Doanh nghiệp địa ốc rón rén với kế hoạch kinh doanh 2023

Quốc Hải Chủ nhật, ngày 11/06/2023 19:23 PM (GMT+7)
Tình hình thị trường bất động sản còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp địa ốc rón rén khi xây dựng mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trong năm 2023.
Bình luận 0

"Cài số lùi" trong kế hoạch kinh doanh 2023

Mới nhất, Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland; HoSE: NVL) công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 (dự kiến diễn ra vào ngày 22/6 sắp tới). Trong đó, Novaland đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế giảm hơn 90% so với năm 2022, xuống chỉ còn 214 tỷ đồng. Mục tiêu doanh thu cũng giảm 14,5%, xuống 9.531 tỷ đồng và không chia cổ tức từ năm 2021 đến 2023.

Trước đó, trong quý I/2023, Novaland ghi nhận doanh thu chỉ đạt hơn 600 tỷ đồng (giảm 70% so với cùng kỳ năm trước và giảm 81% so với quý IV/2022). Đặc biệt, NVL báo lỗ 410 tỷ đồng - quý lỗ đầu tiên từ khi niêm yết lên sàn chứng khoán.

Doanh nghiệp địa ốc “rón rén” với kế hoạch kinh doanh 2023 - Ảnh 1.

Thị trường chưa thực sự khởi sắc, các DN bất động sản khá thận trọng trong kế hoạch kinh doanh 2023. Ảnh: Quốc Hải

Với kết quả này, Novaland mới chỉ hoàn thành hơn 6% mục tiêu doanh thu và còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận hơn 200 tỷ năm nay.

Một "ông lớn" khác là Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) cũng "cài số lùi" kế hoạch kinh doanh năm nay. Cụ thể, DN này đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất chỉ 5.500 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 158 tỷ đồng, giảm lần lượt 0,2% và 26,5% so với kết quả đạt được năm 2022.

Tương tự, Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, HoSE: SCR) năm nay cũng đặt mục tiêu doanh thu đạt 540 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 20 tỷ đồng, lần lượt giảm 40% và 75% so với thực hiện năm 2022.

Đáng lưu ý, kết quả năm 2022 của TTC Land cũng không mấy khả quan khi doanh thu và lãi trước thuế đạt lần lượt 893 tỷ đồng và 79 tỷ đồng, giảm 47% và 67% so với năm 2021.

Công ty CP Phát triển hạ tầng kỹ thuật Becamex (mã IJC) cũng đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất năm 2023 chỉ 1.634 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 500 tỷ đồng, lần lượt giảm 18% và 2% so với năm ngoái.

Doanh nghiệp địa ốc “rón rén” với kế hoạch kinh doanh 2023 - Ảnh 2.

Tình hình khó khăn của thị trường bất động sản có thể kéo dài đến hết năm 2023. Ảnh: Quang Duy

Theo thống kê của FiinTrade, tính tới đầu tháng 4 năm nay, có khoảng 247 doanh nghiệp thuộc khối phi tài chính đã có kế hoạch kinh doanh năm 2023. Trong đó, số doanh nghiệp dự kiến lỗ hoặc giảm lợi nhuận chiếm khoảng 40%, bao gồm hàng loạt doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản – xây dựng, vật liệu xây dựng…

Còn theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), 5 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp bất động sản giải thể tăng 30,4%; còn số doanh nghiệp thành lập mới giảm 61,4% so cùng kỳ năm trước.

Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG) cũng đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2023 là 3.225 tỷ đồng, giảm 9,94%; lợi nhuận sau thuế là 971 tỷ đồng, giảm 28,7% so với năm 2022.

Ở một số DN môi giới bất động sản, các đơn vị này cũng khá thận trọng trong kế hoạch kinh doanh 2023.

Chẳng hạn, Công ty CP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Dat Xanh Services, HoSE: DXS) đặt kế hoạch với doanh thu hợp nhất dự kiến đạt 3.800 tỷ đồng, bằng 92% so với kết quả thực hiện năm 2022 và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 126 tỷ đồng, giảm 62% so với thực hiện năm 2022.

Còn tại, Công ty CP Bất động sản Thế Kỷ (CenLand, HoSE: CRE) cũng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu thuần đạt 3.050 tỷ đồng, giảm 12% và lợi nhuận trước thuế đạt 168 tỷ, giảm 32% so với kết quả thực hiện được trong năm 2022.

Kỳ vọng thị trường phục hồi từ cuối năm 2023

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã được Chính phủ ban hành như Nghị định 08/2023/NĐ-CP, Nghị quyết 33/2023/NQ-CP, các giải pháp hạ nhiệt lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước… Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, chứng khoán, điều này tạo ra động lực góp phần đẩy nhanh quá trình "rã đông" của thị trường bất động sản.

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.vn khu vực phía Nam, nhận định, nhu cầu thực đối với bất động sản vẫn có và những chính sách tốt hỗ trợ thị trường đã tạo ra cú hích tương đối, do đó, ông đánh giá thời điểm khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã qua.

"Theo dữ liệu mà chúng tôi có được, từ tuần đầu tiên của tháng 5, nguồn cung và lượng quan tâm tìm kiếm bất động sản đã có dấu hiệu khả quan hơn", ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, các động thái mới nhất từ phía Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chỉ là điều kiện cần, còn thực chất, doanh nghiệp vẫn phải nỗ lực tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, xây dựng danh mục sản phẩm, điều chỉnh mức giá phù hợp với thị trường thì dòng tiền mới thực sự đi vào doanh nghiệp.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia của Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định, thời điểm xấu nhất có thể đã qua đối với ngành bất động sản. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất giảm sớm hơn dự kiến và được hỗ trợ tích cực hơn của Chính phủ, thị trường bất động sản đang cải thiện, nhưng có thể vẫn còn một số trở ngại nhất định.

Chẳng hạn, lãi suất cho vay vẫn cần giảm thêm để kích thích nhu cầu trở lại; Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cần thời gian để thực sự tác động lên thị trường, đặc biệt là tháo gỡ những nút thắt trong quá trình cấp phép dự án.

"Đặc biệt, rủi ro vỡ nợ vẫn có thể xảy ra với những chủ đầu tư không thể thương lượng được với trái chủ để giãn thời hạn thanh toán hoặc cân đối dòng tiền để trả nợ", chuyên gia SSI Research nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem