35 năm sự kiện Gạc Ma, phòng thủ đảo nổi và khẳng định chủ quyền trên các đảo chìm

Thiếu tướng Hoàng Kiền Thứ ba, ngày 14/03/2023 10:49 AM (GMT+7)
Bộ Tư lệnh Hải quân đã tổ chức khảo sát phát hiện ra gần 100 bãi đá ngầm (đảo chìm). Từ năm 1976 đến 1984, lực lượng Hải quân tổ chức thả gần 100 bia chủ quyền trên các bãi đá ngầm để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trưởng Sa.
Bình luận 0

Nhân kỷ niệm 35 năm sự kiện Gạc Ma (14/3/1988 -14/3/2023), Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Công binh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam có bài viết cho Dân Việt "35 năm sự kiện Gạc Ma, phòng thủ đảo nổi và khẳng định chủ quyền trên các đảo chìm".

Sự kiện Gạc Ma và phòng thủ đảo nổi khẳng định chủ quyền trên các đảo chìm - Ảnh 1.

Đại tướng Lê Đức Anh (đeo kính) và Đô đốc Giáp Văn Cương (áo trắng ngoài cùng bên trái) tại Trường Sa. Ảnh Tư liệu

Đóng giữ đảo chìm thuyền chài

Tháng 4/1986, Tư lệnh Quân chủng Hải quân Giáp Văn Cương dẫn đầu đoàn cán bộ Hải quân, có các cơ quan Bộ Quốc phòng tham gia đi kiểm tra, chỉ đạo các mặt trên toàn bộ quần đảo Trường Sa. Đến đảo chìm Thuyền Chài, Tư lệnh cho tàu neo lại, nửa đêm giữa trăng sáng vằng vặc bỗng nổi lên mặt biển một hòn đảo dài mấy chục cây số.

Sáng hôm sau Tư lệnh giao cho tổ bảy người thả xuồng vào kiểm tra mốc chủ quyền và phát hiện nước ngoài đã thả trộm bia chủ quyền trên đảo này. Tư lệnh nói: Sẽ có tranh chấp đảo chìm xảy ra và chỉ đạo các biện pháp chuẩn bị đối phó.

Tháng 2/1987, nhà C3 đầu tiên được lắp dựng trên đảo chìm Thuyền Chài. Kết cấu cột bê tông cốt thép, tận dụng cột điện gỗ thông ở Cam Ranh của Mỹ cắt ra làm cột chống xiên, kết cấu dầm gỗ xẻ, lát ghi nhôm, lợp vòm tôn.

Sự kiện Gạc Ma và phòng thủ đảo nổi khẳng định chủ quyền trên các đảo chìm - Ảnh 2.

Tàu HQ-505, con tàu duy nhất không bị chìm do thuyền trưởng Vũ Huy Lễ quyết định cho lao lên đảo Cô Lin và trở thành pháo đài bất khuất trong trận Gạc Ma năm 1988. Ảnh Tư liệu.

Nhà C3 trên các đảo chìm Trường Sa

Ngày 3/9/1987, Quốc hội Trung Quốc thông qua quy chế đưa đảo Hải Nam thành tỉnh và sát nhập quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào Hải Nam, sau đó họ liên tục cho tàu chiến giả dạng tàu dân sự để khảo sát, trinh sát thăm dò quần đảo Trường Sa của ta nhằm âm mưu xâm chiếm các đảo chìm.

Trước tình hình đó Bộ Tư lệnh Hải quân đã nghiên cứu phương án đóng giữ các đảo chìm. Đã kéo 2 poong tông có nhà phủ bạt trên boong đưa ra Đá Đông và Đá Nam, nhưng do sóng gió lớn poong tông Đá Nam bị đứt neo trôi không chịu được đành kéo về Đá Đông. Chuyển sang phương án đưa các tàu vận tải ra canh giữ, làm các nhà cao chân C3 để chốt giữ các đảo chìm và đưa tàu đổ bộ LCU ra chốt giữ.

Ngày 14/3/1988, phân đội của Trung đoàn công binh 83 cùng phân đội của Lữ đoàn 146, tổ đo đạc của Đoàn 6 ra lắp dựng nhà C3 chốt giữ đảo chim Gạc Ma. Bị đối phương dùng vũ lực bắn chìm tàu vận tải HQ 604 ở đảo Gạc Ma và tàu vận tải HQ 605 ở đảo Len đao, bắn cháy tàu đổ bộ HQ 505 ở đảo Cô Lin, sát hại 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, chiếm đảo Gạc Ma của ta.

Sự kiện Gạc Ma và phòng thủ đảo nổi khẳng định chủ quyền trên các đảo chìm - Ảnh 3.

Xe tăng được mang ra làm nhiệm vụ tại các đảo Trường Sa, sau trận 14/3/1988. Ảnh Nguyễn Viết Thái

Trước tình hình ấy, với quyết tâm cao, biện pháp cụ thể, chúng ta tiếp tục lắp dựng bổ sung các nhà C3 trên các đảo chìm để chốt giữ khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Đến ngày 27/4/1988 ta đã lắp dựng được tổng số 18 nhà C3 trên 12 bãi đá ( đảo chìm ) và bãi cạn đảo nổi Phan Vinh.

Nhà C3 là công trình dã chiến, lắp dựng nhanh hoàn toàn thủ công, bí mật để chốt giữ các đảo chìm. Thật tự hào, lực lượng Công binh nói chung, Công binh Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng các công trình bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trong đó với sự sáng tạo, mưu trí dũng cảm trong thiết kế, gia công, vận chuyển, lắp dựng 14 nhà C3 trên các đảo chìm ngập nước giữa Trường Sa mùa sóng gió, đã góp phần quan trọng có ý nghĩa quyết định trong việc chốt giữ 12 đảo chìm ở thời điểm lịch sử đó trước mũi súng quân địch. Nhà C3 là công trình dã chiến nhưng có giá trị và ý nghĩa về mặt chiến lược đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc ở Trường Sa.

Sự kiện Gạc Ma và phòng thủ đảo nổi khẳng định chủ quyền trên các đảo chìm - Ảnh 4.

Phân hội làng chài Núi Le, một trong những điểm tựa vững chắc cho ngư dân bám biển ở Trường Sa. Ảnh: Thiện Thành- Báo Biên phòng.

Sản xuất nhà sắt C2

Các nhà dã chiến C3 do Tư lệnh Giáp Văn Cương giao cho Công binh xây dựng với yêu cầu chốt giữ đảo thật khẩn trương, tồn tại được trong 6 tháng. Tiếp theo có các công trình khác được xây dựng bổ sung.

Qua nghiên cứu thực tế, đề xuất thống nhất với Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Công binh dưới sự chỉ đạo của Thiếu tướng Vũ Trọng Hà - Tư lệnh Binh chủng, triển khai thiết kế nhà sắt C2 ngay. Nhà bằng kết cấu thép 2 tầng, tầng 1 có 16 téc chứa nước ngọt và kho, tầng 2 là nơi ở cho khoảng 1 trung đội giữ đảo, thời gian tồn tại 2 năm. Phương án được Bộ tư lệnh Hải quân hoan nghênh.

Nhà máy X49 khẩn trương sản xuất vận chuyển vào Cam Ranh bàn giao cho Hải quân 10 bộ nhà sắt C2, do Đại tá Nguyễn Quí - Giám đốc nhà máy phụ trách. Thiếu tướng Vũ Trọng Hà trực tiếp vào Cam Ranh chỉ đạo Phòng Công trình và Nhà máy 49 - Bộ Tư lệnh Công binh hướng dẫn. Phân đội của Lữ đoàn Công binh 229/ Bộ Tư lệnh Công binh lắp dựng thử trên bờ tại Cam Ranh, với trình độ kỹ thuật và tính kỷ luật rất cao.

Các tàu vận tải của Vùng 4, Lữ đoàn 125 vận chuyển, các đơn vị công binh của quân chủng Hải quân, được tăng cường thêm lực lượng của Bộ Tư lệnh Công binh triển khai xây dựng ngoài đảo, Lữ đoàn 146 tiếp nhận để tăng cường thêm lực lượng bảo vệ chủ quyền.

Quyết tâm lắp dựng nhà sắt ở Cô Lin và Len Đao

Ngày 16/6/1988, Bộ tư lệnh Hải quân họp và quyết định xây dựng nhà sắt C2 trên các đảo chìm, trọng tâm là Cô Lin và Len Đao. Trung đoàn 83 tổ chức 2 khung, mỗi khung 30 người. Thiếu tá Trần Đình Dần, Trung đoàn Phó - Tham mưu trưởng chỉ huy chung.

Quá trình chuẩn bị, thường xuyên được các ông Phạm Huấn - Phó Tư lệnh phụ trách Lục quân, ông Lê Văn Xuân - Phó Tư lệnh về chính trị đến thăm, kiểm tra, động viên. Trước khi lên đường, Tư lệnh Giáp Văn Cương đến giao nhiệm vụ cho Chỉ huy Trung đoàn, trực tiếp giao nhiệm vụ cho ông Trần Đình Dần và nói : Chuyến này các đồng chí đi là rất nguy hiểm, có thể hy sinh, nhưng nhất định phải ra xây dựng nhà chốt giữ đảo.

Việc xây dựng nhà C2 trên đảo được tiến hành từng bước rất thận trọng.Vào 1 giờ ngày 21/6/1988, con tàu HQ613 chở hai khung xây dựng rời quân cảng Cam Ranh hướng ra Trường Sa, tàu cập đảo Sinh Tồn trước rồi chuyển vật liệu lên tàu nhỏ .

Tàu LCU HQ 554 từ đảo Len Đao về đảo Sinh Tồn nhận hàng từ tàu HQ 613 chuyển sang. Tàu HQ613 từ đảo Sinh Tồn đi sang đảo Cô Lin để triển khai nhiệm vụ. Ngày 9/7/1998, nhà C2 trên đảo Len Đao hoàn thành, ngày 10/7/1988 nhà C2 trên đảo Cô Lin hoàn thành.

Hai công trình nhà sắt C2 cao 2 tầng được xây dựng trên đảo chìm Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa trước sự uy hiếp đe doạ của tàu chiến đối phương, thể hiện quyết tâm, ý chí, bản lĩnh rất cao từ Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Hải quân đến Trung đoàn Công binh 83 và cán bộ chiến sĩ trực tiếp thi công. Lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc các công trình khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nơi đây. Thật vui mừng phấn khởi và tự hào.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem