Với tác phẩm mới ra mắt bạn đọc – cuốn tiểu thuyết mang tên “Rong chơi miền ký ức”, nhà văn – họa sĩ Đỗ Phấn đã nối tiếp mạch cảm hứng sáng tác vô tận của mình về Hà Nội trong một tâm thế, giọng điệu nhất quán. Trong số cả hai chục cuốn sách của nhà văn 60 tuổi, ở loạt các tác phẩm có chủ đề chính là Hà Nội, cuốn tiểu thuyết “Chảy qua bóng tối” có lẽ là tác phẩm gây được ấn tượng đậm nét nhất, dường như nó được viết ra cho những ai từng sống và yêu Hà Nội. Cuốn tiểu thuyết không viết về thế hệ trẻ với những tình cảm nồng nàn, lãng mạn mà nhân vật chính là một lão già mù mang những nét đặc trưng của một người gắn bó, hiểu và yêu Hà Nội…
Thì đến với "Rong chơi miền ký ức", chúng ta vẫn gặp lại một Đỗ Phấn vừa quen vừa lạ. Ở đây có hai mạch truyện song song tồn tại. Mối quan hệ giữa hai nhân vật trong hiện tại chỉ là một cái cớ để tái hiện quá khứ. Đọc sách của Đỗ Phấn cũng giống như xem tranh, cùng chất liệu, cùng bút pháp mà vẫn phải lúc nhìn cận cảnh, lúc lại phải lùi xa, khi nheo mắt chăm chú, khi mở to mắt bao quát cả bức tranh. Tác phẩm của Đỗ Phấn mang lại nhiều cảm xúc, đánh thức, làm sống dậy tiềm thức, bởi nó làm người đọc trở về với dằng dặc triền ký ức của tác giả, và hơn thế của cả một thế hệ, cả một thời chưa xa nhưng cũng không bao giờ còn trở lại...
Từ trái qua: Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, nhà văn - họa sĩ Đỗ Phấn, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tại buổi trò chuyện nhân dịp ra mắt cuốn sách mới "Rong chơi miền ký ức" chiều 23.12 tại Hà Nội.
Nói về sáng tác của người họa sĩ đến với văn chương, nhà văn Lê Minh Khuê đặc biệt ấn tượng với tác phẩm "Dằng dặc triền sông mưa" của Đỗ Phấn. Bà là một trong những người bỏ phiếu để tác phẩm của Đỗ Phấn giành được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội. Bà cảm nhận mỗi tác phẩm của Đỗ Phấn là một chân dung tinh thần của chính nhà văn. Trong các tác phẩm của mình, Đỗ Phấn luôn tìm tòi, mong muốn một cách tha thiết thể hiện mọi điều tốt đẹp từ cuộc sống.
“Văn Đỗ Phấn không gây sốc. Ông ấy không viết được về những điều thô tục. Tha thiết yêu Hà Nội, ông chỉ viết về cái đẹp Hà Nội xưa, ông vẽ ra những cái đẹp để chúng ta thêm yêu mà giữ lại những nét đẹp ấy…”, nhà văn Lê Minh Khuê đánh giá.
“Hầu hết tác phẩm của Đỗ Phấn, từ tản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết đều hiển hiện một Hà Nội đăm đắm tình yêu xưa, đều như tiếng thở dài chua xót của một người bất đắc dĩ phải làm nhân chứng cho sự đổi thay xấu xí của sự vật, con người Hà Nội nay, mà chẳng thể ngăn chặn, chẳng thể can thiệp và đau đớn nhất là chẳng thể bỏ đi, rời xa nơi chốn chôn nhau cắt rốn của mình.”
Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên
|
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì cho rằng Đỗ Phấn đã viết về Hà Nội bằng nỗi lo lắng rằng Hà Nội sẽ mất đi, không phải về mặt địa chí mà là một cái gì đó rất mơ hồ nhưng lại rất cụ thể - sự mất mát về văn hóa. Nhà văn Đỗ Phấn xác nhận: “Dù vẽ hay viết thì mục đích cuối cùng của tôi cũng là tìm đến cái đẹp, cái thẩm mỹ, cái nhân văn của cuộc sống. Nhất là Hà Nội hôm nay có phần mất mát, xô lệch quá, chẳng còn giữ được bao nhiêu. Là người con Hà Nội, tôi thấy mình cần có trách nhiệm phải lưu giữ những nét đẹp của Hà Nội mà mình đã may mắn được trải qua, khi mà thời gian làm nó bị pha loãng bằng muôn nghìn cách”.
Tiếp tục phát triển cách viết từ “Chảy qua bóng tối”, bằng cách sử dụng các phụ chú như một thủ pháp, lần này, ở “Rong chơi miền ký ức”, Đỗ Phấn đã sử dụng triệt để hơn, biến nó thành một phần đối trọng với nội dung chính. Nếu như ở tiểu thuyết trước các phụ chú chỉ được sử dụng như một mũi neo buông xuống sau mỗi chương thì lần này phần nằm trong phụ chú chiếm tới nửa tác phẩm, thậm chí có lúc lấn lướt cả phần nội dung chính.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên gọi hai phần in font chữ khác nhau này là “nửa trên – nửa dưới”, “nửa âm – nửa dương” và ông mô tả “phải có trên mới có dưới, phải có âm mới có dương” để nói về sự mật thiết giữa hai phần tạo nên hình thức độc đáo của cuốn sách. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cũng cho rằng nửa trên và nửa dưới của cuốn sách nằm trong một tổng hòa để chị được rong chơi trong miền ký ức của một người Hà Nội có kiến văn sâu rộng.
Nhà văn Đỗ Phấn ký tặng bạn đọc.
Dành sự trân trọng đặc biệt cho văn chương của Đỗ Phấn, nhà phê bình Phạm Xuân Thạch đánh giá: “Người vẽ sòng phẳng hơn người viết văn, phải làm chủ được chất liệu, kỹ thuật của mình. Tôi thấy ở nhà văn Đỗ Phấn một sự chu đáo của nghề nghiệp, làm chủ kỹ thuật, trân trọng từng chi tiết để tạo dựng thành một thế giới. Tôi cảm ơn vì có thứ văn chương có tính chuyên nghiệp, thể hiện bề dày văn hóa, sự lao động chu đáo để con cái chúng ta có cái đáng để đọc”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.