Điều gì tạo “sức hút” cho bất động sản thương mại Việt Nam?
Điều gì tạo “sức hút” cho bất động sản thương mại Việt Nam trong khu vực?
Thái Nguyễn
Chủ nhật, ngày 24/09/2023 13:02 PM (GMT+7)
Hai thị trường bất động sản thương mại lớn tại Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM vẫn duy trì được sức hút của mình đối với các nhà đầu tư. Trong đó, chi phí thuê văn phòng và mặt bằng bán lẻ cao cấp ở mức thấp giúp Việt Nam cạnh tranh với quốc gia khác trong khu vực.
Thị trường TP.HCM và Hà Nội vẫn được đánh giá là hai thị trường bất động sản thương mại tiềm năng tại Châu Á với tỷ lệ lấp đầy văn phòng luôn ở mức trên cao. Cụ thể, báo cáo Chỉ số giá Bất động sản (SPPI) của Savills Việt Nam cho thấy trong quý II/2023, tại Hà Nội, tỷ lệ lấp đầy của các văn phòng hạng A đạt 82%, hạng B đạt 85% và Hạng C đạt 92%. Tại TP.HCM, tỷ lệ lấp đầy trung bình toàn thị trường đồng thời giữ tại mức 92%.
Theo nghiên cứu của Savills trong nửa đầu năm 2023, TP.HCM và Hà Nội lần lượt đứng thứ 12 và 17 trong số 21 thành phố được nghiên cứu về chi phí khách thuê. Điều này cho thấy giá thuê văn phòng tại hai thành phố này vẫn ở mức cạnh tranh. Thậm chí, giá thuê trung bình đối với mặt bằng hạng A tại Hà Nội trong quý đạt 41,6 USD/m2/tháng, thấp hơn một nửa so với các thị trường khác như Seoul (97,6 USD/m2/tháng), Singapore (100,1 USD/m2/tháng) và Bắc Kinh (101,7 USD/m2/tháng).
Nhu cầu văn phòng được ghi nhận liên tục, phản ánh bởi hoạt động kinh doanh năng động của các doanh nghiệp đi kèm sự phát triển bùng nổ của các lĩnh vực mới tại cả hai thành phố. Tỷ lệ lấp đầy cao cùng chi phí thuê ở mức cạnh tranh đã làm nổi bật sức hấp dẫn của thị trường văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM đối với các doanh nghiệp đã và đang tìm kiếm cơ hội gia nhập thị trường Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Theo báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam về Chỉ số Môi trường Kinh doanh trong quý II/2023, chỉ số PCI của Việt Nam giảm 4.5% theo quý xuống 43.5 do sụt giảm niềm tin đối với bối cảnh thách thức của thị trường hiện nay.
Triển vọng trong quý III/2023, chỉ số Môi trường kinh doanh sẽ không có cải thiện lớn. Tuy nhiên Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khảo sát được thực hiện Hiệp hội Doanh Nghiệp Châu Âu công bố cho thấy, bất chấp những thách thức về kinh tế, Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng có thể gia nhập thị trường trong thời gian tới. Điều này củng cố vị trí một trong 5 điểm đến đầu tư hàng đầu của 1/3 doanh nghiệp trong khảo sát, cho thấy sức hấp dẫn lâu dài của đất nước.
Tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, mặt bằng bán lẻ hạng sang đồng thời cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2023 nhờ sự quay trở lại của làn sóng du lịch và các nhà bán lẻ đồng thời tìm kiếm các mặt bằng kinh doanh khác. Trong những tháng cuối năm 2023, bán lẻ cao cấp được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi tại hầu hết các thị trường Châu Á – Thái Bình Dương.
Tại Hà Nội và TP.HCM, giá thuê bán lẻ cao cấp được ghi nhận ở mức cạnh tranh so với các thị trường khác bất động sản thương mại tại Châu Á – Thái Bình Dương. Giá thuê trung bình mặt bằng bán lẻ cao cấp tại Hà Nội đạt mức 75 USD/m2/tháng và tại TP.HCM là 152,8 USD/m2/tháng, thấp hơn các thị trường khác như Seoul (152,8 USD/m2/tháng), Singapore (365 USD/m2/tháng) và thị trường đứng đầu là Hong Kong (787,8 USD/m2/tháng).
Nhận định về thị trường bán lẻ tại Việt Nam, ông Matthew Powell, Giám đốc, Savills Hà Nội chia sẻ, Việt Nam luôn là điểm đến rất hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ. Không chỉ đối với các nhãn hàng cao cấp, các lĩnh vực bán lẻ về thời trang, hoặc các hoạt động giải trí, ăn uống vẫn ghi nhận nhu cầu lớn nhờ đặc điểm nhân khẩu học tại Việt Nam. Tầng lớp trung lưu và dân số trẻ đang thúc đẩy nhu cầu về các chủng loại sản phẩm mới hoặc thương hiệu mới gia nhập thị trường.
"Tại những thị trường khác như Vương quốc Anh, Châu Âu và Hoa Kỳ, mô hình trung tâm mua sắm đã dần chuyển mình theo hướng là điểm đến trải nghiệm thay vì mục đích mua sắm đơn thuần. Việt Nam có cơ hội tuyệt vời để nhanh chóng học hỏi từ những kinh nghiệm đó và phát triển các mô hình bán lẻ linh hoạt. Ở một khía cạnh nào đó, đại dịch là một tác nhân lớn, xúc tiến sự thay đổi của bức tranh bán lẻ toàn cầu", ông Matthew Powell nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.