Bên lề Quốc hội chiều 26.7, ông Ngân cho biết hiện nay các doanh nghiệp có ý kiến về lãi suất, điều này là rất đúng, bởi trong điều kiện cạnh tranh và nhất là cạnh tranh ở khu vực Đông Nam Á ngày càng khốc liệt.
“Một trong những yếu tố tác động đến chi phí sản phẩm đó là lãi suất. So với Malaysia, Thái Lan, và một số nước Đông Nam Á thì lãi suất của họ rất thấp so với Việt Nam. Chỉ có lãi suất ở Campuchia, Indonesia là tương đồng. Tuy nhiên, mặt bằng chung thì lãi suất của Việt Nam vẫn còn cao. Do đó, mong muốn giảm lãi suất của doanh nghiệp là hợp lý”, ông Ngân phân tích.
Ngân hàng cũng muốn cho vay với mức lãi suất thấp, bởi cho vay lãi suất thấp thì rủi ro ít hơn.
“Cho vay lãi suất thấp thì doanh nghiệp làm ăn được, khả năng trả nợ tốt hơn. Trường hợp cho vay lãi suất cao, tuy tưởng là ngân hàng được hưởng nhưng thực tế không phải vậy, bởi đó thường là doanh nghiệp làm ăn khó khăn, nợ xấu sẽ tăng. Do vậy, trên thế giới, các nước đều hướng đến lãi suất thấp. Và cơ sở để quyết định điều này là vấn đề ổn định tiền tệ, ổn định hệ thống tài chính”, ông Ngân phân tích.
Theo ông Ngân, để có mức lãi suất thấp thì rủi ro của đất nước phải thấp. Điều này thể hiện qua đánh giá về an ninh, tài chính, tín dụng, lạm phát.
“Ở Việt Nam, theo kế hoạch lạm phát khoảng 5% nhưng thực tế, chi phí giá xăng dầu không như mong đợi, điều chỉnh giảm 2 lần trong tháng rồi nên sẽ kéo CPI chững lại. Nếu năm nay CPI ở mức 3-4% thì lãi suất huy động, cho vay có thể ở mức 6-7%/năm”, ông Ngân dự tính.
Tuy vậy, mong muốn của doanh nghiệp là nhà làm chính sách đưa ra được thông điệp lãi suất ổn định, lâu dài.
“Doanh nghiệp sợ ngày hôm nay đang vay trung, dài hạn với mức lãi suất 8%/năm, khoảng 2-3 năm sau nếu lãi suất điều chỉnh lên 12-15%/năm thì họ sẽ gặp khó khăn lớn. Vậy nên, vấn đề họ quan tâm là Ngân hàng Nhà nước giữ mức lãi suất ổn định trong thời gian dài”, ông Ngân cho biết.
Nếu lãi suất cho vay ổn định, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị để tăng năng suất lao động, sản phẩm cạnh tranh hơn.
“Đầu tư vào công nghệ và máy móc thiết bị đòi hỏi vốn lớn và dài hạn, nhưng việc này sẽ gặp rủi ro từ việc lãi suất có thể biến động. Cho nên doanh nghiệp trong nhiều năm qua rất do dự không biết có giống như giai đoạn trước đây hay không (2008-2010), đột biến vay lãi suất thấp, tự nhiên nền kinh tế bất ổn, lãi suất cho vay tăng mạnh lên thì như vậy doanh nghiệp sẽ chết. Do vậy, doanh nghiệp tha thiết có một nguồn vốn lớn, ổn định, lâu dài và lãi suất thấp, như vậy cần có gói hỗ trợ lãi suất đó”, ông Ngân phân tích.
Hiện nay ở TP.HCM đang có vốn kích cầu, hỗ trợ đầu tư để đổi mới thiết bị và có sự hỗ trợ lãi suất của thành phố cho doanh nghiệp.
“Đây là một chính sách rất tốt, cũng là một vốn mồi giúp doanh nghiệp cảm thấy mình đi không lẻ loi”, ông Ngân nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.