Điệu múa đạp lửa của người Chăm ở Ninh Thuận tại lễ hội cúng đầu năm mới

Thanh Sơn-Quang Đăng Chủ nhật, ngày 23/04/2023 05:23 AM (GMT+7)
Trong 2 ngày 20 và 21/4, đồng bào Chăm ở Ninh Thuận đã tưng bừng tổ chức lễ hội Rija Nagar cúng đầu năm mới. Đây là một trong những lễ hội mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng Chăm và cũng là nghi lễ cúng đầu năm mới (Chăm lịch) mở đầu cho nhiều lễ hội khác trong năm của người Chăm ở Ninh Thuận.
Bình luận 0

Lễ hội đậm nét văn hóa dân tộc Chăm

Ghi nhận của PV Dân Việt tại làng Chăm Mỹ nghiệp, ngay từ sáng sớm đã có hàng trăm người dân địa phương đổ về đền Po Riyak ở làng Chăm Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) để cúng đầu năm mới là lễ hội Rija Nagar và tham gia các chương trình văn hóa văn nghệ.

Người Chăm Ninh Thuận tưng bừng khai hội Rija Nagar, lễ hội đầu năm của cộng đồng Chăm - Ảnh 1.

Hàng trăm người dân ở làng Chăm Mỹ Nghiệp về tham dự lễ hội Rija Nagar sáng 20/4. (Ảnh: Thanh Sơn)

Năm nay, lễ Rija Nagar được người Chăm ở làng Mỹ Nghiệp tổ chức trong niềm vui, phấn khởi khi công trình mở rộng đền thờ Po Riyak được hoàn thành khang trang.

Ông Dương Tấn Ngọc - Trưởng ban tổ chức lễ Rija Nagar cho biết, lễ Rija Nagar thường diễn ra trong 2 ngày (thứ 5 và thứ 6) tuần đầu tiên của tháng giêng Chăm lịch. 

"Ngày đầu của lễ Rija Nagar gọi là ngày vào và ngày thứ 2 của lễ hội gọi là ngày ra…", ông Ngọc giải thích.

Theo đó, ngày vào là ngày cúng cho thần Yang mới, ngày ra là ngày cúng cho thần Yang cũ. Người Chăm có câu "tamâ manuk tabiak pabaiy", với nghĩa là "ngày vào cúng gà - ngày ra cúng dê" hay "ngày vào cúng thần mới - ngày ra cúng thần cũ".

Lễ hội Rija Nagar có 3 phần chính gồm: Rija palei (cả làng chung tay đóng góp tổ chức); tiếp theo là "Ba ahar lumah (đồ dâng cúng do từng gia đình); cuối cùng là, ew tanah (cúng đất) và ew/ ngap akaok (tẩy uế cho mọi người trong gia đình).

Người Chăm Ninh Thuận tưng bừng khai hội Rija Nagar, lễ hội đầu năm của cộng đồng Chăm - Ảnh 3.

Các tiết mục văn hóa văn nghệ được trình diễn tại lễ hội mang đậm văn hóa Chăm. (Ảnh: Thanh Sơn)

Lễ vật dâng cúng trong lễ Rija Nagar của người Chăm ở Ninh Thuận thường bao gồm: Trầu, rượu, trứng cùng các món khác như xôi, chuối, gà. Các gia đình chủ yếu là phụ nữ trong làng, đội trên đầu mâm bánh trái đến bày lễ trước sân đền Po Riyak ở làng Mỹ Nghiệp.

Người Chăm Ninh Thuận tưng bừng khai hội Rija Nagar, lễ hội đầu năm của cộng đồng Chăm - Ảnh 4.

Mọi người dâng cúng các lễ vật và cầu mong vạn điều may mắn. (Ảnh: Thanh Sơn)

Thời điểm chính diễn ra lễ hội, tiếng trống Ginăng và tiếng kèn Saranai vang lên rộn ràng. Các chức sắc Maduen (thầy vỗ) chủ lễ, ôm trống Paranưng vừa điều khiển cuộc lễ, vừa hát ca ngợi công đức của các vị thần đã phù hộ và ban phước lành cho dân làng.

Theo các vị chức sắc lớn tuổi ở làng Chăm Mỹ Nghiệp, trung tâm của lễ Rija Nagar chính là ông Ka-ing – người duy nhất mặc áo đỏ truyền thống trong buổi lễ. Ông Ka-ing là người đại diện cộng đồng để kết nối với thần linh thông qua những lời khấn vái bằng ngữ điệu hình thể và điệu múa đạp lửa linh thiêng.

Điệu múa nhảy đạp lửa tại lễ hội Rija Nagar cúng đầu năm mới của đồng bào dân tộc Chăm, Ninh Thuận. (T/h: Thanh Sơn-Quang Đăng)

Dùng chân đạp lửa 

Theo quan niệm của người Chăm, đây là lễ hội đầu năm mới, bà con tẩy uế những gì không may mắn của năm cũ và cầu mong bước sang năm mới mọi người, mọi nhà được bình an, cầu cho mưa thuận gió hòa, ruộng đồng tươi tốt.

Tưng bừng khai hội Rija Nagar, lễ cúng đầu năm mới của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận - Ảnh 6.

Điệu múa đạp lửa linh thiêng được ông Ka-ing mặc áo đỏ thực hiện trong lễ hội. (Ảnh: Thanh Sơn)

Một trong những phần lễ quan trọng và được người Chăm chờ đợi chính là múa đạp lửa. Để thực hiện nghi thức này, ông Ka-ing tay cầm roi hoặc kiếm vừa múa đạp lên đống lửa đang bùng cháy như những chiến binh chiến đấu, vừa bảo vệ xóm làng thân thương.

"Theo tín ngưỡng của người Chăm, việc đạp lên đống lửa nhằm thể hiện sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để đi đến chiến thắng. Khi lửa được dập tắt thì mưa sẽ tới để tưới mát cho vạn vật, mưa thuận gió hòa để cuộc sống được ấm no và hạnh phúc…", ông Dương Tấn Ngọc- Trưởng ban tổ chức cho hay.

Ngoài ra, lửa trong văn hoá Chăm còn được hiểu chính là để thiêu cháy mọi thứ ô uế, dơ bẩn của năm cũ và đón nhận những tốt đẹp nhất nhân dịp năm mới.

Người Chăm Ninh Thuận tưng bừng khai hội Rija Nagar, lễ hội đầu năm của cộng đồng Chăm - Ảnh 7.

Mọi người dân làng Chăm Mỹ Nghiệp dâng cúng lễ vật với ước muốn mưa thuận gió hòa, ruồng vườn tốt tươi. (Ảnh: Thanh Sơn)

Lễ hội Rija Nagar kết thúc khi ông Ka-ing thay mặt vị thần nhận bánh trái của cộng đồng dâng lên, rồi ban phát ngược lại cho mọi người. Sau đó là nghi thức "tống ôn" (tống khứ tà ma, bệnh tật, xiu rủi, hoạn nạn) bằng cách thả một chiếc thuyền làm bằng thân chuối, bên trong đặt những hình nhân bằng bột gạo, trầu, cau,... thả xuống dòng nước trôi ra biển.

Riêng lễ hội Rija Nagar là sự hoà hợp tất cả cộng đồng người Chăm, bất kể theo tôn giáo nào đều thực hiện lễ hội Rija Nagar.

Theo các nhà nghiên cứu thì Rija Nagar là nét đặc trưng riêng, vô cùng đặc sắc trong văn hoá Chăm, khi có sự hoà hợp giữa tín ngưỡng bản địa và sự tiếp biến văn hoá mới khi các nhóm chức sắc Chăm như: Ông kadhar (đại diện Ahier); Maduen, Acar (Awal), ong Ka-ing (thuộc tín ngưỡng bản địa) đều thực hiện nghi lễ Rija Nagar trong cùng một mốc thời gian.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem