Lãi suất cho vay: Ngân hàng nói giảm, doanh nghiệp vẫn “oằn mình” gánh lãi

Trần Giang Thứ hai, ngày 20/06/2016 11:02 AM (GMT+7)
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm lãi suất, các ngân hàng hưởng ứng, nhưng doanh nghiệp vẫn phải vay lãi suất ngắn hạn lên tới 9%/năm.
Bình luận 0

Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu (Aprocimex), cho biết hiện công ty ông vẫn đang phải vay ngân hàng với lãi suất ngắn hạn là 9%/năm cho kỳ hạn 4 tháng. Với mức lãi suất này thì doanh nghiệp ông sẽ rất khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài vì lãi suất cho vay quá cao.

Lãi suất cho vay vẫn cao ngất ngưỡng

“Làm sao mà cạnh tranh được khi doanh nghiệp nước ngoài chỉ phải vay với lãi suất 1 – 2%/năm còn doanh nghiệp trong nước phải vay với mức 9%/năm?”, ông Lý băn khoăn.

Ông Lý thừa nhận một số ngân hàng có cho vay với lãi suất 5 – 6%/năm, nhưng chỉ là giảm kỹ thuật. Bởi họ cho vay theo món, những món có lãi suất thấp được hạn mức rất thấp và ngắn.

Doanh nghiệp vẫn phải vay ngắn hạn với lãi suất 9%/năm

“Với kiểu giảm kỹ thuật như vậy, doanh nghiệp không thể giảm được chi phí lãi vay. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp năm nay còn khó khăn. Với mức lãi suất đó, doanh nghiệp có vay cũng không thể kinh doanh, làm ăn gì để có lãi được. Do vậy, tôi chỉ dự định vay khoảng 250 triệu đồng trong năm nay, giảm 1 nửa so với hạn mức tín dụng mà các ngân hàng cấp cho doanh nghiệp”, ông Lý cho biết.

Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp đang phải gánh lãi suất cao như vậy, còn Ngân hàng Nhà nước, hiện ngoài việc yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất bằng “mệnh lệnh hành chính” thì chưa có một giải pháp cụ thể nào.

Cuối tuần qua, theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã gửi báo cáo kế hoạch thực hiện các giải pháp tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất là một yêu cầu khó khăn đối với các ngân hàng hiện nay và không thể thực hiện trong ngày một ngày hai.

Một trong những nguyên nhân khó giảm lãi suất cho vay đó là nợ xấu. Đây là một thực tế mà cả chuyên gia kinh tế và lãnh đạo ngân hàng thừa nhận. Theo công bố của VAMC, hiện nợ xấu đang tồn đọng tại công ty này khoảng 220.000 tỷ đồng. Còn theo báo cáo tài chính của một số ngân hàng đã công bố, nợ xấu còn lại khoảng hơn 120.000 tỷ đồng.

Con số nợ xấu này đồng nghĩa với việc các ngân hàng mất đi một lượng vốn lớn đưa vào hoạt động kinh doanh và hàng ngày vẫn phải nuôi nó thông qua việc trích lập dự phòng rủi ro và trả lãi suất huy động. Những chi phí này được các ngân hàng tính vào chi phí hoạt động và được phản ánh vào lãi suất cho vay.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cho rằng lãi suất là vấn đề rất lớn trong năm 2016. “Các NHTM không có khả năng hạ lãi suất do nợ xấu cơ bản không được giải quyết mà chủ yếu là “lùa” vào VAMC. Trong khi đó, vì thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết tài sản thế chấp, không tạo được thị trường mua bán nợ nên nợ xấu được VAMC mua về vẫn chủ yếu nằm lại trong kho. Nợ xấu cao, chưa được giải quyết khiến vốn hiệu dụng của ngân hàng thấp”, ông Tuyển phân tích.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng nếu không giải quyết được nợ xấu thì nghịch lý lạm phát thấp nhưng lãi suất cao vẫn không thể giải quyết được. Vì nợ xấu cao, các ngân hàng buộc phải cho vay cao để bù đắp lại chi phí liên quan đến nợ xấu.

Tuy nhiên, câu chuyện nợ xấu không thể giải quyết ngày một ngày hai.

Giải pháp đã có nhưng vẫn phải... chờ!

Thực tế đó yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần phải có giải pháp cụ thể để giảm được lãi suất. Một trong những giải pháp nhiều ngân hàng kiến nghị, đó là giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Giải pháp này xem ra khó khả thi bởi tỷ lệ dự trữ bắt buộc hiện đang ở mức thấp.

Tuy nhiên, mới đây, Thống đốc đã ban hành Chỉ thị 04 với nội dung, đó là Ngân hàng Nhà nước sẽ tái cấp vốn với liều lượng, thời hạn phù hợp để hỗ trợ nguồn vốn cho các ngân hàng.

Một giải pháp khác cũng đang được Ngân hàng Nhà nước tính toán đến, đó làm giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu đã bán cho VAMC. Theo đó, cơ quan này đang xem xét giãn kỳ hạn của trái phiếu đặc biệt VAMC. Thời hạn trước đây quy định là 5 năm, tới đây một số trường hợp có thể được giãn ra thành 10 năm. Áp lực trích lập dự phòng cho trái phiếu này theo đó cũng được rải ra theo quãng thời gian dài hơn, thay vì dồn lại mà có thể gây thêm khó khăn đối với tổ chức tín dụng. Điểm chính của quy định này là tạo điều kiện gián tiếp hỗ trợ xử lý các vấn đề tài chính của các tổ chức tín dụng cần, sau khi đã bán nợ xấu và nhận về trái phiếu đặc biệt của VAMC.

Một giải pháp nữa cũng đang được triển khai, đó là Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến đóng góp cho Nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Một trong những nội dung được chú ý, đó là VAMC sẽ được mua nợ xấu theo giá thị trường, bằng trái phiếu mới phát hành trực tiếp cho các tổ chức tín dụng. Điều này có nghĩa, sau khi bán lại nợ xấu, các ngân hàng không phải trích lập dự phòng như với trái phiếu đặc biệt. Không phải trích lập dự phòng cũng đã là có thêm vốn, bớt chi phí để góp phần giảm lãi suất cho vay.

Dù vậy, những giải pháp này vẫn đang trong giai đoạn chờ đợi, lấy ý kiến và chưa biết khi nào sẽ triển khai. Còn doanh nghiệp, nếu muốn tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh thì vẫn phải “oằn mình” để gánh chi phí lãi suất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem