Sáng 8.9 vừa qua, NXB Trẻ đã tạo một không gian gặp gỡ với người đọc và nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, với diễn giả là TS.Chu Văn Sơn và nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn. Tham dự buổi tọa đàm có đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu phê bình văn học. Từ trường hợp “Giăng lưới bắt chim” có thể làm rõ câu hỏi: Liệu nhà văn có nên viết phê bình văn học?
Từ trái qua: Nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và TS.Chu Văn Sơn tại tọa đàm "Nhà văn có nên viết phê bình văn học?" từ trường hợp cuốn sách "Giăng lưới bắt chim". Ảnh: Khánh Thư
TS.Chu Văn Sơn cho rằng một nhà văn thực thụ ngoài sáng tác nên viết phê bình, và nhà văn lớn càng phải viết phê bình. Theo ông, một nhà văn thực sự bao giờ cũng phải là một nhà tư tưởng và đã là một nhà tư tưởng thì sáng tác không thôi chưa đủ bởi tư tưởng một khi đã trở thành đời sống, tâm trạng, niềm thôi thúc thì cần phải được cất lên bằng một tiếng nói khác. Chính vì thế người nghệ sĩ thực thụ luôn có nhu cầu được viết phê bình, tiểu luận để giúp người đọc hình dung một cách trọn vẹn hơn tầm tư tưởng của tác giả.
Về cuốn sách “Giăng lưới bắt chim”, ông chia sẻ: “Nếu sáng tác là băn khoăn về đạo sống thì phê bình là băn khoăn về đạo viết. “Giăng lưới bắt chim” của anh Thiệp đọng lại nhất vẫn là cái đau đáu về đạo của người viết. Đây là nét riêng của Nguyễn Huy Thiệp. Ngôn ngữ của anh tuy “phũ” nhưng được chấp nhận, vì sao? Vì phũ ấy có bề sâu của nó, thể hiện niềm thiết tha với đạo. Ở mặt tiền của lời nói rất tàn nhẫn, nhưng trong lòng lại thể hiện nỗi đau đời. Tất cả làm nên tầm lớn của Nguyễn Huy Thiệp.”
Nhận xét về Nguyễn Huy Thiệp, nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định trong buổi tọa đàm: “Ở ngoài đời có thể lẫn vào cả biển người, nhưng trong văn chương khi đã cầm bút thì không giống ai được. Nguyễn Huy Thiệp là một người như vậy mà không phải nhà văn nào cũng có được điều đó. Thử hình dung nếu “rút” Nguyễn Huy Thiệp ra khỏi nền văn học Việt Nam hiện đại thì sẽ có một khoảng trống lớn như thế nào?.” PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp cũng bày tỏ cảm xúc của mình: “Văn Nguyễn Huy Thiệp có một sự cuốn hút rất mãnh liệt, kể cả những người không yêu anh cũng phải thừa nhận điều đó. Đặc biệt nếu sáng tác thể hiện bản ngã của anh theo kiểu mai phục thì ở phê bình bản ngã của Nguyễn Huy Thiệp được thể hiện trực diện hơn. Những mảnh vỡ của anh được thể hiện trước mắt người đọc một cách đa dạng”.
Đọc “Giăng lưới bắt chim”, GS.TS.Trần Đình Sử nhận xét: “Nội lực của Nguyễn Huy Thiệp hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, bản năng mà có sự chuẩn bị mạnh mẽ. Bao trùm cả cuốn sách là đạo viết, lẽ sống, vốn liếng, tư tưởng, giúp tôi hiểu thêm về một Nguyễn Huy Thiệp thâm hậu, uyên bác mà ngôn ngữ lại được diễn đạt dưới một hình thức nông thôn, “quê mùa” như anh vẫn tự nhận”.
PGS.TS.La Khắc Hòa cho rằng nhà văn rất nên viết phê bình, và viết phê bình theo kiểu riêng của họ, không nên giống với các nhà nghiên cứu viết phê bình và ông không ngần ngại khẳng định “Giăng lưới bắt chim” của Nguyễn Huy Thiệp là bước ngoặt trong ngôn ngữ thể loại. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng nhận định sau khi đọc tác phẩm: “Chúng tôi cảm nhận ở anh Thiệp một nỗi đau đáu. Ở đó Nguyễn Huy Thiệp là người dám cất lên tiếng nói thật, và đó là điều cần thiết, đúng đắn khiến ta khâm phục và kính trọng”.
Chia sẻ trong buổi tọa đàm, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp xúc động cho biết sáng tác văn chương là nghiệp lớn của đời ông. Văn chương cho ông nhiều thứ và cũng thường xuyên giày vò, khiến ông lao tâm khổ tứ. Nhà văn cũng là một con người với rất nhiều nhầm lẫn, vụng về. Nghề viết văn thường là hay nói quá lên. Theo quan niệm của nguyễn Huy Thiệp, đó là một đặc điểm của sáng tác nghệ thuật. Khi nào thấy bế tắc, không tìm được sự giải thoát trong sáng tác, ông lại đến với phê bình, tiểu luận.
"Giăng lưới bắt chim" là một tập hợp những bài tạp văn, tiểu luận, phê bình, giới thiệu và ghi chú của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã đăng rải rác trên các báo, tạp chí và mạng Internet từ năm 1988 đến năm 2006. Năm 2006, tác phẩm được Hội nhà văn Hà Nội trao giải thưởng về thể loại sách phê bình, tiểu luận.
Cuốn sách đã được Nhà xuất bản Hội nhà văn và Công ty Đông A in, tái bản 2 lần và mới đây nhất được NXB Trẻ tiếp tục tái bản.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.