Đỏ sắc Tết với hoa hồng môn

Thứ sáu, ngày 23/12/2011 10:20 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cấu tạo hoa đặc trưng gồm một cuống hoa dài, trên có một bản to hình trái tim, có thể có màu đỏ, cam, trắng…, hồng môn ở Đà Lạt đã ngày càng phổ biến để trưng bày trong dịp Tết.
Bình luận 0

Cây gieo từ hạt sau 2 - 3 năm mới có hoa, còn cây tách chiết cũng phải sau 6 - 7 tháng mới cho hoa. Cây ưa mát và độ ẩm cao (từ 70 - 80%). Nhiệt độ thích hợp từ 18 – 20oC. Ở nhiệt độ thấp hơn 15oC, cây phát triển kém, còn cao hơn 30oC, lá cây vàng và có thể chết. Hồng môn không chịu được ánh nắng trực tiếp, ánh sáng thích hợp là 50% hoặc thấp hơn.

img
Bệnh hại chủ yếu trên hoa hồng môn là tuyến trùng nên phân bón lót phải hấp qua nhiệt độ cao.

Nhân giống bằng cách gieo hạt, tách chiết, hoặc nuôi cấy mô. Phương pháp thường dùng là tách bụi, cây mẹ phải có từ 4 năm tuổi trở lên. Cây con mọc ở bên cây mẹ cũng phải có từ 3 - 4 lá, dùng dao bén tách cây con sát gốc. Lấy rễ lục bình bọc chỗ cắt lại, để bộ rễ cây con phát triển tốt hơn, rồi trồng cây con với cả rễ lục bình xuống giá thể trồng (hoặc nền trấu theo tỷ lệ 2 trấu, 1 đất).

Chất trồng thường là giá thể vô khuẩn nhân tạo, có độ thoáng khí tốt để bộ rễ phát triển, độ pH thích hợp 5.5. Tùy vào nhiệt độ có thể tưới mỗi ngày từ 1 - 3 lần nước loãng, nhưng không được tưới quá nhiều sẽ làm úng cây. Trồng trong nhà lưới với quy mô 4.000 chậu hoa/1.000m2.

Lưu ý không bón lót NPK khi trồng, có thể dùng phân hữu cơ như bã dầu để bón lót. Sau trồng để nơi râm mát, 1 - 2 ngày tưới nước 1 lần. Sau khi tách cây con từ cây mẹ 50 - 60 ngày mới dùng phân bón NPK 20-20-20 pha với nước theo tỷ lệ 1/10 - 3/10, tưới 1 - 2 lần/tuần.

Nếu ở nơi có nhiều ánh nắng cần làm giàn che để giảm bớt ánh nắng cho cây. Nhưng nếu để cây lâu ngày trong nhà cũng sẽ làm cây yếu. Do đó, sau 3 - 4 tháng phải đưa cây ra ngoài 1 lần, không để ánh nắng chiếu trực tiếp xuống lá. Phun phân bón lá NPK 14-14-14 định kỳ, sẽ giúp cây phát triển tốt hơn với liều lượng từ 0,2 - 0,3 kg/chậu, hoặc tưới nước phân ủ pha loãng, mỗi tuần tưới 1 lần, sau 1 tháng để bên ngoài nhà, cây phát triển tốt, ta có thể đưa lại vào bên trong nhà.

Hoa hồng môn rất ít bị sâu bệnh, bệnh hại chủ yếu là tuyến trùng, cho nên phân hữu cơ bón lót phải qua hấp ở nhiệt độ cao để khử trùng. Dùng Lannate có thể phòng trị tuyến trùng. Tạo độ thoáng tốt cho cây kết hợp với cắt bỏ lá già, lá úa thường xuyên còn là phương pháp phòng bệnh khá hữu hiệu cho hoa hồng môn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem