Doanh nghiệp bị “hành” khi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: Có hai “nhà vô địch” về ban hành “giấy phép con”!

Mai Hương (thực hiện) Thứ hai, ngày 20/10/2014 07:14 AM (GMT+7)
Như NTNN đã thông tin, tại diễn đàn về đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn do Bộ NNPTNT tổ chức, nhiều doanh nghiệp (DN) đã bày tỏ sự bức xúc của mình về việc họ bị gây khó dễ với đủ thứ giấy phép, đủ kiểu phạt khi vào làm ăn ở khu vực này. 
Bình luận 0

Trao đổi với NTNN, ông Vũ Tiến Lộc (ảnh)- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thẳng thắn nói: “Nếu chúng ta không quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, xóa bỏ rào cản cản trở việc làm ăn của DN thì những khu vực yếu thế như nông thôn sẽ không có DN nào “ra hồn” cả và các chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư của Nhà nước đối với khu vực này sẽ chỉ như “muối bỏ biển”…

Hàng nghìn giấy phép “cha, con, cháu”

Thưa ông, một câu hỏi được đặt ra là trong lúc Chính phủ đang không ngừng đưa ra các chính sách để khuyến khích các DN đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhưng trên thực tế DN lại đang bị “hành” bởi hàng loạt các quy định, giấy phép hết sức vô lý?

- Việc ban hành các quy định, giấy phép gây khó cho DN nói chung và DN nông thôn nói riêng đã được đặt ra từ rất lâu. Mới đây, Tổ liên ngành về rà soát các ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện của Bộ KHĐT đã liệt kê được hàng nghìn loại giấy phép “cha, con, cháu”. Trong đó, đã phát hiện hàng trăm ngành nghề yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề…

Ngoài ra, cũng phát hiện ra tới hàng trăm ngành nghề yêu cầu phải có chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền… Đáng nói, các giấy phép “cha, con, cháu” này đã bị cho là cản trở quyền tự do kinh doanh của DN, thậm chí có loại giấy phép được các chuyên gia cảnh báo còn làm thui chột cả ngàn ý định kinh doanh của người dân, DN. Người ta cũng đã chỉ ra Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT là hai “nhà vô địch” về ban hành giấy phép con.

Tôi xin nhắc lại, tinh thần của Thủ tướng trong thông điệp đầu năm mới 2014 về “nhà nước kiến tạo” là trong cải cách thủ tục hành chính, các cơ quan nhà nước phải ngồi lại với nhau để tạo thuận lợi cho DN, chứ không phải DN đi từng cửa đến từng cơ quan…

Như ông nói, vấn đề này đã được phản ánh từ lâu tại sao đến nay, các loại giấy phép cản trở hoạt động kinh doanh của DN vẫn còn tồn tại?

- Lý giải của các ngành khi đưa ra các điều kiện kinh doanh là để bảo vệ lợi ích xã hội, bảo vệ môi trường… và do khả năng quản lý và giám sát của cơ quan Nhà nước. Ngoài ra, việc giấy phép con vẫn còn đất sống, tôi cho rằng còn do người ta có tâm lý bảo vệ cho một số ngành, DN nào đó hoặc các bộ ngành muốn giữ vai trò “gác cửa”. Nhiều điều kiện còn xuất phát từ việc khó quản lý thì cấm, rồi ra điều kiện, đây có thể cho là biện pháp quản lý dễ nhất.

Sự khắt khe hơn mức cần thiết, thậm chí phi lý của nhiều quy định, giấy phép đã không còn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế hiện nay mà chúng ta cần phải xóa bỏ, cải cách chúng. Và cũng phải nói rất thực tế rằng, việc khó dẹp bỏ các giấy phép cản trở DN còn có lý do vì đây là miếng đất màu mỡ để chỗ này chỗ kia có được thêm thu nhập từ việc gây phiền hà cho DN.

Chúng ta đã chứng kiến không ít các sai phạm mà cuối cùng đều “lòi ra” là không có giấy phép kinh doanh gì hết, tức là không cần xin phép họ vẫn cứ kinh doanh bình thường các ngành nghề cần phải có phép. Các DN làm ăn chân chính thì khổ sở vì giấy phép, như báo chí đã phản ánh về các loại giấy kiểm dịch của người nuôi ong, các quy định về bảo vệ thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm nông thủy sản khiến DN “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”…

Một DN kinh doanh ở địa bàn thuận lợi thì các loại giấy phép, quy định như vậy đã cản trở họ rất nhiều. Vậy với DN nông thôn, ông nhìn nhận các tác động như thế nào và điều này ảnh hưởng như thế nào tới các chính sách của Chính phủ về khuyến khích các DN về nông thôn đầu tư?


img
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI
 
Với DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tuy có lợi nhuận ít, nhưng lại có ý nghĩa xã hội rất lớn vì giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn. Bởi vậy, cùng với nỗ lực đưa ra chính sách ưu đãi DN, các cấp chính quyền cần đặc biệt quan tâm chỉ đạo quyết liệt trong quá trình triển khai các chính sách, để kịp thời gỡ khó cho DN. Đã đến lúc các bộ, ngành, địa phương phải tập trung rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách cần thiết theo hướng kinh tế thị trường, cạnh tranh, công khai, minh bạch,  thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và DN…”.
 
- Ai cũng biết, kinh doanh ở nông thôn rất khó khăn. Chính vì vậy, Chính phủ đã phải ban hành không ít các cơ chế chính sách ưu đãi thuận lợi để thu hút các DN đầu tư vào đây. Vậy tại sao các cơ chế chính sách đến nay vẫn chưa thấm được vào DN, phải chăng có quá nhiều rào cản, quy định cản trở DN tiếp cận đầy đủ các chính sách của Chính phủ?! Chúng ta đều thấy sản xuất kinh doanh nông nghiệp phải chịu nhiều rủi ro do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, sức mua và thị trường tiêu thụ suy giảm.

 

Các DN trong lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn trong thu hút vốn đầu tư so với các lĩnh vực khác. Trên 90% các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng. Do quy mô vốn nhỏ, nên nhiều DN gặp khó khăn trong việc mở rộng sản xuất, chưa kể quy định nọ, luật lệ kia cũng cản trở họ rất lớn. Môi trường kinh doanh ở nông thôn hiện nay vì thế đang có rất nhiều vấn đề mà nhắc đến DN đã ngại đầu tư. Ví dụ người ta có thể dễ dàng đưa ra loại giấy phép kiểm dịch cho trứng gia cầm mà chỉ có giá trị một ngày tại Lào Cai dù biết là nó sẽ gây khó khăn cho người dân, DN kinh doanh…

Nhà quản lý phải đứng vào vị thế của doanh nghiệp

Như ông đã phân tích thì việc DN ngại đầu tư về nông nghiệp, nông thôn hiện nay là do chính con người, mà con người lại có lợi ích trong đó. Xem ra việc này sẽ rất khó giải quyết nếu chúng ta không dung hòa được lợi ích giữa các bên?

- Gốc rễ của vấn đề, tôi cho là chúng cần phải tạo ra được động lực để người quản lý gắn bó thiết thân với người sản xuất, kinh doanh. Nói một cách hình ảnh rằng, khi nào cơ quan công quyền “ba cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng ngủ” với DN, tức là đứng vào vị thế của DN, vui buồn cùng DN mà suy xét thì mới mong có sự chuyển biến. Chắc chắn lúc đó giấy phép con sẽ tự nhiên biến mất. Bối cảnh phát triển kinh tế hiện nay đang đòi hỏi Nhà nước phải thay đổi cách thức quản lý. Nếu chúng ta không giải quyết được bài toán đó thì các giấy phép con dưới dạng này hay dưới dạng khác sẽ vẫn tiếp tục xuất hiện.

Và chúng ta cần bỏ những thủ tục nào, thưa ông?

- Những thủ tục gì không cần thiết, gây khó khăn, cản trở, phiền hà cho người dân, DN thì phải sửa đổi và loại bỏ. Chúng ta phải sửa đổi vì cuộc sống đòi hỏi, phải sửa vì thực tiễn cuộc sống đã phát triển và vượt qua tất cả các quy định cũ của chúng ta... Những nhiệm vụ đó cần được cụ thể hóa về mục tiêu, lộ trình và có địa chỉ thực hiện rõ ràng, không "đá bóng trách nhiệm" và hô hào triển khai hình thức theo kiểu phong trào, vừa làm giảm sút uy tín và hiệu quả quản lý Nhà nước, vừa không có lợi cho DN và nguời dân.

Xin cảm ơn ông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem