Điều tra đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô có xuất xứ Trung Quốc, Hàn Quốc sau yêu cầu của 6 công ty

Huỳnh Xây Thứ bảy, ngày 11/07/2020 12:58 PM (GMT+7)
Bộ Công thương vừa ra quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Bình luận 0

Quyết định này được thực hiện theo yêu cầu của Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La, Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ, Công ty TNHH MK Sugar Việt Nam và Công ty Cổ phần Mía đường La Ngà.

Điều tra đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc  - Ảnh 1.

Bộ Công thương vừa ra quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc (Ảnh minh hoạ)

Bên yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá cho rằng "có bằng chứng rõ ràng về việc hàng hóa nhập khẩu bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước". Đồng thời, đề xuất áp thuế chống bán phá giá đối với Trung Quốc ở mức 36,09%, Hàn Quốc 40,02%.

Theo quyết định của Bộ Công thương, các nội dung điều tra sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 80 Luật Quản lý ngoại thương và Điều 32 Nghị định 102018/NĐ-CP.

Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra có thể thực hiện chế độ yêu cầu khai báo nhập khẩu đối với hàng hóa bị điều tra áp dụng biện pháp CBPG. Việc khai báo nhập khẩu không hạn chế về số lượng, khối lượng hoặc trị giá hàng hóa nhập khẩu.

Trình tự thủ tục thực hiện quản lý nhập khẩu đối với hàng hóa bị điều tra được thực hiện theo quy định hiện hành. Bộ Công Thương sẽ có thông báo chi tiết trong trường hợp áp dụng biện pháp này.

Căn cứ kết luận điều tra sơ bộ, cơ quan điều tra có thể kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định việc áp dụng thuế CBPG tạm thời theo quy định tại Khoản 1 Điều 81 Luật Quản lý ngoại thương và Điều 37 Nghị định 10/2018/NĐ-CP. Mức thuế CBPG tạm thời không được vượt quá biên độ bán phá giá trong kết luận điều tra sơ bộ.

Các bên liên quan có quyền yêu cầu tham vấn riêng với cơ quan điều tra theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 10/2018/NĐ-CP với điều kiện việc tham vấn này không ảnh hưởng tới thời hạn điều tra vụ việc.

Trước khi kết thúc điều tra, cơ quan điều tra tổ chức phiên tham vấn công khai với các bên liên quan.

Trong trường hợp kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra xác định có thiệt hại đáng kể hoặc có đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể quyết định áp dụng thuế CBPG có hiệu lực trở về trước.

"Thuế CBPG được áp dụng có hiệu lực trở về trước đối với hàng hóa nhập khẩu trong thời hạn 90 ngày trước khi áp dụng thuế CBPG tạm thời nếu hàng hóa nhập khẩu được xác định bị bán phá giá; khối lượng hoặc số lượng hàng hóa bị bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam tăng nhanh đột biến trong giai đoạn từ khi tiến hành điều tra đến khi áp dụng thuế CBPG tạm thời và gây ra thiệt hại khó có khả năng khắc phục cho ngành sản xuất trong nước" - Quyết định của Bộ Công thương nêu rõ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem