Điều hành thị trường thịt lợn: Lúng túng và bị động

Đình Thắng Thứ sáu, ngày 10/08/2018 19:00 PM (GMT+7)
Lúng túng và bị động là đánh giá của ông Đoàn Xuân Trúc -  Phó Chủ tịch thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam về công tác điều hành giá lợn của các cơ quan liên quan, dẫn đến để giá lợn hơi tăng nóng, vượt tầm kiểm soát trong thời gian qua.
Bình luận 0

Ông Đoàn Xuân Trúc cho biết, chăn nuôi lợn 6 tháng đầu năm 2018 đã trải qua nhiều biến động. Thời điểm cuối quý I/2018, giá thịt lợn hơi tại các trang trại vẫn ở mức thấp, thị trường ảm đạm. Tuy nhiên từ tháng 4.2018 giá thịt lợn bất ngờ tăng cao và đến thời điểm hiện tại, giá thịt lợn hơi cả nước đang dao động trên 50.000 đồng/kg, cá biệt có nơi đạt 57.000 đồng/kg.

img

Ông Đoàn Xuân Trúc - Phó Chủ tịch thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam. Ảnh: I.T

Giá bán tuy đang ở mức cao nhưng không phải người nuôi lợn nào cũng được hưởng lợi bởi nhiều người đã phải bỏ cuộc, treo chuồng vì thua lỗ kéo dài. Hiện nay một trong những khó khăn nhất của việc điều hành giá cả đối với ngành chăn nuôi lợn đó là các cơ quan liên quan không nắm được nguồn cung, số liệu thống kê chưa chính xác, đầy đủ...

Thưa ông, vai trò của các bộ ngành liên quan đã thể hiện như thế nào đối với ngành chăn nuôi lợn trong thời gian qua? 

- Thực tế vấn đề tiêu thụ là của Bộ Công Thương, còn Bộ NNPTNT có vai trò chỉ đạo sản xuất, không có thế mạnh làm công việc tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay cả hai bộ này đang phối hợp điều hành giá, đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng thịt lợn.

Tuy nhiên muốn điều hành giá cả xuyên suốt thì phải có sự thống nhất cao trong chỉ đạo, tốt nhất việc điều hành giá cả nên đưa về một mối, giao cho một bộ điều hành chỉ đạo. Vấn đề này cần phải thông suốt thì mới có thể điều hành giá cả được.

Chúng ta đang sống trong thời kỳ hội nhập, vì vậy phải điều hành trong bối cảnh hội nhập, không thể điều hành một cách bó hẹp trong khuôn khổ đất nước mình được. Nếu nhận thấy trong nước nguồn cung có khả năng thiếu hụt, các bộ ngành cần đẩy mạnh nhập khẩu để cân đối cung cầu, duy trì mức giá phù hợp. Ngược lại, nếu lúc nào chúng ta thấy nguồn cung trong nước đủ với cầu, lúc đó sẽ thắt chặt việc nhập khẩu để tránh xảy ra tình trạng giá rớt thê thảm.

Có thể nhận thấy rằng để đưa thịt lợn từ khủng hoảng giá đến nay đạt giá cao như vậy, cá nhân tôi đánh giá cao vai trò của Bộ NNPTNT. Bộ này đã chỉ đạo quyết liệt tới các địa phương nhằm giảm số đầu nái xuống, loại bỏ giống kém, thay thế bằng giống chất lượng để tăng hiệu suất sinh sản lên, và đến thời điểm này hiệu quả cũng khá rõ nét.

Tuy nhiên việc thống kê nguồn cung đang gặp khó khăn và chưa giải quyết triệt để được. Chúng ta vẫn chưa đưa ra được con số chính xác về nguồn cung nên không lường hết được việc thiếu hụt nguồn cung trong thời gian gần đây, khiến giá cả tăng mạnh tới mức đạt kỷ lục trong nhiều năm qua.

img

Diễn biến giá cả thịt lợn trong thời gian qua cho thấy công tác điều hành còn rất lúng túng và bị động.  Ảnh: T.L

"Chúng ta cần áp dụng công nghệ thông tin vào chăn nuôi lợn, gọi là “chăn nuôi lợn 4.0”, bất cứ ai chăn nuôi cũng phải đăng ký, và phải dùng phần mềm để quản lý, như thế chúng ta sẽ nắm được rất sát tình hình”.

Ông Đoàn Xuân Trúc

Quan điểm của ông, công tác điều hành giá cả, bình ổn thị trường thịt lợn thời quan qua đã hiệu quả hay chưa?

- Thực tế diễn biến giá cả thịt lợn trong thời gian qua cho thấy công tác điều hành còn rất lúng túng và bị động, trong đó thiếu cơ chế phối hợp giữa các ngành ở địa phương. Bên cạnh đó cần thay đổi phương pháp thống kê để thống kê chính xác hơn và nhanh hơn.

Đẩy mạnh xuất khẩu thịt lợn là một trong những nỗ lực lớn của Bộ NNPTNT trong thời gian qua, theo ông trong bối cảnh hiện tại, xuất khẩu có phải là giải pháp hiệu quả nằm bình ổn ngành chăn nuôi lợn?

- Tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu là giải pháp lớn, tuy nhiên đây là giải pháp định hướng lâu dài, trong vòng 5 năm tới xuất khẩu vẫn chưa thể mang lại những hiệu ứng rõ nét, chưa có tác động mạnh đến cung cầu, bình ổn ngành chăn nuôi. Bởi vì thịt lợn của chúng ta chưa có lợi thế cạnh tranh để xuất khẩu, giá thịt lợn hiện còn cao, khâu an toàn dịch bệnh chưa đảm bảo nên sẽ khó xuất khẩu. Nếu hai vấn đề này được giải quyết tốt thì chúng ta mới đẩy mạnh được xuất khẩu.

Vậy để điều hành tốt giá lợn, tránh tình trạng lúc giá tăng chóng mặt, lúc giá rớt thê thảm, ông sẽ đề xuất giải pháp gì?

- Sản xuất thịt lợn là vấn đề rất lớn của ngành chăn nuôi, bởi người dân có thói quen ưa dùng. Thịt lợn được tiêu thụ rất mạnh so với các ngành hàng khác như trâu, bò hay các vật nuôi khác. Chính vì vậy vấn đề điều hành giá cả, bình ổn ngành hàng này rất quan trọng.

Một trong những giải pháp để bình ổn ngành hàng này là cần có kho dự trữ. Nhà nước cần đầu tư các kho lạnh dự trữ thịt lợn, để lúc nào nguồn cung nhiều thì chúng ta sẽ giết mổ và tích trữ, khi nào thấy nguồn cung thiếu hụt thì tung ra bán trên thị trường, có như thế mới cân bằng được cung cầu và bình ổn được giá cả ngành hàng.

Vấn đề đầu tư kho dự trữ thịt lợn đã được nhiều nước làm. Ngay cả nước Mỹ rộng lớn họ vẫn có rất nhiều kho dự trữ thịt lợn. Hay như Trung Quốc, họ nhập 2 triệu tấn thịt lợn đâu có nghĩa là lúc đó họ thiếu, họ nhập để dự trữ nhằm tránh tình trạng nguồn cung thiếu hụt, gây bất ổn thị trường.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem