Đoàn tàu cho tương lai

Thứ sáu, ngày 30/04/2010 08:26 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Kỳ họp Quốc hội khai mạc cuối tháng 5 này sẽ xem xét dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh. Nếu được thông qua, dự án có quy mô siêu lớn này sẽ làm thay đổi cơ bản hệ thống giao thông nước ta...
Bình luận 0
img
Mô hình tàu siêu tốc của Nhật Bản.

Ăn sáng Hà Nội, ăn trưa Sài Gòn

Phương án đề xuất của đường sắt cao tốc (ĐSCT) Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh là tuyến độc lập với đường sắt Bắc - Nam hiện có, đi qua 21 tỉnh thành với 25 nhà ga, tổng chiều dài 1.570km. Điểm đầu tuyến tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối là ga Hoà Hưng (TP. Hồ Chí Minh) sẽ được kết nối với hệ thống đường sắt đô thị để trung chuyển khách vào trung tâm phụ cận.

Dự kiến, dự án sẽ động thổ vào năm 2014, đến năm 2020 đưa vào hoạt động đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM. Đoạn Vinh - Đà Nẵng sẽ hoạt động vào 2030 và nối thông toàn tuyến vào 2035.

Với tốc độ dự kiến đạt 300 km/h, thời gian chạy tàu từ Hà Nội đến TP.Hồ Chí Minh là 5 giờ 38 phút đối với tàu nhanh (đỗ các ga Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang) và 6 giờ 51 phút đối với tàu thường, đỗ ở tất cả các ga. Theo tính toán, thời gian đi của chặng Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.Hồ Chí Minh chỉ mất 1 tiếng rưỡi.

Theo tính toán của Tổng Công ty Đường sắt VN, đến năm 2020, ĐSCT vận chuyển khoảng 48.000 hành khách/ngày và đáp ứng được nhu cầu vận tải hành khách đường sắt đến sau 2035. Ngoài việc kết nối 2 trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, dự án sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của những địa phương nằm dọc tuyến.

Về công nghệ, dự kiến sẽ sử dụng công nghệ tàu cao tốc Shinkansen của Nhật Bản. Hai đầu tàu làm nhiệm vụ điều khiển; còn hệ thống động lực được lắp trên mỗi toa xe. Về hệ thống đường ray, trong tổng chiều dài của tuyến là 1.750km sẽ có 1.043km là cầu cạn; cầu vượt sông và đường bộ là 46km và 117km đường hầm và 364 km còn lại là nền đường đào đắp.

Tính kỹ phương án huy động vốn

Tổng nguồn vốn đầu tư dự án là 55,853 tỷ USD (khoảng 35,6 triệu USD/km). Tổng nhu cầu sử dụng đất là 4.170 ha. Vận tốc thiết kế 350 km/h; vận tốc khai thác 300 km/h. Thời gian chạy tàu đoạn Hà Nội - Vinh là 1 giờ 24 phút, Hà Nội - Đà Nẵng 3 giờ, Hà Nội - Hoà Hưng là 5 giờ 38 phút (tàu nhanh đỗ ít ga) và 6 giờ 51 phút (tàu nhanh đỗ nhiều ga).

Trong rất nhiều cuộc họp, hội thảo về dự án này, hầu hết các ý kiến đều khẳng định dự án này không thể không thực hiện. Tuy nhiên, thực hiện vào thời điểm nào thì không ít chuyên gia đề nghị phải cân nhắc.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, trong khi chúng ta đang đầu tư mạnh cho hệ thống giao thông đường bộ bằng các dự án như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển; nhiều cảng hàng không, cảng biển đang được xây dựng; ngay đường sắt cũng sẽ tiến hành cải tạo hệ thống đường sắt hiện tại... thì đặt vấn đề xây dựng ĐSCT ở thời điểm này liệu có quá sớm?

Tổng dự toán cho dự án này là một con số khổng lồ - gần 56 tỷ USD. Thậm chí, một số dự án thành phần của dự án này cũng sẽ được xếp vào diện công trình quan trọng quốc gia. Dù suất đầu tư được chủ đầu tư dự án là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đưa ra ở mức trung bình của thế giới (680 tỷ đồng/km), đồng thời đề xuất các giải pháp linh hoạt để huy động vốn từ nguồn ngân sách nhà nước, vốn vay ưu đãi của quốc tế và khu vực tư nhân… tuy nhiên, tổng chi phí xã hội cho dự án trong giai đoạn thi công chiếm đến 7-8% tổng đầu tư xã hội.

Trong khi đó, hiện nay ngoài giao thông vận tải, còn rất nhiều dự án lớn, cấp bách của các lĩnh vực khác. Hơn nữa, thế giới đã xếp Việt Nam vào diện thoát nghèo nên việc vay vốn quốc tế khó khăn hơn trước đây.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội - ông Nguyễn Văn Thuận đã so sánh: "Khi thực hiện dự án, chúng ta phải tính kỹ phương án huy động vốn. Đừng để xảy ra tình trạng như một ông bố định mua cho cậu con cả một nhà lầu, con thứ một chiếc xe hơi nhưng sờ trong túi không có đồng nào".

Siêu dự án này cũng được đánh giá sẽ siêu tác động đến đời sống, kinh tế - xã hội của các tỉnh mà nó đi qua.

Tổng diện tích thu hồi của dự án lên đến 4170ha và 9.480 hộ dân phải di dời. Ý kiến của các địa phương đóng góp với dự án cho rằng, dự án sẽ làm ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt của các tỉnh.

Một số tỉnh miền Trung như Ninh Thuận đề nghị ĐSCT ép sát vào núi để tránh ảnh hưởng đến vùng đồng bằng. Ngoài ra, dự án này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hệ thống các vườn quốc gia, hồ đập, khu di tích lịch sử văn hoá. Các vấn đề về an toàn giao thông, an ninh quốc phòng... cũng là các thách thức được đặt ra.

Trong phiên họp 30 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào giữa tháng 4 vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận: Trong kỳ họp thứ 7 bắt đầu vào 20-5 tới, Quốc hội sẽ xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem