Điệp viên người Mỹ gốc Hoa Larry Wu Tai Chin tự tử hay bị giết?
Điệp viên người Mỹ gốc Hoa Larry Wu Tai Chin tự tử hay bị giết?
Thứ năm, ngày 03/09/2020 20:32 PM (GMT+7)
Lúc 6h20' ngày 22/2/1986, Larry Wu Tai Chin (63 tuổi), người Mỹ gốc Hoa và là điệp viên của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), bị buộc tội làm nội gián cho tình báo Trung Quốc, được phát hiện nằm chết với một túi nhựa chụp lên đầu tại nhà tù Prince William ở thành phố Arlington, bang Virginia, Mỹ.
Kết luận điều tra sau đó cho biết điệp viên nội gián này đã tự tử bằng cách lấy một túi nhựa chụp lên đầu rồi xiết chặt quanh cổ cho đến khi chết vì ngạt thở.
Thế nhưng cái chết bất ngờ của một trong những điệp viên nội gián nổi tiếng thời kỳ chiến tranh lạnh khi chỉ còn đúng một ngày sẽ mở ra phiên tòa xét xử tội trạng của ông đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là các phương tiện truyền thông, với câu hỏi đặt ra, là liệu có thật sự điệp viên nội gián người
Mỹ gốc Hoa này đã tự tử hay không? Hay bị giết chết rồi ngụy tạo thành một vụ tự tử? Cả bà Cathy, người Mỹ vợ của Chin, cũng lên tiếng tố cáo chính CIA đã giết chết chồng bà do lo ngại tại phiên tòa, Chin sẽ khai báo nhiều vấn đề liên quan đến bí mật mà CIA muốn giấu kín, nhất là sự yếu kém của CIA trong công tác phản gián.
Larry Wu Tai Chin sinh năm 1918 tại thành phố Thượng Hải trong một gia đình trí thức yêu nước. Năm 1940, trong thời gian theo học tại Đại học Yenching ở thành phố Bắc Kinh, Chin tham gia sinh hoạt trong một tổ chức thanh niên Cộng sản đấu tranh chống sự chiếm đóng của phát xít Nhật.
Khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, Chin được tình báo Trung Quốc tuyển dụng làm điệp viên chìm dưới vỏ bọc nhân viên văn phòng của một công ty vận chuyển hàng hải để thu thập thông tin về hoạt động của các tổ chức tình báo nước ngoài tại Thượng Hải.
Năm 1948, do biết tiếng Anh nên Chin được nhận vào làm phiên dịch tại Lãnh sự quán Mỹ ở Thượng Hải. Năm 1949, khi đất nước được giải phóng, theo yêu cầu nhiệm vụ, Chin được lệnh di tản cùng Lãnh sự quán Mỹ đến đảo Đài Loan.
Chin chính thức được CIA tuyển dụng vào năm 1951 và được điều động đến chiến trường Triều Tiên làm nhiệm vụ phiên dịch tiếng Hoa nhằm giúp CIA thu thập thông tin khai báo từ các tù binh của quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc bị bắt giữ.
Đây là dịp để Chin kiểm tra lòng trung thành với Tổ quốc của những tù binh người Trung Quốc bị bắt giữ. Những tù binh nào chịu khai báo và chấp thuận làm việc cho CIA đều được Chin mật báo cho tình báo Trung Quốc và chính những kẻ phản bội này sẽ được phía Trung Quốc lên danh sách trao đổi tù binh với Mỹ.
Sau khi được trao trả, bọn chúng sẽ bị Trung Quốc xét xử về tội phản bội Tổ quốc. Một chiến công khác của Chin là làm sai lệch khai báo của tù binh Trung Quốc về địa điểm các trại giam tù binh Mỹ trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên. Vì vậy, các chiến dịch giải cứu tù binh của CIA và quân đội Mỹ phần lớn đều gặp thất bại.
Năm 1953, khi chiến tranh Triều Tiên đi vào giai đoạn kết thúc, Chin được chuyển đến căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Okinawa của Nhật để nhận nhiệm vụ tại Đơn vị Thông tin tâm lý chiến (FBIS) của CIA. Đầu năm 1954, trong một chuyến đến công tác tại chi nhánh FBIS ở Hongkong, Chin nối lại được liên lạc với tổ chức.
Suốt nhiều năm sau đó, Hongkong, Macau và thủ đô Manila của Philippines là những địa điểm thường xuyên được Chin bí mật chuyển giao thông tin tình báo thu thập được cho trung tâm ở Bắc Kinh. Năm 1961, Chin được chuyển tiếp về làm việc tại chi nhánh FBIS tại thành phố San Francisco, bang California, Mỹ.
Để có thể tiếp nhận thông tin do Chin chuyển giao, tình báo Trung Quốc đã thiết lập một đường dây liên lạc bí mật từ thành phố San Francisco đến thành phố Vancouver của Canada thông qua các hộp thư sống được cài trong các khu người Hoa tại hai thành phố này. Năm 1964, sau 12 năm làm việc cho CIA, Chin được trả công bằng cách cho nhập quốc tịch Mỹ.
Năm 1970, sau khi hàng loạt ổ gián điệp của CIA bị phá vỡ tại Trung Quốc khiến nhiều điệp viên nằm vùng bị bắt giữ, CIA tiến hành một chiến dịch thanh tra nội bộ quy mô với việc buộc tất cả các điệp viên có liên quan đến hoạt động tình báo ở châu Á phải chịu kiểm tra bằng thiết bị phát hiện nói dối.
Cuộc viếng thăm Trung Quốc của Tổng thống Richard Nixon vào cuối năm 1972 được dự kiến trong loạt tài liệu tối mật mà Wu Tai Chin đã thu thập và chuyển giao cho tình báo Trung Quốc trước đó.
Và Chin cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, là một điệp viên bản lĩnh nên Chin dễ dàng vượt qua được cuộc kiểm tra này. Năm 1971, Chin được đề bạt vào chức vụ Trưởng bộ phận Tiếp nhận và kiểm tra thông tin tình báo hải ngoại của FBIS, có trụ sở chính đặt tại thành phố Arlington, bang Virginia, cách không xa hạt Langley, nơi có trụ sở của CIA.
Cũng trong năm này, Chin đã chuyển giao cho tình báo Trung Quốc một tài liệu tối quan trọng, đó là kế hoạch bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc, kể cả thông tin về việc Mỹ dự định tổ chức cuộc thăm viếng chính thức Trung Quốc của Tổng thống Richard Nixon vào cuối năm 1972.
Năm 1981, Cục Điều tra liên bang (FBI) bắt đầu bí mật điều tra về Chin khi nhận thấy điệp viên CIA này sử dụng một số tiền lớn để mua nhiều bất động sản tại bang Maryland và thường xuyên đến các sòng bài ở thành phố Baltimore để đánh bạc.
Đây là số tiền mà Chin tích cóp được từ những khoản tiền mà tình báo Trung Quốc thưởng cho mình khi hoàn thành xuất sắc nhiều điệp vụ. Năm 1983, CIA quyết định cho Chin nghỉ việc nhưng thật ra để tạo điều kiện cho FBI tiếp tục theo dõi Chin.
Tuy nhiên, phải đợi đến khi Yu Qiangsheng, một điệp viên Trung Quốc đào thoát đến Đài Loan và đầu thú với CIA rồi khai báo ra đường dây điệp báo của Chin thì Chin mới bị bắt giữ vào tháng 7/1985. Bị thẩm vấn, Chin thú nhận việc làm điệp viên nội gián cho tình báo Trung Quốc và là điệp viên Trung Quốc đầu tiên bị bắt giữ trên lãnh thổ Mỹ.
Phiên tòa xét xử tội trạng của điệp viên nội gián Wu Tai Chin dự kiến được mở ra vào ngày 23/2/1986 tại thành phố Arlington. Chin sẽ bị truy tố với 4 tội danh với mức án được tuyên có thể lên đến 30 năm tù giam. Nhưng chỉ một ngày trước khi khai mạc phiên tòa, Chin được phát hiện nằm chết trong buồng giam đặc biệt tại nhà tù Prince William.
Tuy cái chết của Chin được kết luận là do tự tử nhưng dư luận nghiêng về giả thuyết là Chin đã bị giết hại bởi CIA để đề phòng trường hợp Chin sẽ khai báo nhiều điều bất lợi cho CIA tại tòa án nhằm chứng minh cho câu hỏi đang được dư luận đặt ra, là tại sao một điệp viên nội gián làm việc cho tình báo Trung Quốc lại có thể dễ dàng chui vào guồng máy luôn được kiểm tra kỹ lưỡng của CIA mà không hề bị phát hiện, kể cả việc vượt qua được cuộc kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối.
Chính sự yếu kém của CIA trong việc không kịp thời phát hiện ra hoạt động nội gián của Chin đã khiến nhiều điệp viên CIA nằm vùng ở Trung Quốc bị bắt giữ, kể cả loại tài liệu tuyệt mật như kế hoạch bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời Tổng thống Richard Nixon cũng rơi vào tay tình báo Trung Quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.