Đỡ đầu nông dân, tiếp sức trò nghèo

Thứ tư, ngày 08/08/2012 06:23 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhờ vốn vay ưu đãi, hàng ngàn hộ nghèo tại huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa đã có nhà ở, hàng ngàn học sinh sinh viên thoát khỏi cảnh "đứt gánh giữa đường".
Bình luận 0

Ngọc Lặc là huyện miền núi nghèo nằm ở phía tây của tỉnh Thanh Hóa, có diện tích 495,53km2, dân số 146.272 người, gồm 4 dân tộc Mường, Dao, Thái, Kinh, trong đó đồng bào dân tộc chiếm khoảng 80%. Đất sản xuất ít, thiếu nghề phụ, cộng với tập quán canh tác theo kiểu "trông chờ vào trời, đất", nên đời sống của người dân nơi đây rất khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

img
Gia đình bà Phạm Thị Dục, anh Phạm Văn Lý trong nhà mới.

Hết lo nhà dột

Mặc dù chỉ cách trung tâm huyện hơn 1km, nhưng xã Ngọc Khê có tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức hơn 30%. Nhiều hộ phải ở nhà tạm, tranh tre nứa lá. Mùa khô còn đỡ, chứ hễ có bão là xã lại có hộ sập nhà, tốc mái. Nhiều người ước có một ngôi nhà kiên cố để tránh mưa, gió nhưng điều đó là quá xa vời.

Ước mơ của họ chỉ thành hiện thực khi Chính phủ triển khai Chương trình 167 về Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở và được Ngân hàng CSXH cho vay vốn để xây nhà. Ông Phạm Văn Hiệp - Trưởng thôn Cao Viên (xã Ngọc Khê) cho hay, năm 2011 thôn đã được Ngân hàng CSXH hỗ trợ xây mới gần chục ngôi nhà 167, năm 2012 dự kiến xây khoảng 10 nhà nữa.

"Thú thực, nếu không có Nhà nước hỗ trợ chẳng biết đến bao giờ Cao Viên mới xóa hết nhà tạm, tranh tre, nứa lá" - ông Hiệp tâm sự.

Niềm vui khi vừa khánh thành ngôi nhà mới khang trang hiện trên khuôn mặt của anh Phạm Văn Lý, đặc biệt là mẹ anh cụ Phạm Thị Dục (78 tuổi). Cụ Dục móm mém nói: "Bà nay đã ở cái tuổi "gần đất xa trời" rồi mới được ở trong ngôi nhà đẹp thế này. Trước đây nhà tre, nứa, trời mưa bão vất vả lắm, tìm mãi chẳng có một chỗ khô để ngủ".

Cách nhà anh Lý, bà Dục cái bờ rào là nhà anh Phạm Văn Liên, đang trong giai đoạn hoàn thiện. Anh Liên khoe: "Chỉ vài hôm nữa là khánh thành nhà mới rồi, mùa mưa năm nay không phải đi ngủ nhờ hàng xóm nữa. Gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ 8 triệu đồng, tỉnh, huyện hỗ trợ 8,4 triệu đồng, cộng với tiền tích cóp và vay thêm anh em tôi xây ngôi nhà 3 gian, dự kiến hết khoảng 80 triệu đồng".

Vững tin học tập

Ông Nguyễn Văn Hoàng- Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Ngọc Lặc cho biết, người dân ở đây tuy nghèo nhưng rất hiếu học, nên ngân hàng cũng ưu tiên cho vay những đối tượng này. Gia đình ông Nguyễn Văn Trí (53 tuổi) ở thôn Ngọc Lan, xã Ngọc Khê chỉ có 4 sào ruộng, nhưng có thời điểm nuôi 3 con ăn học. Em Nguyễn Văn Hà tâm sự: "Nếu không có Ngân hàng CSXH chắc em đã phải bỏ học giữa chừng".

"Đến hết tháng 7.2012, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Ngọc Lặc có tổng dư nợ 220 tỷ đồng. Trong đó vốn vay hộ nghèo là 103 tỷ đồng, vốn vay học sinh, sinh viên 45,1 tỷ đồng, cho vay làm nhà ở 20,4 tỷ đồng".

Gia đình chị Phạm Thị Đoàn có 2 con đều là sinh viên. Em Phạm Thị An học Đại học Công đoàn, ra trường năm 2010, hiện đang làm tại xã Mỹ Tân và em Phạm Thị Phượng ra trường năm 2011, đang chờ xin việc. Em Phượng tâm sự: "Từ khi được vay vốn bố mẹ đỡ vất vả, chúng em cũng vững tin hơn để học tập. Xin được việc, em cố gắng cuối năm sẽ trả hết nợ ngân hàng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem