Doanh nghiệp đề xuất giải pháp "đột phá" để xây nhà ở vừa túi tiền

Hồng Trâm Thứ bảy, ngày 09/04/2022 15:49 PM (GMT+7)
Những khó khăn trong việc tìm kiếm quỹ đất, thời gian làm thủ tục pháp lý, chi phí xây dựng… đã làm hạn chế nguồn cung sản phẩm, từ đó đẩy giá nhà ở tại TP.HCM liên tục leo thang.
Bình luận 0

Cân nhắc nhiều yếu tố khi xây nhà ở vừa túi tiền

Cuối năm 2021, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang lên chương trình phát triển một triệu căn nhà giá rẻ, nhà ở xã hội (NOXH) cho người lao động với giá thấp nhất có thể.

Về góc độ các doanh nghiệp, việc triển khai nhà vừa túi tiền còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Theo đó, tại tọa đàm "Nhà giá hợp lý là giá nào?" diễn ra vào ngày 9/4 tại TP.HCM, ông Ngô Quang Phúc - Tổng Giám đốc Phú Đông Group cho rằng mục tiêu xây dựng 1 triệu NOXH của thành phố là rất tốt. 

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này cần cân nhắc nhiều yếu tố tác động đến giá thành sản phẩm nhà ở. Bao gồm: Quỹ đất, nguồn vốn đầu tư, cách phân phối sản phẩm tới tay người lao động.

Đồng quan điểm, ông Dương Long Thành - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi cho rằng, mục tiêu 1 triệu căn nhà thành phố đề ra khá táo bạo. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này, TP.HCM và các tỉnh lân cận cần hành động quyết liệt hơn.

Doanh nghiệp đề xuất giải pháp "đột phá" để xây nhà ở vừa túi tiền - Ảnh 1.

TP.HCM đáng thiếu nhà ở vừa túi tiền. Ảnh: H.T

Theo ông Thành, trước tiên, để xây dựng NOXH, thành phố cần xem xét việc thời gian xử lý hồ sơ pháp lý. Hiện nay, thời gian xử lý pháp lý rất lâu (trung bình từ 2-3 năm). Nếu có thể rút ngắn thời gian làm thủ tục pháp lý, chi phí dự án sẽ tiết kiệm rất nhiều. Từ đó, góp phần giảm giá nhà vì chi phí cấu thành sản phẩm đã được giảm bớt.

Về góc độ ngân hàng, ông Trần Thanh Giang - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigon Bank) cho biết để thực hiện thành công mục tiêu 1 triệu nhà giá rẻ của thành phố, cần sự phối hợp nhà nước - nhà đầu tư - ngân hàng. Trong đó, nhà nước đóng vai trò quan trọng, quyết định tốc độ pháp lý.

Ngân hàng đứng sau doanh nghiệp, hỗ trợ quá trình triển khai dự án. Ngân hàng có thể mạnh dạn đăng kí hỗ trợ các chủ đầu tư dự án và người mua nhà. Chủ động xây dựng các gói sản phẩm riêng biệt, đáp ứng các nhóm đối tượng. Theo đó, ngân hàng sẽ phối hợp chủ đầu tư để tiếp cận các nhóm đối tượng hiệu quả nhất.

Chia sẻ về kế hoạch tiếp cận giá nhà ở hợp lý của doanh nghiệp, ông Dương Long Thành cho biết thời gian qua, quỹ đất, vấn đề hồ sơ pháp lý tại TP.HCM bị kéo dài. Thị trường khan hiếm nguồn cung, vắng bóng dự án đơn giá dưới 35 triệu/m2

Để có nhà ở vừa túi tiền, người dân phải dạt về vùng ven như Thuận An, Dĩ An, Biên Hòa, Bến Lức…. Xu hướng dân giãn về vùng ven nhờ kết nối hạ tầng giao thông. Sở hữu 1 căn nhà đầy đủ tiện ích trong khu đô thị, cộng đồng dân cư là xu hướng tất yếu. Hiện tại, Thắng Lợi Group đã chuẩn bị quỹ đất, dự án để triển khai nhà ở vừa túi tiền trong thời gian tới.

Doanh nghiệp đề xuất giải pháp "đột phá" để xây nhà ở vừa túi tiền - Ảnh 3.

Vấn đề quỹ đất, thủ tục pháp lý là các yếu tố doanh nghiệp quan tâm nhiều khi xây nhà ở vừa túi tiền. Ảnh: T.T

Vị đại diện Phú Đông Group cho biết, đơn vị đã nghiên cứu và tiếp cận như thế nào để phát triển nhà ở giá hợp lý. Mục tiêu 1 triệu căn nhà là táo bạo nhưng không có nghĩa là không thực hiện được. Nếu hoàn thành mục tiêu đề ra, thành phố sẽ tạo được nguồn cung lớn thì mức giá sẽ ổn định, tạo cơ hội cho người thu nhập trung bình tiếp cận được nhà ở giá hợp lý. 

Đề xuất giải pháp rút ngắn thời gian

Về sự cần thiết của sự đồng hành của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở giá hợp lý, theo ông Ngô Quang Phúc, quan trọng nhất vẫn là tạo lập quỹ đất để doanh nghiệp thực hiện và tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào thị trường, tạo ra nguồn cung nhà ở. 

"Doanh nghiệp chỉ cần có quỹ đất phù hợp để làm hoặc thủ tục pháp lý nhanh nhất để có thể triển khai dự án. Doanh nghiệp tạo nhiều sản phẩm thì nguồn cung tăng lên, mà nguồn cung tăng thì tạo ra cho thị trường sản phẩm mức giá ổn định hơn. Chúng tôi không mong thị trường quá nóng mà chúng tôi cần sự ổn định", ông Phúc nhấn mạnh.

"Ý chí của chủ đầu tư rất quan trọng trong việc tạo lập bất động sản giá hợp lí, tức là cái tâm của chủ đầu tư. Doanh nghiệp sẽ phải xác định biên độ lợi nhuận không quá cao nếu muốn làm nhà ở thực cho người trẻ", ông Phúc cho biết thêm.

Doanh nghiệp đề xuất giải pháp "đột phá" để xây nhà ở vừa túi tiền - Ảnh 4.

Doanh nghiêp đề xuất mô hình vừa hoàn thiện thử tục pháp lý vừa tiến hành khởi công để rút ngắn thời gian. Ảnh: H.T

Đáng chú ý, ông Dương Long Thành đã đề xuất giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu xây nhà ở vừa túi tiền cho khách hàng. 

Nhà nước có thể nghiên cứu việc xử lý các hồ sơ pháp lý của các dự án bất động sản, không chỉ ở TP.HCM mà còn ở các tỉnh thành cũng có thể nghiên cứu thử mô hình Nhà nước đứng ra bảo lãnh, bảo trợ các doanh nghiệp.

Ông Dương Long Thành - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi

Theo đó, mỗi tỉnh thành có thể chọn 10 - 20 doanh ngiệp đầu ngành, chủ đầu tư uy tín bảo lãnh họ, vừa hoàn thiện pháp lý vừa triển khai dự án. Thay vì đợi 24 tháng để hoàn thành thủ tục pháp lý thì thành phố có thể bảo lãnh, cho phép doanh nghiệp vừa hoàn thiện thủ tục pháp lý vừa tiến hành khởi công nhằm rút ngắn thời gian đưa dự án sớm hoạt động giảm chi phí và giá thành sản phẩm,

"Ví dự như ở Bình Dương, Phú Đông Group đã có những sản phẩm uy tín mà cư dân vào ở rồi thì tỉnh có thể bảo lãnh chủ đầu tư làm các dự án tiếp theo… Thực tế, mô hình này đã được thí điểm ở các doanh nghiệp nhà nước. Bây giờ lan rộng mô hình này ra cho các doanh nghiệp tư nhân. Các nhà ở vừa túi tiền, nhà ở thương mại sẽ đa dạng hơn từ đó thị trường sẽ điều tiết về giá cho phù hợp", vị lãnh đạo Thắng Lợi Group chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem