Điều đặc biệt về vị Tướng được thăng quân hàm vượt cấp
Điều đặc biệt về vị Tướng được thăng quân hàm vượt cấp
PVCT
Thứ sáu, ngày 17/03/2023 06:29 AM (GMT+7)
Nói về Đại tướng Chu Huy Mân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (Phó Chủ tịch nước), nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Thượng tướng Võ Tiến Trung đã nhấn mạnh "đó là vị tướng rất đặc biệt".
Hôm nay 17/3/2023, tròn 110 năm Ngày sinh của Đại tướng Chu Huy Mân (ông sinh ngày 17/3/1913 – qua đời năm 2006).
Nói về Đại tướng Chu Huy Mân, Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng đã nhấn mạnh "đây là vị tướng rất đặc biệt".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Chu Huy Mân. Ảnh Tư liệu
Thứ nhất ông sớm hoạt động cách mạng và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1930, khi đó mới 17 tuổi. Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông đã nhiều lần bị thực dân Pháp bắt giam, năm 1940: bị thực dân Pháp đưa đi an trí ở Đắc Lay, Đắc Tô, Kon Tum. Đến năm 1943, ông vượt ngục, tiếp tục hoạt động cách mạng.
Trong Cách mạng tháng Tám 1945, ông tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở Quảng Nam và giữ các chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chính trị viên Chi bộ Quảng Nam.
Điều đặc biệt thứ hai, khi Quân đội nhân dân Việt Nam đi làm nghĩa vụ quốc tế đầu tiên, ông Chu Huy Mân đã chỉ huy Trung đoàn 74 sang giúp cách mạng Trung Quốc tiêu diệt quân Tưởng Giới Thạch, mở rộng căn cứ địa Hoa Nam (năm 1948) và sát cánh cùng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn (năm 1949) giành thắng lợi, được Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đánh giá cao.
Trong thời gian 1954 - 1957 và 1960 - 1961, hai lần ông được cử làm Đoàn trưởng, Bí thư Đảng ủy Đoàn cố vấn chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào, trong lần thứ hai, ông làm Tổng cố vấn cho Chính phủ liên hiệp phái hữu do Hoàng thân Xuvănna Phuma làm Thủ tướng.
Nói về điều đặc biệt thứ ba của Tướng Chu Huy Mân, Thượng tướng Võ Tiến Trung cho biết, đó là vị tướng giỏi cả về chính trị, giỏi cả về quân sự cho nên nhiều năm ông đảm nhiệm Tư lệnh kiêm Chính ủy.
Cuối tháng 6/1967, trong lúc triển khai chuẩn bị chiến dịch Đắc Tô, cấp trên gọi ông ra Hà Nội kiểm tra sức khỏe vì sốt rét nhiều, gan có vấn đề. Từ Tây Nguyên, ông sang Nông Pênh với hộ chiếu Hồ Thạch Châu - doanh nhân, bay sang Quảng Châu, về Hà Nội. Mấy hôm sau báo cáo tình hình với Bác Hồ.
Sau khi nghe ông báo cáo, Bác Hồ hỏi: Chú ở Tây Nguyên làm cả nhiệm vụ chỉ huy và công tác chính trị phải không?
Ông thưa với Bác: Quân ủy Trung ương và Tổng cục Chính trị chưa có cán bộ thay, cháu phải làm tạm cả hai nhiệm vụ.
Bác Hồ nói với tinh thần khẳng định và động viên: Chú chịu khó gánh cả hai vai cho khỏe càng tốt.
Về đến Tây Nguyên, sau khi nghe ông nói lại câu chuyện, thư ký Trần Quế liền nói đổi bí danh của ông từ Hồ Thạch Châu sang "Hai Mạnh". Từ đó trong các điện và công văn, ông đều ký tên "Hai Mạnh".
Thăng quân hàm vượt cấp
Trong kháng chiến chống Pháp, trên cương vị Trung đoàn trưởng, Bí thư Đảng ủy các trung đoàn 72, 74, 174; Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316, tướng Chu Huy Mân đã lãnh đạo, chỉ huy đơn vị tham gia nhiều chiến dịch lớn, lập nhiều chiến công vẻ vang, góp phần làm nên những chiến thắng Việt Bắc –Thu Đông (1947), chiến dịch Biên giới (1950), chiến dịch Điện Biên Phủ (1954).
Tướng Chu Huy Mân - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị lãnh đạo chỉ huy Quân khu 3 về chủ trương, nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu bảo vệ biên cương quốc gia, năm 1978. Ảnh Tư liệu
Tháng 5/1958, tướng Chu Huy Mân nhận quyết định về làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu Tây Bắc. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao xây dựng Tây Bắc thành vùng căn cứ địa vững chắc cho cách mạng Việt Nam và cầu nối đoàn kết chiến đấu của hai dân tộc Việt - Lào.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tướng Chu Huy Mân đã cùng tập thể Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 lãnh đạo quân và dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược, chiến thuật của địch. Khu 5 là địa phương "đi đầu diệt Mỹ" với những chiến công vang dội, như Núi Thành, Vạn Tường, Plei Me - Ia Đrăng.
Khu 5 cũng là chiến trường ông đã tham gia chỉ đạo xây dựng thành công "vành đai diệt Mỹ" - một hình thức đánh giặc độc đáo, sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam; chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi các chiến dịch tiến công tổng hợp Ba Gia (1965), Sa Thầy (1966), Tết Mậu Thân (1968), Bắc Bình Định (1972), chiến dịch Huế, Đà Nẵng (1975)…
"Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với cương vị là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5, tướng Chu Huy Mân đã có những đóng góp rất to lớn trong sự nghiệp giải phóng đất nước nói chung và trên chiến trường Quân khu 5 nói riêng.
Những chủ trương ban đầu để đánh Mỹ, những chủ trương về xây dựng thế trận như 3 mũi giáp công, 2 vùng chiến lược đều có dấu ấn của Đại tướng Chu Huy Mân rất nhiều.
Đại tướng Chu Huy Mân luôn thể hiện là người rất nghiêm khắc nhưng rất giản dị, gần gũi với quần chúng", Thượng tướng Võ Tiến Trung nói.
Với những đóng góp lớn, năm 1958, ông được phong quân hàm Thiếu tướng. Đáng chú ý, năm 1974, ông được thăng quân hàm vượt cấp từ Thiếu tướng lên Thượng tướng; năm 1980 ông được thăng quân hàm Ðại tướng.
Từ năm 1977 – 1986, ông giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân uỷ Trung ương); Từ năm 1981 – 1986, ông đảm nhiệm thêm chức Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước
Tháng 12/1986, ông nghỉ công tác. Ông từ trần năm 2006, ở tuổi 93.
Đại tướng Chu Huy Mân là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa II - V;
Ủy viên Bộ Chính trị khóa IV - V; Đại biểu Quốc hội khóa II, IV, VII.
Ông được tặng thưởng:
- 01 Huân chương Sao vàng;
- 01 Huân chương Hồ Chí Minh;
- 03 Huân chương Quân công (01 hạng Nhất, 02 hạng Nhì);
- 02 Huân chương Chiến công (01 hạng Nhất, 01 hạng Nhì);
Vui lòng nhập nội dung bình luận.