang tính chuyện đi giao hàng trở lại hoặc tìm công việc thời vụ nào đó để kiếm thêm tiền, đỡ đần cho gia đình. Tôi không chọn cách về quê thời điểm này vì lo lắng mình sẽ ảnh hưởng đến gia đình, hàng xóm”, anh nói.
Mong chờ ngày sân khấu sáng đèn trở lại
Võ Ngọc Tiến (28 tuổi) cũng là diễn viên của sân khấu kịch tại TP.HCM. Trước ngày TP.HCM bùng phát dịch, anh vừa hoạt động với vai trò diễn viên, vừa theo học lớp đạo diễn sân khấu. Khi sân khấu đóng cửa vì dịch, Ngọc Tiến gặp khó khăn vì phải lo cùng lúc nhiều chi phí về nhà trọ, ăn uống, học phí.
Ngoài ra, thời gian trước, anh cũng vay một khoản tiền ở ngân hàng để tham gia game show. Vì thế, anh lại gồng thêm tiền thanh toán cho ngân hàng hàng tháng.
Trong hoàn cảnh đó, nam diễn viên xoay xở bằng cách mượn cha mẹ, anh chị em trong gia đình và một số đồng nghiệp. Dù vậy, Võ Ngọc Tiến không bi quan. Anh cho rằng khó khăn chỉ là tạm thời và luôn cố gắng tìm cách vượt qua.
5 tháng qua, diễn viên 28 tuổi tham gia hỗ trợ bếp ăn 0 đồng để giúp đỡ người dân nghèo gặp hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM và góp mặt trong đội tình nguyện viên chống dịch.
Trải nghiệm từ công việc này khiến Võ Ngọc Tiến thay đổi cách nhìn về cuộc sống và trưởng thành qua từng ngày. Nam diễn viên nói anh học được cách trao yêu thương và quan tâm người khác nhiều hơn. Thời gian này, anh vẫn tiếp tục với các hoạt động của đội tình nguyện viên và học online.
Mong muốn lớn nhất của anh ở thời điểm này là dịch bệnh được đẩy lùi để các diễn viên trẻ quay lại sân khấu và phục vụ khán giả.
“Tôi cũng từng tham gia livestream, diễn kịch online nhưng thấy không hấp dẫn. Sân khấu là nghệ thuật biểu diễn trực tiếp. Nghệ sĩ tương tác với nhau và lấy cảm hứng từ khán giả. Vì thế, tôi luôn mong chờ ngày sân khấu sáng đèn trở lại để gặp gỡ người hâm mộ”, Võ Ngọc Tiến tâm sự.
Hải Triều kể với Zing trong thời gian qua, thu nhập của anh giảm 80%. Việc trả góp ngân hàng và các chi tiêu khác anh đều phải rút từ quỹ tiết kiệm.
Để giảm áp lực tài chính, anh tự nấu ăn ngày hai bữa, không mua đồ ăn vặt như trước. Thời gian rảnh, anh tập yoga, nói chuyện với bạn bè và gọi điện thoại về quê hỏi thăm tình hình gia đình.
Ngày 7/10, Hải Triều kể anh đã được ghi hình trở lại sau thời gian dài ở nhà. Trước khi vào phim trường, anh và nhiều nghệ sĩ khác phải xuất trình thẻ xanh, xét nghiệm nhanh Covid-19 và thực hiện nguyên tắc 5K.
“Ngày làm việc đầu tiên sau chuỗi thời gian dài ở nhà, được gặp gỡ đồng nghiệp, tôi vui và có chút bỡ ngỡ. Thời gian tới, tôi mong dịch bệnh nhanh chóng qua đi, mọi việc thuận lợi trở lại”, anh chia sẻ.
NSND Hồng Vân cho biết trước tình cảnh khó khăn của nhiều diễn viên, học viên, cô thương cảm và luôn cố gắng hỗ trợ trong khả năng.
“Tôi vẫn chi trả một khoản tiền lương cho nhân viên sân khấu để họ duy trì cuộc sống. Bây giờ, tôi và nhiều diễn viên khác mong sân khấu được sáng đèn trở lại để phục vụ khán giả. Năm ngoái, sân khấu đã đóng cửa đúng vào dịp Tết Nguyên đán khiến mọi người lao đao và buồn nhiều”, cô nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.