Điều gì khiến Thế giới di động của ông Nguyễn Đức Tài “lặng lẽ” đóng cửa vuiVui.com?

P.V Thứ ba, ngày 18/12/2018 06:30 AM (GMT+7)
Với việc phải đóng cửa kênh bán hàng trực tuyến vuivui.com sau chưa đầy 2 năm hoạt động, cho thấy ngay cả doanh nghiệp hàng đầu về bán lẻ như Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài cũng chưa đủ sức để tham gia sân chơi kinh doanh trực tuyến này.
Bình luận 0

img

Vuivui.com từng được ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thế giới Di động, đặt kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong vòng 4-5 năm tham gia thị trường. (Ảnh minh họa)

Vuivui.com từng được lãnh đạo Thế giới Di Động kỳ vọng sẽ tăng trưởng vượt bậc sau 4-5 năm nhưng đã phải đóng cửa sau gần 2 năm hoạt động.

Kênh bán hàng trực tuyến Vui Vui (vuivui.com) của Công ty CP Thế giới Di Động (MWG) đã chính thức đóng cửa từ cuối tháng 11.2018. Cụ thể, từ ngày 27.11, vuivui.com được chuyển thành bachhoaxanh.com. Khi khách hàng truy cập vào địa chỉ website: vuivui.com sẽ được tự động chuyển hướng sang trang bán hàng của Bách hoá Xanh (bachhoaxanh.com), một thành viên của Thế giới Di Động, chuyên  bán lẻ thực phẩm, nhu yếu phẩm hàng ngày.

img

Từ ngày 27.11, vuivui.com được chuyển thành bachhoaxanh.com.

Là nền tảng thương mại điện tử được Thế giới Di Động phát triển từ năm 2016 và chính thức bán hàng từ năm 2017, Vuivui.com từng được ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động, đặt kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong vòng 4-5 năm tham gia thị trường. Cùng với đó là mục tiêu đến năm 2020, Thế giới Di động của ông Nguyễn Đức Tài sẽ trở thành tập đoàn bán lẻ đa ngành hàng hùng mạnh nhất, có vị thế số 1 trong lĩnh vực thương mại điện tử, mở rộng kinh doanh thành công ở Lào, Campuchia, Myanmar.

Theo kế hoạch 2018 củaThế giới Di Động, doanh nghiệp này kỳ vọng sẽ mở rộng các ngành hàng kinh doanh trên trang Vuivui.com. Đồng thời, đưa dịch vụ khách hàng của Vuivui.com lên vị trí số 1 trong lĩnh vực thương mại điện tử. Theo lãnh đạo Thế giới Di động, mua sắm online là hướng đi tương lai của giới trẻ, cơ hội tăng trưởng mảng online rất lớn với mô hình đa kênh dành cho nhà bán lẻ có chuỗi cửa hàng rộng khắp.

Song thực tế, kênh bán hàng trực tuyến vuivui.com chính thức bán hàng từ đầu năm 2017, phục vụ cho khách hàng khu vực TP.HCM với doanh thu trong năm chỉ đạt 73 tỷ đồng. Con số này tương đương với hơn 0,1% tổng doanh thu của Thế giới Di Động năm 2017. Và trang thương mại điện tử vuivui.com của Thế giới Di Động đã đóng cửa khi mới đi chưa được nửa chặng đường đề ra theo kế hoạch ban đầu.

img

Kênh bán hàng trực tuyến vuivui.com chính thức bán hàng từ đầu năm 2017, phục vụ cho khách hàng khu vực TP.HCM với doanh thu trong năm chỉ đạt 73 tỷ đồng.

Liên quan đến việc Vuivui.com chuyển qua tên miền Bachhoaxanh.com, theo Công ty CP Thế Giới Di Động (MWG), nguyên nhân xuất phát từ việc Thế Giới Di Động quyết định tập trung vào thị trường online hàng tiêu dùng vì qui mô thị trường hàng tiêu dùng rất lớn, khoảng trên 50 tỉ USD và nhu cầu mua online cho các sản phẩm này là rất lớn. Khi quyết định chỉ tập trung chiếm lĩnh mảng online FMCG (Fast Moving Consumer Goods – nhóm hàng tiêu dùng nhanh), việc lựa chọn tên website Bachhoaxanh.com là phù hợp hơn so với tên Vuivui.com.

Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài cũng cho biết, toàn bộ nền tảng website, hậu cần và giao nhận của Vuivui.com đã được chuyển sang cho Bachhoaxanh.com, đồng thời các nâng cấp đã và đang được thực hiện để hiện thực hóa tham vọng thống lĩnh mảng online mặt hàng FMCG.

Như vậy, Thế Giới Di Động của ông  Nguyễn Đức Tài sẽ nhắm đến việc thống lĩnh online 3 nhóm sản phẩm lớn nhất là điện thoại di động, điện máy và FMCG với 3 website Thegioididong.com, dienmayxanh.com và Bachhoaxanh.com.

Với việc phải đóng cửa sau chưa đầy 2 năm hoạt động, có thể thấy ngay cả doanh nghiệp hàng đầu về bán lẻ như Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài cũng chưa đủ sức để tham gia sân chơi kinh doanh trực tuyến này.

Trước VuiVui, hàng loạt trang thương mại điện tử đã lần lượt nói lời chia tay với thị trường, điển hình như Beyeu, Lingo, Deca... Còn đối với những đại gia đang cố gắng bám trụ, Lazada mỗi năm lỗ nghìn tỷ, Shopee lỗ hơn 600 tỷ năm 2017, Tiki lỗ gần 300 tỷ, Sendo lỗ hơn 100 tỷ...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem