Đỉnh cao nghệ thuật trong lễ khai mạc Asiad 19 khiến đạo diễn Hoàng Công Cường phải thốt nên điều này

Yến Thanh Chủ nhật, ngày 24/09/2023 05:16 AM (GMT+7)
Sự kết hợp giữa những nét văn hóa đặc sắc và công nghệ ánh sáng, hình ảnh đỉnh cao biến lễ khai mạc Asiad 19 thành không gian nghệ thuật mãn nhãn.
Bình luận 0

Tối 23/9, Lễ khai mạc Asiad 19 đã diễn ra trên sân vận động Olympic Hàng Châu (Trung Quốc). Sự kiện được Sa Hiểu Lam - người từng đạo diễn lễ khai mạc và bế mạc của Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022 dàn dựng. 

Chia sẻ về chương trình, Sa Hiểu Lam cho biết, chủ đề chính của lễ khai mạc chính là "Nước". Theo ông, những đợt thủy triều là biểu tượng của sông Tiền Đường (dòng sông lớn nhất của tỉnh Chiết Giang, từng nhiều lần đi vào thi ca, nhạc, họa). Đó cũng là sức sống của thể thao, tinh thần của người dân tỉnh Chiết Giang và nhịp đập của thời đại.

Màn trình diễn nghệ thuật trong lễ khai mạc Asiad 19 khiến khán giả châu Á "ngả mũ" thán phục - Ảnh 1.

Hình ảnh thủy triều xuất hiện trong lễ khai mạc Asiad 19. (Ảnh: XM)

Với thời lượng khoảng 2 tiếng, Chiết Giang đã giới thiệu thành công những nét văn hóa đặc sắc với bạn bè thế giới, thông qua các phương tiện truyền tải phong phú. Trước hết phải kể tới logo Asiad được trình chiếu nổi bật tại sự kiện. Đây chính là tác phẩm "Sóng triều" của nhóm thiết kế Học viện Mỹ thuật Trung Quốc, gồm các biểu tượng: sông Tiền Đường, sóng triều Tiền Đường, đường pitch, biểu tượng internet, mặt trời; bên dưới là tên thành phố đăng cai và năm tổ chức. Bên cạnh đó, bộ linh vật của Asiad 19 bao gồm 3 linh vật Congcong, Chenchen và Lianlian, cũng được lấy cảm hứng từ 3 di sản văn hóa thế giới: Di tích thành cổ Lương Chử, Tây Hồ, Đại vận hà nối Bắc Kinh - Hàng Châu.

Màn trình diễn nghệ thuật trong lễ khai mạc Asiad 19 khiến khán giả châu Á "ngả mũ" thán phục - Ảnh 2.

Một hình ảnh trong lễ khai mạc. (Ảnh: OB)

Lễ khai mạc Asiad 19 được chia làm ba chương, bao gồm "Phong cách dân tộc và vần điệu tao nhã", "Thủy triều sông Tiền Đường" và "Cùng nhau bước đi". Tại hai chương đầu tiên, các nghệ sĩ tái hiện lại những nét văn hóa đặc trưng của đặc trưng của Hàng Châu và Chiết Giang - hai địa phương tổ chức Á vận hội. Phần ba khắc họa tinh thần thể thao châu Á và sự hội nhập trong kỷ nguyên mới.

Màn trình diễn nghệ thuật trong lễ khai mạc Asiad 19 khiến khán giả châu Á "ngả mũ" thán phục - Ảnh 3.

Hình ảnh Tôn Ngộ Không được thể hiện trên sân khấu lễ khai mạc. (Ảnh: IC photo)

Sự tham gia của 2.500 diễn viên, sự trợ giúp của công nghệ trình chiếu hiện đại đã tạo nên màn nghệ thuật đặc sắc, hấp dẫn trên sân vận động Olympic Hàng Châu. Thông qua các yếu tố mang đậm chất văn hóa dân gian Trung Quốc, vốn đã quen thuộc với khán giả châu Á như tranh thủy mặc, hát kinh kịch, múa truyền thống, nhân vật Tôn Ngộ Không, những người làm chương trình đã tạo ra một tác phẩm xuyên suốt, liền mạch và đầy sức cuốn hút. 

Màn trình diễn nghệ thuật trong lễ khai mạc Asiad 19 khiến khán giả châu Á "ngả mũ" thán phục - Ảnh 4.

Công nghệ ánh sáng đã biến lễ khai mạc Asiad 19 trở thành một bữa tiệc đầy cuốn hút. (Ảnh: OB)

Trên mạng xã hội, đông đảo khán giả bày tỏ sự thán phục, khen ngợi với màn biểu diễn nghệ thuật tại Asiad 19. "Rất lâu rồi chúng ta mới chứng kiến một lễ khai mạc ấn tượng như thế. Thật phô trương nhưng cũng gọn gàng, vừa tinh tế, vừa hiện đại. Họ đã thành công khi làm chúng ta bị cuốn hút vào buổi lễ khai mạc này một cách thật tự nhiên"; "Những người làm nghệ thuật tại Trung Quốc thật sự đáng nể" - một số ý kiến nhận định.

Tận mắt chứng kiến lễ khai mạc, đạo diễn Hoàng Công Cường (người từng đảm nhận vai trò đạo diễn sân khấu SEA Games 31) chia sẻ: "Một sản phẩm nữa đến từ đạo diễn Sa Hiểu Lam và ê-kíp hàng "khủng" có thể nhắc tên như nhà sản xuất âm nhạc từng giành giải Oscar với nhạc phim "Ngọa hổ tàng long", Tan Dun giữ vai trò Giám đốc âm nhạc. Scott Givens - Giám đốc công ty sáng tạo Five Currents đã làm việc với Ủy ban Olympic quốc tế và Nick Eltis cùng giữ vai trò Giám đốc kỹ thuật. Sự sáng tạo của các nghệ sĩ Trung Quốc khiến chúng ta phải "nghiêng mình". Tin rằng, ở một tương lai không xa, dân tộc ta sẽ có đủ tiềm lực để thực hiện những chương trình kỳ vĩ như vậy".

ASIAD 19 chính thức diễn ra từ ngày 23/9 đến 8/10, với 40 môn thể thao bao gồm 61 phân môn và 481 nội dung, một số môn bắt đầu thi đấu sớm từ ngày 19/9. Đoàn thể thao Việt Nam tham dự ASIAD 19 với 337 vận động viên, tranh tài ở 31 môn, với trọng điểm bao gồm các môn như điền kinh, thể dục dụng cụ, bắn cung, bóng đá nam và nữ. Thành phố Hàng Châu và các địa phương vệ tinh khác sẽ chào đón hơn 12.500 vận động viên từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu lục. Đây là kỳ đại hội có số lượng vận động viên tham dự đông nhất trong lịch sử.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem