Doanh nghiệp có đơn hàng trở lại, nhưng vì sao vẫn chưa vui?

Quốc Hải Thứ ba, ngày 29/08/2023 15:42 PM (GMT+7)
Các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ, may mặc đã bắt đầu nhận những đơn hàng mới từ đầu tháng 7. Tuy nhiên, để cạnh tranh lấy được đơn hàng, các DN vẫn phải cắt giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm tới mức... hòa vốn.
Bình luận 0

Ông Lê Văn Đồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại Xây dựng và Xuất nhập khẩu Thanh Việt (quận Gò Vấp), cho hay, những ngày gần đây, hai xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất của công ty tại Hà Nội và TP.HCM đều đang chạy hết công suất để hoàn thiện đơn hàng cho đối tác trong nước và thị trường xuất khẩu.

"Từ đầu tháng 7 này, chúng tôi bắt đầu nhận được các đơn hàng mới và có dấu hiệu tăng dần", ông Đồng nói. 

Doanh nghiệp có đơn hàng trở lại, nhưng vì sao vẫn chưa vui? - Ảnh 1.

Một số DN ngành gỗ đã có đơn hàng trở lại từ đầu tháng 7/2023. Ảnh: Quốc Hải

Theo ông Đồng, những bất ổn của thị trường bất động sản thời gian qua khiến công ty gặp không ít khó khăn, đặc biệt là các đơn hàng sụt giảm. Tuy nhiên, ông Đồng cho rằng đây là lúc thị trường đã bắt đáy và theo quy luật, khi chạm đáy rồi sẽ từ từ lên. Do đó, từ nay đến cuối năm và bước sang đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ phục hồi.

Tín hiệu tích cực của ngành gỗ cũng được Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) thừa nhận. Theo HAWA, từ đầu tháng 7/2023 đến nay, các DN trong ngành đã đón những đơn hàng trở lại, phục vụ cho mùa mua sắm nội thất cuối năm của thị trường thế giới. Nhiều DN gỗ đang mở rộng biên độ kinh doanh, tìm giải pháp thâm nhập trực tiếp thị trường quốc tế.

Tuy số lượng các đơn hàng mới chưa nhiều như kỳ vọng, nhưng ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA cho rằng, đây là những tín hiệu khả quan và ngành nội thất Việt Nam hoàn toàn có khả năng hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu đề ra đầu năm 2023.

Doanh nghiệp có đơn hàng trở lại, nhưng vì sao vẫn chưa vui? - Ảnh 2.

Ngành gỗ kỳ vọng hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu đề ra đầu năm 2023. Ảnh: Quốc Hải

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 7/2023 đạt gần 1,1 tỷ USD; lũy kế xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 7 tháng đầu năm đạt 7,1 tỷ USD, thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của tháng 7 đã vươn lên trên 1 tỷ USD sau thời gian dài sụt giảm sâu, cho thấy tín hiệu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã dần phục hồi.

Không chỉ ngành gỗ, ngành may mặc cũng "le lói" những điểm sáng trong các tháng cuối năm nhờ những đơn hàng mới. 

Theo số liệu từ Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), trong tháng 7/2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 3,8 tỷ USD (giảm 9% so với cùng kỳ), nhưng đã có sự cải thiện so với mức giảm 17% trong nửa đầu năm 2023. Tháng 7/2023 ghi nhận giá trị xuất khẩu theo tháng cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

Kim ngạch xuất khẩu của ngành trong giai đoạn 7 tháng đầu năm 2023 đạt 22,8 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 8,7 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang châu Âu và Nhật Bản lần lượt đạt 2,7 tỷ USD (giảm 10% so với cùng kỳ) và 2,2 tỷ USD (tăng 4% so với cùng kỳ).

Tuy nhiên, nhìn chung đơn hàng ngành may mặc còn chưa nhiều và không lớn. Thế nên, để "tranh thủ" được đơn hàng, DN phải năng động, thay đổi mẫu mã, thiết kế phù hợp với thị hiếu tiêu dùng, đầy mạnh marketing, quản lý chất lượng phải tốt, giá thành phải cạnh tranh...

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May mặc Dony (huyện Bình Chánh) cho biết, hiện thị trường may mặc Mỹ vẫn chưa phục hồi nhưng thị trường các nước châu Á đang rất tốt. Trong đó, các nước Trung Đông và Đông Nam Á (Malaysia, Singapore) đang có nhu cầu nhập khẩu cao từ Việt Nam. 

Doanh nghiệp có đơn hàng trở lại, nhưng vì sao vẫn chưa vui? - Ảnh 5.

Ngành may mặc cũng có những tín hiệu phục hồi nhưng chưa mạnh mẽ. Ảnh: Quốc Hải

Theo CEO Dony, với thời gian vận chuyển chỉ khoảng một tuần và giá cả có thể chấp nhận được, thị trường châu Á đang là "cứu cánh" cho DN may mặc của Việt Nam trong thời điểm này.

"Tôi đã lên kế hoạch đi xúc tiến thương mại ở thị trường Mỹ trong tháng 10 tới nhưng nhận thấy tình hình không ổn do thị trường này vẫn chưa hồi phục. Vì vậy, tôi quyết định hủy kế hoạch và chuyển qua thị trường châu Á như Malaysia, Singapore..., tăng cường kết nối với các đối tác ở thị trường này. Cùng với đó, Dony tiếp tục mở rộng mối quan hệ với các đối tác Trung Đông và khai thác thêm tại thị trường nội địa", ông Phạm Quang Anh cho biết.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại Dệt may Nhà Bè, thì tỏ ra lo ngại khi tình hình đơn hàng hiện nay dù có nhưng khá nhỏ lẻ, chỉ "như muối bỏ biển".

"Tổng Công ty may Nhà Bè có tới 35.000 cán bộ, nhân viên nên đơn hàng cỡ 1 triệu cái thì may trong thời gian ngắn thôi. Dự báo tình hình này sẽ còn khó khăn kéo dài, ngành may mặc chắc phải 1 vài năm nữa mới phục hồi", ông Lâm nói và giải thích thêm, hiện ngành may mặc ở nước ngoài cũng khó khăn, nên có đơn hàng họ cũng ưu tiên cho DN họ làm, hoặc đưa sang Pakistan, Ấn Độ... để làm vì giá thành rẻ hơn so với Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem