Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ngày 22/09/2022 và 24/10/2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản chính thức tăng đồng loạt các lãi suất điều hành, cụ thể: lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu và trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến 6 tháng mỗi lần tăng thêm 100 điểm cơ bản.
Đồng thái tăng lãi suất điều hành của NHNN đã "kích thích" cuộc đua lãi suất trên thị trường vốn đã sôi động thêm nóng trong quý cuối cùng của năm 2022.
Theo đó, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt nâng lãi suất huy động sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng các lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động. Các ngân hàng nhỏ có mức tăng lãi suất huy động cao (dao động từ 2,5%- 3,5%), trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh có mức biến động hẹp hơn (quanh 2%).
NHNN sẽ có nhiều dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ
Bước sang năm 2023, các chuyên gia phân tích tại Chứng khoán Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, NHNN sẽ có nhiều dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ hơn trong năm 2023, với kịch bản cơ sở lạm phát bình quân được kiểm soát tốt quanh 4-4,5%.
Cùng với đó, áp lực từ lạm phát toàn cầu và tỷ giá trong nước được dự báo bớt căng thẳng hơn so với năm 2022, khi việc đứt gãy chuỗi cung ứng dần được cải thiện và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sụt giảm giúp giá hàng hóa hạ nhiệt, trong khi FED được dự báo sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào cuối quý I.
Trong năm 2023, 3 yếu tố được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện cung tiền, giúp hỗ trợ thanh khoản tiền VND trong hệ thống.
Thứ nhất, NHNN thực hiện lại nghiệp vụ mua USD, trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ tốt đến từ thặng dư thương mại, kiều hối và FDI, vay nợ ròng nước ngoài, qua đó giúp tăng dự trữ ngoại hối và bơm 1 lượng tiền VND vào hệ thống các ngân hàng.
Hai là, kỳ vọng giải ngân đầu tư công đạt trên 80% kế hoạch năm (đã được trình bày trong phần dự báo GDP)
Ba là, tăng trưởng tín dụng ở mức cao khi nhu cầu vay vốn là luôn hiện hữu dù mặt bằng lãi suất đã ở mức tương đối cao ngay cả so với thời điểm trước dịch, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn sau vụ việc Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát và Nghị định 65 mới được ban hành cuối tháng 9 khiến áp lực kênh dẫn vốn của hệ thống ngân hàng càng tăng thêm.
"Chúng tôi dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 14 %, huy động tăng cao đạt 12% và cung tiền tăng trở lại 13% – một phần do nền thấp của năm 2022", các chuyên gia dự báo.
Lãi suất huy động sẽ hạ nhiệt dù vẫn duy trì ở mức cao 9-10%
Dự báo về lãi suất, theo các nhà phân tích lãi suất huy động sẽ hạ nhiệt dù vẫn duy trì ở mức cao 9-10%.
Nguyên nhân, do nhu cầu tín dụng tốt khi nền kinh tế phục hồi sau 2 năm Covid. Đồng thời, tăng trưởng huy động được kỳ vọng đạt trên 12% giúp căng thẳng thanh khoản thị trường 1 dịu bớt, nhờ tăng trưởng cung tiền hồi phục, sẽ tạo điều kiện cho các NHTM hạ lãi suất huy động.
Mặt bằng lãi suất huy động giảm, kéo theo đó bằng lãi suất cho vay sẽ có xu hướng giảm đồng pha với lãi suất huy động. Tuy nhiên, theo các chuyên gia mức độ giảm thấp hơn từ 0,4 – 0,7% khi Chính Phủ tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị, tiết giảm chi phí, nghiên cứu giảm lãi suất ở một số đối tượng, lĩnh vực phục vụ sản xuất kinh doanh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau dịch.
Còn theo TS. Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp đang rất khó khăn, nên không thể "treo" lãi suất cao như hiện nay. Theo đó, lãi suất huy động chỉ 6-7%/năm là hợp lý. Khi đó, lãi suất cho vay không trở nên quá sức với doanh nghiệp.
Thực tế, tại Chỉ thị 01 vừa được Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng ban hành, Thống đốc yêu cầu, các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu.
Đồng thời, thực hiện nghiêm và thường xuyên giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật, NHNN về: lãi suất, phí cho vay, trong đó kiểm soát chặt chẽ lãi suất tiền gửi để giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường; các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt là các tỷ lệ về an toàn vốn và khả năng thanh khoản.
Năm 2023, NHNN cũng định hướng tín dụng tăng khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.