Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) đã có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về những bất cập trong chính sách phân bổ, hạch toán lãi vay đối với dự án hạ tầng giao thông dưới hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (dự án BOT).
Cụ thể, theo VARSI, với đặc thù là doanh nghiệp đầu tư hạ tầng nên tổng vốn đầu tư rất lớn, trong đó chủ yếu là vốn vay ngân hàng, vì vậy khoản chi phí lãi vay trong các các năm đầu khi dự án mới đưa vào vận hành rất cao do số dư tính lãi lớn (giảm dần vào các năm sau); ngược lại doanh thu các năm đầu lại thấp và tăng dần vào các năm sau (do tăng trưởng lưu lượng xe, tăng giá vé theo lộ trình…).
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương xem xét kiến nghị của VARSI, đề xuất xử lý, tháo gỡ, hoàn thiện quy định pháp luật, có văn bản trả lời cho hiệp hội, doanh nghiệp được biết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trong tháng 8/2021.
Việc ghi nhận chi phí lãi vay theo quy định hiện nay của Bộ Tài chính sẽ dẫn đến kết quả hoạt động kinh doanh trong những năm đầu là khoản lỗ lớn và những năm cuối dự án lợi nhuận rất cao.
"Điều này không phù hợp với bản chất của dự án BOT và chuẩn mực tài chính quốc tế, vì tại hợp đồng dự án được các bên ký đã thống nhất phải đảm bảo lợi nhuận hằng năm theo tỷ suất sinh lời trong suốt vòng đời của dự án. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn được phân bổ lãi vay theo doanh thu, mà không thực hiện việc ghi nhận lãi vay tại thời điểm phát sinh theo quy định của Chuẩn mực kế toán và Chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành", VARSI nhấn mạnh.
Cũng theo VARSI, mặc dù Bộ Tài chính đã nhận thức rõ bất cập trên và tiến hành lấy ý kiến các bộ ngành từ năm 2018 để nghiên cứu điều chỉnh, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có kết quả.
Thực tế, thời gian qua nhiều dự án BOT giao thông rơi vào tình cảnh thua lỗ, khi doanh thu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu tại các ngân hàng.
Một nhà đầu tư dự án BOT thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh phản ánh, do doanh thu không đủ để trả lãi vay ngân hàng, nên doanh nghiệp dự án đang phải sử dụng vốn tự có để bù đắp khoản lãi vay là 320 tỷ đồng và dự kiến mỗi tháng tiếp theo phải chi thêm khoảng 22 tỷ đồng/tháng, doanh nghiệp dự án sẽ không còn khả năng chi trả, và đứng trước bờ vực phá sản.
Ngược lại, báo cáo tài chính của "ông trùm" BOT là CTCP Tasco cho thấy, 6 tháng doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tăng 34,9% so với cùng kỳ lên 462,9 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế âm 73,6 tỷ đồng, tăng đột biến so với âm 9,2 tỷ đồng trong 2 quý đầu năm 2020. Tasco cho biết, nguyên nhân lợi nhuận âm do chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng dẫn tới lợi nhuận giảm.
Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản đề nghị Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) có ý kiến về phương án phân bổ lãi vay theo doanh thu như đề xuất của VARSI.
Theo đó, VNBA đã có đề nghị với các ngân hàng căn cứ vào các quy định pháp luật liên quan, tình hình thực tiễn hoạt động cho vay và thực tiễn hoạt động các doanh nghiệp BOT để có ý kiến về phương án phân bổ lãi vay theo doanh thu như đề xuất của các doanh nghiệp.
VNBA cũng lưu ý các ngân hàng khi góp ý cũng cần lưu ý các đặc điểm hoạt động có tính chất đặc thù của các doanh nghiệp BOT; các cơ chế, chính sách của Nhà nước hiện hành liên quan đến hoạt động này.
Một số lưu ý khác cũng được VNBA đề cập là các khó khăn của tổ chức tín dụng và của doanh nghiệp có thể phát sinh, từ đó đề xuất các giải pháp có tính khả thi để tháo gỡ; thông lệ quốc tế đối với loại hình hoạt động tương tự, khung khổ pháp lý liên quan để có thể thực hiện các thông lệ này.
Trao đổi với Dân Việt, một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng cho biết, doanh thu không đồng đều giữa các thời kỳ hay giảm sút do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như trong thời gian qua, tất yếu sẽ ảnh hưởng tới phương án tài chính và tiến độ trả nợ vay của các doanh nghiệp BOT.
Vì vậy, trước những khó khăn của các doanh nghiệp BOT, theo vị chuyên gia này "kiểu gì ngân hàng cũng phải hỗ trợ", tuy nhiên chia sẻ đó phải "có lý, có tình".
Riêng với đề xuất phân bổ lãi vay theo doanh thu, chuyên gia này cho rằng đó là đề xuất không hợp lý.
"Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, huy động tiền của dân để cho vay. Giả sử, ngân hàng gọi điện cho khách hàng gửi tiết kiệm trình bày, do ngân hàng đang cho vay nhiều dự án chưa có doanh thu nên nguồn thu của ngân hàng sụt giảm, đề nghị khách hàng giảm lãi suất huy động, hoặc chỉ trả lãi tiền gửi tương ứng với doanh thu của ngân hàng.
Thậm chí, nguồn thu của ngân hàng sụt giảm, nợ xấu cao ngân hàng "hoãn" trả lãi suất tiền gửi cho khách hàng, liệu khách hàng có đồng ý không? Vì vậy, theo quan điểm cá nhân, việc điều chỉnh lãi vay theo doanh thu làm sao mà có thể làm được", vị này nhấn mạnh.
Theo đó, để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp BOT, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp và ngân hàng có thể ngồi lại với nhau để cùng đưa ra giải pháp.
Trong đó, một số giải pháp được các chuyên gia khuyến nghị như giãn nợ, giảm lãi suất - như các giải pháp ngành ngân hàng đang thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đang được triển khai.
Ngoài ra, ngân hàng có thể xem xét điều chỉnh mức thu nợ ở khả năng có thể đảm bảo được cho cả 2 bên là ngân hàng và doanh nghiệp BOT.
Đồng tình, một cán bộ ngân hàng cũng cho rằng, đề xuất phân bổ lãi vay theo doanh thu khó khả thi bởi trong thời gian qua đã có những dự án BOT vướng lùm xùm xung quanh việc thu chi, kiểm đếm.
"Nếu ngân hàng thực hiện chính sách lãi vay phân bổ theo doanh thu trong khi tính minh bạch của các dự án vẫn còn "bỏ ngỏ", khác gì "thả gà ra đuổi", ngân hàng mất đi tính chủ động đối với khoản vay", cán bộ ngân hàng nêu quan điểm.
Cũng theo vị này, hiện có khoảng 80% vốn đầu tư cho các dự án giao thông theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), BOT do ngành ngân hàng tài trợ.
Tại kỳ họp Quốc hội tháng 7 vừa qua, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế cũng lưu ý, mặc dù nợ xấu tín dụng của các dự án BOT, BT giao thông là 2.116 tỷ đồng, ở mức 1,95%, giảm so với cuối năm 2020 (ở mức 4,6%), tuy nhiên chưa phản ánh chất lượng nợ do nợ nhóm 2 là 5.912 tỷ đồng, chiếm 5,48% và hiện có 54 dự án có doanh thu từ phí không đạt như phương án tài chính, các ngân hàng đã phải cơ cấu lại nợ đối với nhiều dự án, khả năng tiếp tục phát sinh nợ xấu trong thời gian tới là hiện hữu.
Như vậy, nợ xấu BOT hiện hữu, trong khi đó rủi ro tiềm ẩn của các ngân hàng còn rất lớn, đặc biệt khi dịch Covid-19 được kiểm soát và hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục thì hàng loạt khó khăn của nền kinh tế sẽ "phơi ra" khi đó nợ xấu tăng của các ngân hàng chắc chắn sẽ tăng cao, lợi nhuận sụt giảm.
"Rủi ro xảy ra ai sẽ "gánh" cho các ngân hàng, các doanh nghiệp BOT có doanh thu tăng tới vài trăm % có sẵn sàng chia cho ngân hàng vài chục % hay không?" – vị này đặt câu hỏi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.