Doanh nghiệp địa ốc thua lỗ kỷ lục, hàng tồn kho tăng mạnh

Quốc Hải Thứ ba, ngày 31/01/2023 12:36 PM (GMT+7)
Hàng loạt doanh nghiệp địa ốc không hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh đặt ra từ đầu năm 2022, lượng hàng tồn kho tăng. Thậm chí, một số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ kỷ lục trong lịch sử niêm yết của mình.
Bình luận 0

Kết quả kinh doanh ảm đạm của các doanh nghiệp địa ốc

Mới nhất, Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HoSE: NVL) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 4/2022. Theo đó, doanh thu trong kỳ của NVL đạt 3.244 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ (quý 4/2021). Sau khi khấu trừ chi phí, NVL ghi nhận lợi nhuận sau thuế 240 tỷ đồng.

Luỹ kế cả năm 2022, NVL ghi nhận gần 11.152 tỷ đồng tổng doanh thu hợp nhất, giảm 25% so với năm 2021.

Trong đó, doanh thu từ bán hàng đạt gần 9.221 tỷ đồng, được ghi nhận từ việc bàn giao tại các dự án như NovaWorld Phan Thiet, Aqua City, NovaWorld Ho Tram, NovaHills Mui Ne, Soho Residence và Victoria Village; doanh thu từ cung cấp dịch vụ đạt hơn 1.930 tỷ đồng.

Doanh nghiệp địa ốc thua lỗ kỷ lục - Ảnh 1.

Hàng loạt doanh nghiệp địa ốc không hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh đặt ra từ đầu năm 2022. Ảnh: PhuDong Group

Khấu trừ chi phí, NVL đạt 4.114 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và hơn 2.293 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, giảm 34% so với năm ngoái.

Tại Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, HoSE: SCR), trong quý 4/2022, DN này ghi nhận doanh thu hơn 319 tỷ đồng, gần gấp 3 lần cùng kỳ, nhưng doanh thu tài chính giảm mạnh khiến lợi nhuận chung suy giảm.

Cụ thể, lợi nhuận gộp trong quý của TTC Land đạt 81 tỷ đồng, chi phí tài chính ghi nhận 174 tỷ đồng (giảm 23%). Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của TTC Land lại suy giảm do doanh thu tài chính giảm và chi phí tài chính tăng từ việc TTC Land thực hiện thu hồi các khoản cho vay ngắn hạn trong năm và trích trước các khoản chi phí tài chính.

Kết quả là TTC Land lỗ hơn 91 tỷ đồng trong quý 4/2022, ghi nhận lần đầu báo lỗ từ năm 2020.

Lũy kế cả năm 2022, TTC Land ghi nhận doanh thu hoạt động kinh doanh chính hơn 893 tỷ đồng và lãi ròng hơn 50 tỷ đồng, lần lượt giảm 47% và 73% so với năm 2021.

Trong quý 4/2022, Công ty CP Đầu tư LDG (HoSE: LDG) đạt doanh thu gần 47 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng khiến DN này ghi nhận khoản lỗ sau thuế gần 39 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên LDG kinh doanh thua lỗ kể từ quý 3/2016.

Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân thua lỗ là do chi phí tài chính tăng cao. Cụ thể, trong quý 4/2022, LDG đã phải chi ra hơn 15 tỷ đồng chi phí lãi vay, hơn 31 tỷ đồng phân chia lợi ích hợp tác đầu tư và 20 tỷ đồng chi phí tài chính khác.

Luỹ kế cả năm 2022, LDG đạt 276 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế đạt 4 tỷ đồng. Như vậy, so với mục tiêu kinh doanh đặt ra từ đầu năm 2022 (doanh thu là 2.337 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 310 tỷ đồng), LDG mới chỉ hoàn thành được 12% mục tiêu về doanh thu và 1,3% mục tiêu lợi nhuận.

Doanh nghiệp địa ốc thua lỗ kỷ lục - Ảnh 2.

Thanh khoản thị trường chậm lại nên nhiều DN địa ốc có lượng tồn kho tăng cao. Ảnh: PhuDong Group

Tại Công ty CP Đầu tư Hải Phát (HoSE: HPX), trong quý 4/2022, doanh thu thuần của doanh nghiệp này giảm 16% so với cùng kỳ, còn 327 tỷ đồng. Tuy nhiên, Hải Phát đã kinh doanh dưới giá vốn nên lỗ gộp hơn 34 tỷ đồng.

Dù lỗ gộp nhưng nhờ doanh thu tài chính từ việc bán các khoản đầu tư, cộng với các chi phí phát sinh trong kỳ cũng giảm mạnh, HPX vẫn lãi ròng hơn 18 tỷ đồng trong quý cuối năm, giảm 87% so với cùng kỳ 2021.

Lũy kế cả năm 2022, lãi ròng của HPX giảm 51% so với năm trước, ghi nhận gần 141 tỷ đồng. Như vậy, HPX chỉ thực hiện được gần 61% mục tiêu doanh thu và hơn 31% mục tiêu lợi nhuận.

Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) trong quý 4/2022 cũng ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 948 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ năm 2021. Do giá vốn hàng bán của DXG chiếm hơn một nửa doanh thu với hơn 550 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp chỉ còn hơn 433 tỷ đồng, giảm hơn 61,4% so với cùng kỳ.

Sau khi trừ các khoản chi phí, DXG báo lỗ hơn 407 tỷ đồng trong quý 4/2022.

Lũy kế cả năm 2022, DXG ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt hơn 5.581 tỷ đồng, giảm gần 45% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ chỉ đạt hơn 148 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 87% so với cùng kỳ.

Một loạt doanh nghiệp địa ốc tên tuổi khác thì có lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Chẳng hạn, tại Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (HoSE: KDH), trong quý 4/2022, doanh nghiệp này đạt doanh thu 1.234 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Tuy nhiên giá vốn hàng bán chiếm tới 76% của doanh thu thuần khiến lãi gộp chỉ còn hơn 298 tỷ đồng, giảm 38,6% so với cùng kỳ (quý 4/2021).

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần KDH đạt 2.912 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.081 tỷ đồng, giảm 10,2% so với năm 2021.

Như vậy, so với kế hoạch năm 2022, KDH mới chỉ hoàn thành được 73% mục tiêu về doanh thu và 77% mục tiêu về lợi nhuận.

Tương tự, tại Công ty CP Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG), trong quý 4/2022, công ty này đạt doanh thu  1.629 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi sau thuế đạt gần 590 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2022, Nam Long thu về 4.339 tỷ đồng doanh thu, giảm 17% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 865 tỷ đồng, giảm 41% so với năm 2021.

Tồn kho tăng mạnh

Không chỉ đạt kết quả kinh doanh thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, thậm chí là thua lỗ, ghi nhận tại nhiều doanh nghiệp, mục hàng tồn kho tăng khá mạnh so với thời điểm đầu năm.

Tại Novaland, ghi nhận tại ngày 31/12/2022, hàng tồn kho của DN này lên đến gần 134.485 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc đầu tư các dự án Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram và từ việc nhận chuyển nhượng các dự án mới.

Trong đó, 91% tổng hàng tồn kho (tương đương gần 122.559 tỷ đồng) là giá trị quỹ đất và dự án đang xây dựng, phần còn lại là bất động sản đã xây dựng hoàn thành và hàng hóa bất động sản, bất động sản đã hoàn thiện chờ bàn giao cho khách hàng.

Tương tự, tại TTC Land, thời điểm 31/12/2022, hàng tồn kho của DN này đạt 2.776 tỷ đồng, chủ yếu là bất động sản dở dang tập trung tại các dự án trọng điểm.

Tại thời điểm cuối năm 2022, hàng tồn kho của Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh cũng tăng 26,7% lên 14.238 tỷ đồng.

Doanh nghiệp địa ốc thua lỗ kỷ lục - Ảnh 4.

Quý 4/2022 là quý khá ảm đạm với các DN địa ốc. Ảnh: PhuDong Group

Trái ngược với các DN trên, ở một số DN địa ốc khác lại ghi nhận lượng hàng tồn kho giảm so với thời điểm đầu năm.

Chẳng hạn, tại Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (HoSE: CII), lượng hàng tồn kho tại ngày 31/12/2022  là 1.641 tỷ đồng, giảm 64% so với đầu năm. Trong đó, giá trị các bất động sản đang chờ bán chiếm 66% hàng tồn kho với 1.079 tỷ đồng, đây là các dự án Khu nhà ở Chung cư ở lô 3.15, lô 3.2 và số 512 Điện Biên Phủ.

Còn tại Công ty CP Đầu tư LDG, ghi nhận tại thời điểm 31/12/2022, hàng tồn kho của DN này là 1.206 tỷ đồng, giảm 10,5% so với đầu năm tập trung chủ yếu ở dự án Khu dân cư Dịch vụ Giang Điền (214 tỷ đồng), dự án chung cư cao tầng tại đại lộ Võ Văn Kiệt (241 tỷ đồng), dự án Khu dân cư Tân Thịnh (463 tỷ đồng).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem