Điều tra ở nông thôn: Kỳ lạ ghét người giàu, không ưa cán bộ

Thứ năm, ngày 08/06/2017 19:00 PM (GMT+7)
Người giàu thường có tiềm lực, có tư duy, có phương pháp tổ chức sản xuất tốt, cách làm của họ người nghèo khó mà học được, học được cũng khó có điều kiện làm theo nên nảy sinh đố kị, ghen ghét”.
Bình luận 0

Đề tài: “Nghiên cứu một số biến đổi cấu trúc xã hội ở nông thôn tỉnh Hải Dương hiện nay trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM” do Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Hải Dương thực hiện trên diện rộng 1.200 dân nông thôn và 100 cán bộ khảo sát về dân số, lao động, việc làm, mức sống, giáo dục đào tạo, văn hóa, truyền thông giải trí… Trong đó tôi thấy nổi bật lên mấy vấn đề thú vị là đa số ghét người giàu, không ưa cán bộ, người có trình độ học vấn cao, không thích đọc sách và không dám tái đầu tư sản xuất.  

Cán bộ nói về cán bộ

Được yêu mến, tôn trọng nhiều nhất ở nông thôn hiện nay là những người cao tuổi (84,2%) và người có công với cách mạng (83,7%). Nhóm ít được yêu mến, tôn trọng nhất là những người giàu (18,2% thích), chủ trang trại (16%), chủ doanh nghiệp (22,7%), người có trình độ (45,4%), cán bộ (54,3%)...

img

Với người nông dân, ai giúp được gì cho mình thì rất quý

Một chuyên gia về nông thôn, ông Nguyễn Văn Tịnh, nguyên Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Hải Dương lý giải: “Người giàu thường có tiềm lực, có tư duy, có phương pháp tổ chức sản xuất tốt, cách làm của họ người nghèo khó mà học được, học được cũng khó có điều kiện làm theo nên nảy sinh đố kị, ghen ghét”.

Còn chuyện người dân không thích cán bộ bởi lúc còn là dân thì gần gũi, thân tình nhưng khi làm cán bộ thì lại xa cách. Thêm vào đó, một số cán bộ xấu, tham ô, tham nhũng. Trước nhà cấp bốn giờ sao nhà to thế, trước vợ lam lũ giờ sao vàng bạc đeo đầy người thế, trước con cái nheo nhóc giờ sao xe xịn, điện thoại sang thế?

Cũng theo ông Tịnh: “Trước cán bộ sống như dân hoặc chỉ hơn dân mỗi cái dép lê. Trước sản xuất theo tập thể cán bộ dễ đi thực tế giờ sản xuất cá thể, nhà ai nấy lo. Hơn nữa giờ cán bộ giờ còn có đội ngũ giúp việc, có phương tiện, thông tin được cập nhật nhanh hơn, không cần cứ nhất nhất phải lăn ra ngoài đồng. Trước sân kho, chỗ đập lúa hay cánh đồng là nơi cán bộ có thể gặp được nhiều người dân nhưng giờ họ thường chỉ gặp ở hội trường. Các đợt tiếp xúc cử tri, người ta thường mời vài chục, hay cùng lắm là trăm người đến hội trường là cùng”.

Được mời thường là người có tài ăn nói nên được mời đi, mời lại trong các hội nghị, tưởng như đã là đại diện tốt cho người nông dân nhưng họ chỉ là vài chục, là 100/10.000 dân của xã được tiếp xúc thường xuyên với cán bộ. Còn lại 9.900 người ít được tiếp xúc nên mới có cảm giác là cán bộ xa dân nên mới có chuyện lắm người không biết chủ tịch xã mình là ai.

Còn ông Nguyễn Trung Tựu - cựu Chủ tịch xã Nam Tân (huyện Nam Sách, Hải Dương) thì lý giải: “Nông dân không thích người giàu bởi tâm lý “Trâu buộc thì ghét trâu ăn. Quan võ thì ghét quan văn dài quần”. Nhưng thực tế người giàu quan trọng lắm chứ! Nếu ốm đau bất ngờ vì bệnh hiểm mà đi khắp xóm không vay được tiền thì dễ bị chết lắm! Bởi thế mà cần phải có người giàu ở kề bên.

img

Ông Nguyễn Trung Tựu: “Cán bộ mà để người dân ghét thì phải xem lại chính mình”

Người giàu là người truyền cảm hứng vươn lên trong cuộc sống chứ không chỉ giúp mỗi khoản làm ăn kinh tế. Làm giàu bằng sức lao động, trí óc của mình thì được khen ngợi, giàu bằng chính trị thì dân coi thường”.

Ông Tựu thú thực tuy giữ kỷ lục làm lãnh đạo cơ sở lâu nhất nhì tỉnh Hải Dương, gần 30 năm luân phiên giữa hai chức danh Chủ tịch và Bí thư xã nhưng bản thân cũng không thiết tha với chính trị mà chỉ thích làm giàu, nhiều lần xin nghỉ mà cấp trên không cho. Chính ông, năm 1994 đã cho phép chuyển đổi 300 mẫu bãi sang lập vườn, đào ao lại ra quy định mỗi hộ ít nhất phải làm 2 mẫu để đỡ manh mún, có cơ làm giàu. Cũng chính ông ở thời điểm đó đã khuyến khích xuất khẩu lao động để có thời điểm đội quân này đông tới 300 người, ngoại tệ mang về chiếm 40% “GDP” của xã.

Trải qua cả hai giai đoạn làm cán bộ thời bao cấp và kinh tế thị trường, ông Tựu khẳng định: “Cán bộ ngày trước hễ quần nâu, dép lốp là dân quý nhưng giờ phải ngược lại, phải giàu có thì mới hướng dẫn được dân làm giàu theo. Làm được gì cho dân thì người ta quý hóa còn cán bộ mà bị dân ghét thì phải xem lại mình đã đem lại lợi lộc gì cho dân hay chưa?”.

Hiện nay trên con sông Kinh Thầy chảy qua địa bàn, những con tàu hút cát hàng trăm, hàng ngàn tấn vẫn ngày đêm càn quét qua lại gây xói lở bờ bãi như chính lòng tin của dân về cán bộ xói lở hàng ngày. Bờ bãi ấy, bến sông ấy năm xưa chị Mạc Thị Bưởi từng bơi qua để làm cách mạng thì nay nếu có đi chị cũng dễ bị lạc đường vì nó đã khác xưa nhiều quá.  

Người dân nói về kẻ giàu

Chị Hồ Thị Tư ở Xuân Kiều (xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) 1 trong 20 hộ được đề tài khảo sát trong thôn bảo: “Nông dân thật thà và thực tế. Giàu có nhiều kiểu, tự tay gây dựng hay là giàu dựa dẫm hoặc giàu phạm pháp. Những người giàu thường sống không thật, vênh váo còn một số ít giàu chính đáng, thật thà thì vẫn được lòng hàng xóm. Điển hình trong làng là ông Nguyễn Văn Hùng, trước đây chỉ là anh đánh dậm rồi kinh doanh máy móc mà phất lên. Tài sản ông có hàng trăm tỉ đồng, ô tô, nhà lầu ở Hà Nội nhưng về làng vẫn thấy đi bộ, vẫn hỏi thăm không sót một người”.

Thôn Xuân Kiều có 236 hộ trong đó người giàu trong mắt dân chúng (thu nhập trên 200 triệu/năm) có khoảng trên 10 người. Chỉ 20 - 30% trong số đó được dân ưa bởi giàu lên từ bàn tay khối óc, giàu trong giàu sạch.

img

Với người nông dân, ai giúp được gì cho mình thì rất quý

Tuy nhiên vì tâm lý tiểu nông, cái gì cũng muốn trội hơn một tí, giỏi hơn một tí nên vẫn còn hiện tượng ghét người giàu, phá hoại sản xuất của người giàu như nhổ dưa, chặt chuối, bỏ thuốc độc xuống ao xảy ra rải rác ở một số địa phương. Như trường hợp của anh Hồ Văn Phước, người làng Xuân Kiều khi đi thuê đất ở huyện khác để trồng 300 gốc sắn dây đến ngày gần thu hoạch rồi bỗng bị cắt hết gốc. Lá sắn héo rũ dưới nắng, gan người trồng cũng héo bầm trong bụng vì mất một lúc 150 triệu…

Giải cứu là khi một thứ cung vượt quá cầu. Đúng theo logic ấy thì giờ số lượng cán bộ đang thừa, nhất là loại sáng cắp ô đi tối cắp về, chẳng giúp được gì cho dân, cho nước, vậy có nên làm một cuộc giải cứu cán bộ? Đi theo xu hướng ấy, tỉnh Hải Dương đang có chủ trương tinh giản biên chế nhưng ngó đi, ngoảnh lại thì tinh giản dễ nhất không đâu bằng cắt đội ngũ ở cơ sở như cán bộ xã, như định sáp nhập hai chức danh trưởng thôn và bí thư làm một.

Nói về chuyện này, trưởng thôn Xuân Kiều, anh Hồ Văn Phông bảo: “Giờ làm mỗi chức trưởng thôn đã rất bận rồi còn sáp nhập chức danh bí thư nữa thì có lẽ cả 9 trưởng thôn trong xã đều phải xin nghỉ hết vì sẽ không còn thời gian dành cho gia đình nữa. Sáp nhập, công việc gấp đôi nhưng phụ cấp không gấp đôi thì ai sẽ làm đây?”.

Cũng theo anh Phông cắt nghĩa, nhiều cán bộ cơ sở ngoài giờ hành chính cũng chân lấm, tay bùn như ai nhưng tại sao dân vẫn ghét? Bởi họ nghĩ hễ làm cán bộ là tham ô. Mà cán bộ cơ sở có tham ô cũng chỉ mấy thứ cỏn con chứ không phải là những vụ cả trăm, cả ngàn tỉ như trên đài báo vẫn đưa. Thế nhưng, con hổ vồ lợn lại không bị bắt còn con chuột tha hạt gạo lại bắt.

Dương Đình Tường (Nông nghiệp Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem