Có thể nói, từ khi lên nắm quyền vào đầu năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện nhiều chính sách nhằm giảm nhập siêu, bảo hộ hàng trong nước, áp thuế chống bán phá giá cao với hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Các hiệp định về hợp tác đa phương – song phương cũng được Hoa Kỳ thông qua một cách dè dặt, nhằm đặt lợi ích của người dân nước này lên trên hết.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng chính sách của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khá “khó chịu” và khó đoán. Xu hướng vẫn là “siết” hàng hóa nhập khẩu, ưu tiên chính sách “nước Mỹ trước tiên”, trong đó tập trung cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, hạn chế tối đa nhập khẩu, tăng cường xuất khẩu... Và như vậy, sẽ có một số chính sách mới kèm theo cho công cuộc cải cách thuế, gây bất lợi cho các quốc gia xuất khẩu hàng sang Hoa Kỳ.
Điều này thể hiện rõ ràng đối với sản phẩm thủy hải sản Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ trong hơn một năm qua. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản vào thị trường này đã có một năm vất vả, với nhiều thay đổi trong chính sách của Mỹ.
Cá tra Việt Nam phải chịu mức thuế chống bán phá giá cao tại thị trường Mỹ.
Trước hết, hồi đầu tháng 8.2017, Cơ quan Thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đưa vào áp dụng chính thức Chương trình giám sát cá da trơn thay vì chờ đến ngày 1.9 như thông báo trước đó của cơ quan này.
Việc áp dụng sớm chương trình này khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn về vấn đề kho bãi, vận chuyển, chi phí kiểm dịch… Thời điểm đó, việc phía Mỹ kiểm tra 100% các lô hàng cá da trơn nhập khẩu đã đẩy chi phí tăng thêm khoảng 10%.
Đến đầu tháng 3.2018, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo kết quả sơ bộ vụ kiện chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) (từ 1.2.2016 – 31.1.2017).
Mức thuế được áp dụng cho bị đơn bắt buộc duy nhất trong đợt kiểm tra hành chính lần này là Công ty Fimex cũng như tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào Mỹ khác đều ở mức 25,39%. Đây là mức thuế cao nhất trong các kỳ xem xét hành chính vụ kiện chống bán phá giá tôm Việt Nam phải chịu ở Mỹ.
Ngay lập tức, Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã phản ứng trước kết quả này, cho rằng phía Mỹ có sai sót trong việc áp dụng hệ số chuyển đổi từ tôm nguyên con sang tôm bóc vỏ bỏ đầu cho tôm của Việt Nam.
Trong kết luận sơ bộ POR 12 vừa qua, tôm Việt Nam bị áp mức thuế cao đến 2 con số, một việc chưa từng xảy ra trong quá khứ. Ảnh: Thuận Hải.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, sau khi phản ánh sai sót này lên DOC, dự kiến trong tháng 7 hoặc tháng 9, phía Mỹ sẽ công bố kết quả cuối cùng. Trong tháng 7 tới, phía Mỹ cũng sẽ sang VN để kiểm tra các dữ liệu do phía VN cung cấp.
Trong thời gian này, mức thuế cao trong kết luận sơ bộ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người mua khiến việc xuất khẩu vào thị trường này có thể giảm sút.
Theo đánh giá, thị trường Mỹ nếu không bị áp thuế chống bán phá giá thì sẽ được xem là rất tốt đối với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, do có nhu cầu lớn, giá cả ổn định. Tuy nhiên, với mức thuế cao như vừa qua, hiện chỉ khoảng còn 30 – 40 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm sang Mỹ.
Ông Hòe cho rằng, hơn 10 năm qua, Mỹ liên tục áp thuế chống bán phá giá lên thủy hải sản Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này. Đây được xem là hình thức rào cản mang tính chất bảo hộ của Hoa Kỳ với sản xuất trong nước.
Còn với cá tra, cuối tuần qua, DOC cũng đã khiến doanh nghiệp Việt Nam vô cùng bất ngờ khi mức thuế chống bán phá giá trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) với mức thuế cao nhất từ trước đến nay.
Theo đó, hai doanh nghiệp bị đơn bắt buộc gồm Cadovimex II Seafoods và Hoang Long Seafoods phải chịu mức thuế lên tới 7,74 USD/kg. Còn có 9 doanh nghiệp Việt Nam nằm trong nhóm được hưởng mức thuế riêng biệt phải chịu thuế CBPG vào Mỹ với mức dao động từ 3,87 USD/kg.
“Đó không thể xem là mức thuế cao, phải nói là mức thuế cao khủng khiếp. Doanh nghiệp không thể xuất khẩu vào Mỹ với mức thuế này nữa!”, ông Nguyễn Văn Đạo – Tổng giám đốc Công ty CP Gò Đàng thốt lên khi được hỏi về mức thuế mà các doanh nghiệp phải chịu trong kết quả chính thức POR13 vừa qua.
Hầu hết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra đều đã bỏ thị trường Mỹ vì thuế cao.
Ông Đạo cho biết, vì bị áp thuế cao, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã chuyển hướng sang các thị trường khác. Một số doanh nghiệp chỉ thử xuất khẩu vào lô hàng vào Mỹ để thăm dò thị trường, thăm dò mức thuế nhưng với kết quả này, gần như các doanh nghiệp đều bỏ ý định phát triển kinh doanh ở thị trường này.
Dẫu vậy, hiện tại, xuất khẩu cá tra Việt Nam đang khá tốt, doanh nghiệp “xuất khẩu không kịp”, theo như lời ông Đạo nói, giá cá nguyên liệu tại các vùng nuôi ở ĐBSCL cũng tăng cao đáng kể, lên mức 29.000 – 32.000 đồng/kg, cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Còn theo Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ trong tháng đầu năm đạt 26 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.